Tiếp chúng tôi, ông Trần Công Thành (68 tuổi, ngụ phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) ngậm ngùi kể trước khi bị bắt, ông là cán bộ bảo hộ lao động làm tại phân xưởng sản xuất xi măng của Công ty Công trình 4-3 (nay là Công ty Cổ phần 720, trụ sở tại quận Bình Thủy). Ngày 9-7-1981, ông vẫn đi làm bình thường thì khoảng 14 giờ 30, bảo vệ vào gọi ông lên văn phòng công ty có việc. Ông vừa lên tới nơi thì bị Công an tỉnh Hậu Giang (cũ) bắt đưa đi. Lúc đó ông không được biết mình bị bắt vì tội gì, sau đó cũng không được công an giao các quyết định khởi tố, bắt tạm giam.
Bắt người thiếu căn cứ
Cùng bị bắt với ông Thành còn có ba đồng nghiệp khác là các ông Phạm Văn Tâm (82 tuổi), Võ Thành Long (64 tuổi, đã mất), Mã Lương Tình (63 tuổi). Bốn ông bị tạm giam chín tháng 20 ngày thì được công an cho về.
Theo bản kết luận điều tra do Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ ký ngày 16-5-2014, vào ngày 1-7-1981, kho vật tư cơ giới tổng hợp của Công ty Công trình 4-3 bị kẻ gian cắt vách tôn vào lấy cắp hàng vật tư trong kho gồm 103 dây cu-roa và một lốc tủ lạnh. Sau khi bị mất trộm, công ty trực tiếp báo cho Phòng Bảo vệ kinh tế và Phòng Trinh sát kỹ thuật Công an tỉnh Hậu Giang (cũ) đến khám nghiệm hiện trường. Căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh, Phòng Bảo vệ kinh tế đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với các ông Tâm, Tình, Long và Thành vào ngày 9-7-1981.
Các ông Tình, Thành, Tâm (từ trái sang) có nguyện vọng sớm được VKSND TP Cần Thơ bồi thường oan. Ảnh: N.NAM
Bản kết luận trên nêu tiếp: Phòng Bảo vệ kinh tế tiến hành điều tra, bốn ông Tâm, Tình, Long và Thành đều không thừa nhận việc lấy cắp tài sản mà chỉ nhận về phần trách nhiệm của mình. Đến ngày 15-12-1981, Phòng Bảo vệ kinh tế chuyển toàn bộ hồ sơ cho Phòng Cảnh sát kinh tế tiếp tục thụ lý nhưng các bị can vẫn không nhận đã trộm cắp tài sản mà chỉ nhận phần trách nhiệm của mình đối với vụ mất cắp trên. Ngày 22-4-1982, các bị can được lệnh tạm tha.
“Xét thấy do đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được các ông Tâm, Tình, Long và Thành thực hiện tội phạm… Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ quyết định đình chỉ điều tra vụ án lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, đình chỉ điều tra bị can đối với các ông Tâm, Tình, Long và Thành về hành vi lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa theo Điều 4 Sắc luật 03 ngày 15-3-1976 của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và thông báo cho các ông biết” - kết luận điều tra nêu.
Ròng rã kêu oan
Ông Thành cho biết lúc bị bắt ông rất hoang mang. Gia đình nghèo khổ, hai con nhỏ dại. Khi được tạm tha, ông đã yêu cầu làm rõ mình có tội hay không, nếu có thì xử lý theo pháp luật, nếu không thì phải phục hồi mọi quyền lợi cho ông như bình thường. Tuy nhiên, lúc đó ông chỉ được cán bộ công an trả lời là “cứ về đi rồi từ từ giải quyết”.
“Từ một người có công trong cuộc giải phóng đất nước, tôi trở thành nỗi nhục của gia đình. Mẹ tôi bảo người ta về mang vinh quang về cho dòng họ, còn tôi thì bị cho là thằng trộm. Bạn bè, xóm giềng sợ mang tiếng lây cũng xa lánh. Danh dự của tôi mất hết. Đã vậy, thời đó nghèo khổ, vì tôi bị bắt nên vợ tôi phải nghỉ ở nhà chèo chống vừa nuôi hai con nhỏ vừa thăm chồng bị giam. Đến khi tôi được thả về gần một năm thì đứa con gái nhỏ mất vì suy dinh dưỡng và mắc bạo bệnh. Tôi đau xót vô cùng!” - ông Thành đưa tay lau nước mắt, uất nghẹn.
Sau khi được tạm tha, ông Thành bắt đầu hành trình kêu oan của mình. Đơn từ khiếu nại của ông cứ ngày một dày lên, bao nhiêu tiền bạc đội nón ra đi theo những chuyến tới lui các cơ quan khiếu nại nhưng tất cả đều như bóng chim tăm cá. Nhiều lúc vợ ông cũng dằn dỗi vì ông “cứ đi hoài mà có được gì đâu”. Chỉ có ông luôn tin vào bản thân mình và tin rằng pháp luật sẽ bảo vệ lẽ phải cho ông. Chính vì vậy mà suốt 33 năm, hằng tháng ông vẫn đi gửi đơn khiếu nại. Ông bảo gửi đơn đến khi nào được minh oan, trả lại danh dự mới thôi.
“Mừng quá cô ạ. Nhờ kiên trì khiếu nại mà đến nay cả bốn chúng tôi đã được các cơ quan tố tụng ở Cần Thơ thừa nhận là bị oan. Nhưng mà việc hậu giải oan thì còn lâu quá. Chúng tôi không biết còn phải chờ đến bao giờ mới được bồi thường, xin lỗi trong khi một người đã về với các cụ, ba người còn lại cũng không biết sẽ “đi” lúc nào. Xin đừng bắt chúng tôi phải chờ thêm nữa!” - ông Thành rưng rưng.
Mỗi người yêu cầu bồi thường gần 950 triệu đồng
Sau khi được đình chỉ điều tra, ông Tâm, Tình, Long và Thành đã làm đơn yêu cầu VKSND TP Cần Thơ bồi thường thiệt hại gồm xin lỗi công khai tại nơi cư trú, bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần (những ngày bị giam và những ngày mang thân phận bị can) và bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất từ ngày bị giam đến ngày được minh oan (tổng cộng 406 tháng). Theo đó, tổng số tiền mỗi người yêu cầu được bồi thường là gần 950 triệu đồng.
Ngày 30-10-2014, VKSND TP Cần Thơ đã lập biên bản ghi nhận ý kiến của các ông và gia đình, đánh giá ông Thành yêu cầu tổn thất tinh thần và thu nhập thực tế là phù hợp; ba ông còn lại thì phần tổn thất tinh thần phù hợp (riêng ông Tình không tính thời gian ông vi phạm), còn phần tổn thất thu nhập thực tế phải xem xét lại vì các ông có thời gian được công tác lại. Phần thiệt hại chi phí mai táng của ông Long không được tính do không phải mất trong thời gian bị tạm giam.
Ngày 8-1, thông tin với đoàn giám sát về oan sai của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Chúc (đại diện VKSND TP Cần Thơ) cho biết cơ quan này đang thụ lý đơn yêu cầu bồi thường oan của các ông Tâm, Tình, Thành và đại diện gia đình của ông Long (đã mất). VKS đã xác minh xong phần thiệt hại tại nơi làm việc của các ông và đang sắp xếp thời gian để thương lượng bồi thường.
NHẪN NAM
Theo PLO