Luật sư Trần Hồng Phong
Chuyện công dân sau khi bị đưa về trụ sở công an làm việc vì nghi vấn có liên quan đến hành vi phạm pháp nào đó, rồi ra về với nhiều vết thương, dấu hiệu bị đánh đập trên cơ thể. Hay thậm chí bị công an dùng nhục hình đánh đến chết rồi kêu người nhà tới nhận xác, là một thực tế không còn là cá biệt và đó là điều hết sức đáng lo ngại trong hoạt động của lực lượng công an hiện nay.
Đó là dấu hiệu thể hiện sự yếu kém, vi phạm pháp luật của công an, cho thấy quyền được an toàn, tự do về thân thể, sức khỏe, quyền bào chữa của công dân - vốn được Hiến pháp quy định, đã và đang bị xâm hại hết sức nghiêm trọng.
Ảnh: Công dân Nguyễn Thanh Chấn ( người bị kết án oan về tội giết người) là nạn nhân của hành vi bức cung, nhục hình của công an.
Tôi không muốn nói nhiều về vấn đề vi phạm pháp luật của công an. Từ lâu, pháp luật hình sự nước ta đã nghiêm cấm việc bức cung, dùng nhục hình trong điều tra, xét hỏi. Cho nên, việc công an dùng nhục hình, tra tấn đánh đập công dân là sai hoàn toàn. Điều đó là quá rõ, không cần nói nhiều.
Câu hỏi mà nhiều người quan tâm là vì sao lại có tình trạng đó và ngày càng nghiêm trọng, phổ biến? Dư luận thời gian qua đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân, từ việc công an không nắm vững nghiệp vụ, quy định của pháp luật, cho đến nóng nảy, sơ ý …vv. Nhưng theo tôi, cái chính là vì không có ai giám sát, theo dõi cái sai của công an, nên trong bối cảnh “một mình một chợ”, sau bốn bức vách của phòng hỏi cung, lại đứng trước áp lực phải phá án nhanh, áp lực về thành tích (đồng nghĩa với việc thăng quan tiến chức …vv), lại gặp những đối tượng nhiều khi do quá sợ hãi, nói năng ấp úng, không rõ ràng - thế là công an nạt nộ quát tháo, đập bàn đập ghế, vung tay vung chân, dùng nhục hình …
Cũng chính vì không có ai giám sát, nên một điều rất cơ bản là trước khi làm việc, người công an phải giải thích cho người bị tạm giữ, bị can bị cáo về quyền được mời luật sư bào chữa, được có luật sư tham dự hỏi cung, được đọc và ghi ý kiến vào biên bản hỏi cung … hầu như không bao giờ được tôn trọng và thực hiện. Mà thậm chí là ngược lại, không ít cơ quan công an còn cố tình ngăn cản, bày vẽ hay hù dọa sao đó để từ trong trại giam, bị can bị cáo gửi ra bên ngoài những tờ giấy ghi nội dung “không có nhu cầu thuê luật sư”! Điều này là kỳ quái và khác thường đến mức buồn cười! Vì thử hỏi có người nào bị bệnh mà không cần bác sỹ, không muốn uống thuốc(!?);
Nói về dùng nhục hình, không hẳn chỉ là việc đánh đập bằng tay chân, mà nhiều khi còn tàn ác và tinh vi hơn nhiều. Đó là “đánh” vào tâm lý, vào ý chí của con người – vốn có giới hạn. Chẳng hạn như việc không cho bị can nữ được tắm rửa trong nhiều ngày.
Gần đây, tôi có tham gia buổi hỏi cung một bị cáo vị thành niên (16 tuổi). Điều tra viên là một thượng tá trưởng phòng cảnh sát điều tra công an một quận. Khi hỏi cung đã hăm cậu bé là “nếu mày không khai thì tao không cho gặp mẹ” (thực tế cậu bé đã bị giam hơn 2 tháng trong trại mà không được gặp người nhà). Khiến cậu phải rơi nước mắt. Nhưng khi cậu khai ra (mà theo tôi là khai đúng sự thật), thì ông công an một mực không tin, khẳng định “mày nói láo”. Từ ánh mắt, cho đến thái độ cử chỉ không khác nào một con cọp trước một con nai, làm cậu bé sợ đến mức đái cả ra quần. Mà đó là buổi hỏi cung có mặt luật sư. Thì thử hỏi nếu không có luật sư, việc hỏi cung sẽ ra sao? (Điều cần nói thêm là sau đó vụ án đã bị đình chỉ, cậu bé được trả tự do vì xác định không có hành vi phạm tội).
Để hạn chế tình trạng bức cung, nhục hình, điều đầu tiên cần đến là cái tâm và sự tôn trọng pháp luật của người công an. Nhưng điều đó hoàn toàn không đủ. Điều cần phải làm và có ý nghĩa quyết định chính là phải có sự tham gia giám sát, và thậm chí là ngăn chặn, “chống lại” từ phía những người thực hiện và bảo vệ quyền bào chữa cho bị can, bị cáo. Đó chính là luật sư.
Tại các phòng tạm giam, tạm giữ, phòng hỏi cung cần phải có camera ghi hình tất cả các buổi làm việc, hỏi cung. Cần quy định việc hỏi cung chỉ được thực hiện và có giá trị khi có sự tham gia chứng kiến của luật sư. Đây là điều hoàn toàn có thể thực hiện, thậm chí dễ dàng và không tốt kém gì nhiều. Thế nhưng, việc giản đơn này tới nay vẫn luôn bị phía cơ quan công an (và các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung) không ủng hộ, viện ra nhiều lý do để né tránh. Chẳng hạn như chưa có đủ điều kiện, còn khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất …
Tháng 12 -2013 vừa qua Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước quốc tế về chống tra tấn (CAT). Ðây là văn kiện quốc tế quan trọng về quyền con người, ngăn ngừa các hành vi tra tấn và đối xử tàn bạo. Thiết nghĩ hơn lúc nào hết, chúng ta cần thực hiện nghiêm túc những gì mà mình đã cam kết, không phải bằng lời nói, sự hô hào mà cần bắt đầu bằng việc bảo đảm thực sự và thiết thực quyền bào chữa của bị can, bị cáo.
Chừng nào công an vẫn còn một mình một chợ trong hoạt động điều tra, thì chừng đó chắc chắn vẫn còn nhiều người bị đánh, bị dùng nhục hình. Vẫn còn những người bị đánh đến chết hay phải “tự tử” một cách mờ ám và tức tửi tại trụ sở công an, vẫn còn án oan, vẫn còn những lời kêu bị công an ép cung, đánh đập … tại các phiên tòa xét xử.