Sau một thời gian dài ngăn chặn thành công các ca lây nhiễm, cuối tháng 11/2020 TPHCM lại phát hiện các ca mới trong cộng đồng. Theo thông tin từ các phương tiện truyền thông (1), tại cuộc họp báo công bố khởi tố vụ án "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" , v iệc lây nhiễm cộng đồng có nguồn gốc từ bệnh nhân 1342. Bệnh nhân 1342 là tiếp viên hàng không Vietnam Airlines. Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nam tiếp viên này ngoài vi phạm quy định khi cách ly tại nhà còn vi phạm ngay trong khu cách ly tập trung khi D.T.H đã tự ý đi sang khu vực cách ly của tổ bay khác, nơi có người sau này được xác định dương tính (BN 1325). Trong quá trình cách ly tại nhà, BN1342 đã không tuân thủ đúng quy định về cách ly y tế, tiếp xúc gần với 3 người khác, trong đó đặc biệt là một giáo viên tại Trung tâm Anh ngữ. Giáo viên này trong thời gian từ ngày 16 – 25 -11 đã đến nghỉ trưa tại phòng trọ cùng BN1342. Hậu quả là Vị giáo viên nhiễm bệnh (BN 1347) đồng thời làm lây lan sang hai trường hợp khác (bé trai 1 tuổi (BN 1348) và nữ học viên Trung tâm Anh ngữ Key English, 28 tuổi (BN 1349). Nguy hiểm hơn, BN 1347 còn có lịch trình di chuyển khá dày đặc, đến các địa điểm đông người, như Trung tâm tiếng Anh, quán cà phê, karaoke…. gây rất nhiều hệ lụy, thiệt hại cho Nhà nước, xã hội.
Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố Vụ án nhưng chưa khởi tố bị can (chưa khởi tố cá nhân nào). Có lẽ đây cũng là một “ca khó” với các cơ quan tiến hành tố tụng, khó giữa quy định của pháp luật và yêu cầu bức thiết của xã hội về việc xử lý nghiêm khắc các hành vi làm lây lan dịch bệnh.
Vậy, theo quy đinh của pháp luật, trong số 2 bệnh nhân là nguồn lây nhiễm (1342, 1347) ai có thể bị khởi tố trong Vụ án này? Theo quan điểm của tôi, căn cứ khởi tố tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" với Tiếp viên hàng không (BN 1342) khá rõ. Nhưng sẽ rất khó để xử lý anh chàng Giáo viên Anh ngữ. Giả thiết rằng vị Giáo viên biết rõ người bạn Tiếp viên hàng không là đối tượng nguy cơ cao, đang bị cách ly tại nhà nhưng vẫn cố ý đến nơi cách ly (phòng trọ của BN 1342) ngủ chung nhiều lần, tiếp xúc nhiều nơi, nhiều người, gây lây lan dịch bệnh thì đây là hành vi vô cùng nguy hiểm, cần xử lý nghiêm khắc. Nhưng vẫn rất khó để khởi tố, kết tội anh ta với quy định hiện hành. Đây chính là bất cập trong quy định của pháp luật và nó cho thấy tầm nhìn hạn chế trong việc hướng dẫn xử lý tội danh này.
Quy định của pháp luật và tư duy “ăn sổi ở thì” trong xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật
Điều 240 Bộ luật hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho ngườiquy định:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”.
Theo quy đinh trên, không có quy định cụ thể nào có thể trực tiếp áp dụng để xử lý hình sự liên quan đến hành vi làm lây lan Covid 19. Tuy nhiên, may mắn là các nhà làm luật biết mình không dự liệu hết được các tình huống phát sinh nên đã thòng thêm điểm c về tội danh này là “Các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”.
Thời điểm dich mới phát sinh, dư luận bức xúc yêu cầu xử lý hình sự với bệnh nhân số 17 đã khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh. Nhưng cơ quan chức năng ở thời điểm đó không thể xử lý được vì không có quy định nào xác định “các hành vi khác…” là hành vi gì.
luật sư hình sự
Để phục vụ công tác phòng chống dịch và (có lẽ) một phần cũng để giải quyết những tình huống như bệnh nhân số 17 nên ngày ngày 30 tháng 3 năm 2020 Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Về “Các hành vi khác….” tại Điều 240 Bộ Luật hình sự, Tòa án nhân đân tối cao hướng dẫn bao gồm các đối tượng, hành vi sau:
“ Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 ...:
a) Trốn khỏi nơi cách ly;
b) Không tuân thủ quy định về cách ly;
c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối ”.
luật sư bào chữa
Theo hướng dẫn trên, chỉ những người “ đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly ” mới là đối tượng bị xử lý tội danh này. Như vậy, dù hành vi lan truyền dịch bệnh của vị Giáo viên (BN 1347) là rất vô trách nhiệm, gây nguy hiểm, thiệt hại lớn cho cộng đồng nhưng vẫn không thể xử lý tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, bởi anh ta không phải là người “ đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly ” theo hướng dẫn của TAND Tối cao.
Điều khá lạ lùng là trong các giai đoạn dịch bệnh trước đây đã diễn ra tình trạng người bán vé số, bán hàng rong xâm nhập vào khu cách ly, bán hàng cho người bị cách ly(2) . Đây là những nguồn nguy hiểm cao độ, gây nguy cơ cao cho cộng đồng, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả những người trở về từ vùng dịch bị cách ly, bởi họ tiếp xúc rộng, xã hội không có sự phòng ngừa với các đối tượng này. Lẽ ra phải ưu tiên ngăn chặn, xử lý nghiêm để răn đe, nhưng với quy định như trên, nếu những người bán hàng rong xâm nhập trái phép vào khu cách ly, gây lây lan dịch bệnh cũng không phải là đối tượng bị xử lý về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’’. Dường như Công văn số 45 của Tòa án nhân dân tối cao về xử lý tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người chỉ tập trung vào khắc phục tình huống giống của BN số 17 đã làm lây lan dich bệnh, theo kiểu “rách đâu khâu đó”, thiếu đi tầm nhìn, sự tiên lượng tình huống khi ban hành văn bản.
Hơn nữa, trong bối cảnh cấp thiết của tình hình phòng chống dich, việc Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn để hướng dẫn áp dụng pháp luật là có thể hiểu được. Nhưng kéo dài từ đầu năm đến nay vẫn giữ Công văn này, theo tôi là sự chậm trễ. Để đảm bảo tính pháp lý trong việc khởi tố, truy tố, xét xử thì Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần khẩn trương ban hành Nghị quyết để hoàn thiện cả về nội dung lẫn hình thức văn bản, bởi Công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật, chỉ là giải pháp tình huống, và về nội dung, cần phải bổ sung cả những trường hợp cần phải khởi tố như đã trình bày ở trên.
(1) https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-548
(2) https://tuoitre.vn/de-nguoi-dan-vao-ban-hang-cho-benh-nhan-covid-19-bac-lieu-bi-kiem-diem-viet-nam-0-ca-moi-20200523065619273.htm
luật sư giỏi , luật sư , văn phòng luật sư