Điều 229 BLHS quy định:
1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biêt, nếu là chủ thể đặc biệt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 của điều luật; người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật.
2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm
Tội vi phạmquy định về xây dựng là tội phạm xâm phạm đến sự an toàn về xây dựng mà cụ thể là sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hoặc trong các lĩnh vực khác.
3. Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm
toi lam dung tin nhiem chiem doat tai san
a. Hành vi khách quan
Người phạm tội phạmquy định về xây dựng có thể thực hiện một trong các hành vi sau đây:
- Vi phạm các quy định về khảo sát
Khi xây dựng một công trình dù là lớn hay nhỏ thì công việc khảo sát bao giờ cũng là công việc đầu tiên, khảo sát đúng là tiền đề cho thiết kế chính xác. Khảo sát như là sự khởi đầu của quá trình xây dựng. Thực tế có không ít công trình do vi phạm các quy định về khảo sát nên dẫn đến chất lượng công trình kém, thậm chí bị sụp đổ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Vi phạm các quy định về khảo sát là khảo sát không đúng, không đầy đủ các quy định của Nhà nước về khảo sát. Ví dụ: Khi khảo sát để xây dựng cầu X, Nguyễn Văn H đã không khảo sát đầy đủ nên đã cung cấp các thông tin sai lệch về kết cấu địa tầng lòng sông dẫn đến thiết kế các trụ cầu không đảm bảo kỹ thuật hậu quả xảy ra làm cho cầu X bị nứt khi đưa vào sử dụng phải gia cố, khắc phục gây thiệt hại trên 2 tỷ đồng.
- Vi phạm các quy định về thiết kế
Sau khảo sát là khâu thiết kế công trình, nói chung công việc này do các kiến trúc sư đảm nhiệm. Tuy nhiên, đối với các công trình nhỏ của cá nhân hoặc các công trình không yêu cầu kỹ thuật cao thì việc thiết kế thường do chính chủ đầu tư thực hiện. Dù là kiến trúc sư hay do chủ đầu tư thiết kế mà vi phạm các quy định về thiết kế màgây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng.
Vi phạm các quy định về thiết kế là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về thiết kế. Ví dụ: Khi thiết kế Nhà văn hoá tỉnh H.T, kiến trúc sư Bùi Văn C đã tính toán sai các dữ kiện kết cấu của dầm chịu lực nên công trình vừa hoàn thành thì trần nhà bị sập toàn bộ, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
- Vi phạm các quy định về thi công
Tiếp theo khâu thiết kế, thì thi công là một khâu vô cùng quan trọng, vì suy đến cùng một công trình dù có thiết kế đẹp, các thông số kỹ thuật đều bảo đảm an toàn, nhưng nếu thi công không đúng với thiết kế thì công trình cũng không thể đảm bảo; những công trình bị xuống cấp, bị hư hỏng, thậm chí chưa đưa vào sử dụng đã bị đổ, bị sập chủ yếu là do khâu thi công; những người tổ chức thi công hoặc trực tiếp thi công đã bớt vật tư, thiết bị.
Vi phạm các quy định về thi công là thi công không đúng với thiết kế đã được phê duyệt như: việc trộn bê tông không đúng quy trình kỹ thuật, không bảo đảm chất lượng; việc hàn các mối hàn không bảo đảm kỹ thuật
- Vi phạm các quy định về sử dụng nguyên liệu, vật liệu
Trong quá trình thi công một công trình, căn cứ vào thiết kế, đơn vị thi công phải tuân thủ các quy định về việc sử dụng nguyên liệu, vật liệu đã được xác định trong bản thiết kế, việc thay đổi nguyên liệu, vật liệu phải được sự đồng ý của bên thiết kế và chủ đầu tư; nếu bên thi công tự ý thay đổi việc sử dụng nguyên liệu,vật liệu là vi phạm và do việc thay đổi đó mà gây ra hậu quả thì người quyết định việc thay đổi đó phải chịu trách nhiệm. Biểu hiện của hành vi này là bớt vật tư, thiết bị (sắt thép, xi măng…), thay thay thế vật tư, thiết bị chất lượng xấu hơn so với thiết kế ( dùng sắt phi 10 thay cho sắt phi 15, dùng xi măng mác 400 thay cho xi măng mác 500…)
- Vi phạm các quy định về sử dụng máy móc
Trong xây dựng, nhất là đối với các công trình lớn theo quy định một số hạng mục cần phải thi công bằng máy móc như cần cẩu, máy trộn bê tông, máy đầm… xã hội càng phát triển, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng càng cao thì việc sử dụng máy móc để xây dựng càng phát triển; máy móc dần dần thay thế lao động thủ công là một tất yếu.
Hành vi vi phạm các quy định về sử dụng máy móc là việc sử dụng máy móc trong khi thi công không đúng quy định như: theo quy định thì việc trộn bê tông phải trộn bằng máy trộn bê tông nhưng người phụ trách thi công lại quyết định trộn bằng tay; quy định là phải dùng máy đầm mặt đường nhưng lại đầm bằng tay…
- Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình
Nghiệm thu công trình là khâu kết thúc của quá trình xây dựng. Nếu công trình xây dựng đúng khảo sát, đúng thiết kế, đúng thi công không vi phạm gì về xây dựng thì việc nghiệm thu không có vấn đề gì. Tuy nhiên, những công trình xây dựng kém chất lượng, thậm chí bị hư hỏng nặng, bị sụp đổ…là do khâu nghiệm thu đã bỏ qua các vi phạm trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công nên đã không phát hiện được những vi phạm. Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình không phải là hành vi trực tiếp gây ra những thiệt hại do hành vi vi phạm các quy định về xây dựng, mà là hành vi thiếu trách nhiệm trong khâu nghiệm thu nên để lọt những vi phạm trong xây dựng dẫn đến những thiệt hại cho xã hội.
Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về nghiệm thu công trình như: công trình không bảo đảm chất lượng, không đúng với thiết kế nhưng vẫn nghiệm thu…
- Vi phạm các quy định khác về xây dựng
Khi liệt kê các hành vi vi phạm về xây dựng, nhưng vì thực tế trong xây dựng còn có thể có những hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng mà không thể liệt kê hết được nên nhà làm luật đã quy định có tính chất dự phòng để tránh tình trạng lọt tội.
Vi phạm các quy định khác về xây dựng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về xây dựng ngoài các hành vi vi phạm vềtrong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình.
Khi xác định hành vi vi phạm các quy định về xây dựng cần phân biệt với hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự. Ví dụ: người lao động làm việc trong hầm lò phải có thiết bị phòng hộ, nhưng người sử dụng lao động đã không trang bị phòng hộ; người lao động làm việc trong môi trường độc hại không có thiết bị phòng độc; người lao động làm việc trên độ cao 100 mét không có giây an toàn… những vi phạm này cũng là vi phạm có thể xảy ra trong quá trình thi công công trình nhưng đó là những vi phạm về an toàn lao động chứ không thuộc trường hợp vi phạm các quy định về xây dựng.
b. Hậu quả
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này; nếu hành vi vi phạm các quy định về xây dựng mà chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.
luật sư giỏi tphcm
Thiệt hại về tính mạng là làm cho người khác bị chết do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra, điều này dễ xác định, nhưng việc xác định thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản thì tương đối phức tạp. Hiện nay chưa có hướng dẫn thế nào là thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản của người khác do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra. Tuy nhiên, tội phạm này là tội phạm được thực hiện do vô ý nên việc xác định thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản của người khác do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra cũng phải xem xét tương tự như đối với thiệt hại nghiêm trọng về sức khoẻ, tài sản như đối với các tội phạm khác do vô ý. Do đó có thể căn cứ vào Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV "Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng để xác định trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra, cụ thể là: gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên là gây thiệt hại nghiêm trọng đến sức khoẻ; có thể gây ra cho một người và có thể gây ra cho nhiều người. Nếu gây ra cho nhiều người mà tổng tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người từ 31% trở lên thì cũng coi là gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác. Gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người khác là trường hợp gây thiệt hại về tài sản cho người khác có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
c. Các dấu hiệu khách quan khác
luat su uy tin tphcm
Ngoài hành vi khách quan và hậu quả, điều luật còn quy định dấu hiệu khách quan khác, đó là: các quy định về xây dựng của Nhà nước và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự.
Các quy định về xây dựng của Nhà nước nói chung tương đối đa dạng, chủ yếu do Bộ Xây dựng ban hành; mỗi lĩnh vực xây dựng lại có quy định riêng. Vì vậy, khi xác định hành vi vi phạm quy định về xây dựng, các cơ quan tiến hành tố tụng cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy định về lĩnh vực đó, nếu thấy cần thiết phải trưng cầu giám định chuyên môn.
Phạm vi điều chỉnh của Điều 229 không bao gồm các hành vi vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự. Do đó, nếu người có hành vi vi phạm quy định về xây dựng nhưng đó là vi phạm về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng, mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông quy định tại Điều 220 Bộ luật hình sự.
4. Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
luat su bao chua gioi
Người thực hiện hành vi phạm tội vi phạm quy định về xây dựng thực hiện hành vi do vô ý mà chủ yếu là vô ý vì quá tự tin (cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả), tức là người thực hiện hành vi vi phạm quy định về xây dựng thấy trước hành vi vi phạm quy định về xây dựng có thể gây ra gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 229 Bộ luật hình sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 229 Bộ luật hình sự, thì người phạm tội có thể bị phạt tiền tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm, là tội phạm nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến năm năm tù.
2. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 229 Bộ luật hình sự
a. Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn;
luật sư bào chữa giỏi
Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ.
Điều luật chỉ quy định người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn mà không quy định “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” nên khi xác định trường hợp phạm tội này chỉ cần xác định người có hành vi vi phạm quy định về xây dựng là người có chức vụ, quyền hạn mà không cần xác định họ có lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay không. Nói chung người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn thường lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm quy định về xây dựng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người có chức vụ, quyền hạn nhưng họ không lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhưng họ vẫn vi phạm quy định về xây dựng thì họ vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 229 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Hoàng Công B là Đội trưởng Đội thi công, vì muốn đẩy nhanh tiến độ thi công nên đã cùng với công nhân tự ý thi công không đúng với quy trình, dẫn đến công trình bị sập một phần làm chết một công nhân.
b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Cấu thành cơ bản của tội phạm này, nhà làm luật không quy định gây hậu quả nghiêm trọng mà chỉ quy định: “gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác”. Những thiệt hại này chỉ là một phần hậu quả nghiêm trọng, vì hậu quả nghiêm trọng ngoài những thiệt hại vê tính mạng, sức khoẻ, tài sản thì còn những thiệt hại phi vật chất. Nhưng khoản 2 của điều luật lại quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng, tức là bao gồm cả những thiệt hại phi vật chất.
Đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra, nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra.
Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 229 Bộ luật hình sự thì có thể bị phạt phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự để phạt bị cáo dưới ba năm tù. Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.
3. Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật hình sự
Khoản 3 của điều luật chỉ quy định một trường hợp phạm tội, đó là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
Tương tự như trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, cho đếnnay chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra, nên có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV"Các tội xâm phạm sở hữu" của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để xác định hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây ra.
Người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 229 Bộ luật hình sự thì có thể bị phạt phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới tám năm tù nhưng không được dưới ba năm tù. Nếu có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến hai mươi năm tù.
4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thểbị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
luat su hinh su
Khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội cần chú ý:
Nếu đã áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính thì không áp dụng hình phạt này là hình phạt bổ sung nữa;
Toà án có thể vừa áp dụng hình phạt tiền vừa áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định hoặc chỉ áp dụng một loại hình phạt.
Khi áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì phải ghi rõ là cấm đảm nhiệm chức vụ gì, cầm hành nghề gì, cấm làm công việc gì mà không được ghi cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề và làm công việc nhất định một cách chung chung.
Trích "Bình luận khoa học BLHS"
Nguyễn Đan Quế - Chánh Tòa hình sự TAND tối cao