Nghị quyết 08/2002/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới, xác định “…phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa….”. Điều 26 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định, mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, …đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Tuy nhiên, thực tế các luật sư gặp phải không hiếm trường hợp dở khóc dở cười khi Kiểm sát viên lảng tránh, “không thèm tranh luận”. Kể chuyện này lúc trà dư tửu hậu, mấy thằng bạn thối mồm chửi “luật sư chúng mày như Chí Phèo, nói gì thì nói, ai nghe…”. Thực tế cũng có phần đúng, nhưng không phải hoàn toàn.
Vụ án về tai nạn giao thông có diễn biến như video bên dưới là một ví dụ. Viện Kiểm sát Q12 truy tố người lái xe tải chuyển hướng sang đường theo Khoản 2 Điều 260 Bộ Luật hình sự, “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Hành vi vi phạm được Viện Kiểm sát xác định là “Chuyển hướng không đảm bảo an toàn”, vi phạm Điều 15 Luật giao thông đường bộ. Tình tiết định khung (Khoản 2) được xác định là “có nồng độ cồn trong máu”.
Xem chi tiết về vụ án tại Facebook Luật sư Phạm Tuấn Anh
Phản biện lại Cáo trạng mình đưa ra một số quan điểm chính sau:
Thứ nhất, “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, như tên của Điều luật đã thể hiện, muốn kết tội Bị cáo thì trước hết, điều kiện tiên quyết đầu tiên là phải xác định, chứng minh được Bị cáo đã vi phạm quy định nào của Luật Giao thông đường bộ. Điều 15 Luật Giao thông đường bộ quy định, khi chuyển hướng, người điều khiển phương tiện giao thông phải giảm tốc độ, bật đèn tín hiệu báo rẽ, phải nhường đường cho xe đi ngược chiều, chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác… Cáo trạng quy kết Bị cáo vi phạm Điều 15 nhưng không xác định Bị cáo đã có hành vi vi phạm cụ thể nào trong số các hành vi quy định tại Điều 15 nêu trên (không giảm tốc độ, hay không bật đèn tín hiệu, không nhường đường hay cho xe chuyển hướng không quan sát, gây nguy hiểm cho phương tiện khác….?). Bởi nếu nói “Chuyển hướng không đảm bảo an toàn” thì vi phạm bất kỳ quy định nào tại Điều 15 khi chuyển hướng cũng có thể là “chuyển hướng không đảm bảo an toàn”. Không thể truy tố Bị cáo với một hành vi vi phạm mơ hồ như thế. Thậm chí, để được đối đáp, Luật sư đã “gợi ý” thêm, Cáo trạng xác định Bị cáo có hành vi “chuyển hướng không đảm bảo an toàn”, nếu Kiểm sát viên viện dẫn được bất kỳ điều khoản nào của Luật Giao thông đường bộ hay trong các Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định hay xử phạt về hành vi “Chuyển hướng không đảm bảo an toàn” thì Luật sư sẽ thay đổi quan điểm bào chữa… Tuy nhiên, tất cả nhận được chỉ là sự lảng tránh, với câu “tranh luận” quen thuộc: Hành vi phạm tội đã rõ, Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm.
Thứ hai, để xác định nguyên nhân tai nạn thì cần phải xem xét đánh giá toàn diện, làm rõ hành vi của tất cả các bên liên quan, có vai trò như thế nào trong việc xảy ra tai nạn; đâu là nguyên nhân chính, trực tiếp, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi, hậu quả v.v... Trong Vụ án này cần xác định nạn nhân đã lái xe với tốc độ nào, tại sao nạn nhân không có dấu hiệu giảm tốc độ trước khi đâm vào xe của Bị cáo (do không quan sát hay bị bất ngờ không kịp phản ứng…. hay vì lý do nào khác). Không điều tra làm rõ nguyên nhân tại nạn thì không có có sở kết tội Bị cáo. Tương tự như nội dung trước, nội dung này Đại diện VKS cũng không đối đáp vào vần đề một cách trực tiếp, cụ thể, chỉ phủ nhận một cách ngắn gọn: việc xác định các vấn đề luật sư trình bày là không cần thiết, không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết khách quan, toàn diện Vụ án; Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm.
Thứ ba, Bị cáo khẳng định hoàn toàn không sử dụng rượu, bia nhiều tháng trước khi xảy ra vụ tai nạn nhưng kết quả xét nghiệm lại dương tính với nồng độ cồn: 4mg/dl (trị số bình thường trong khám, chữa bệnh là 0 – 25).
Về vấn đề này mình đưa quan điểm tranh luận: Quy trình xét nghiệm xác định nồng độ cồn không tuân thủ pháp luật nên không được coi là chứng cứ để kết tội Bị cáo. Nếu trong khám, chữa bênh có “trị số bình thường” thì trong vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ không có “trị số bình thường”; chỉ cần có nồng độ cồn là bị chuyển khung hình phạt. Vì vậy, theo quy định của pháp luật, so với quy trình xét nghiệm nồng độ cồn trong khám, chữa bệnh, Quy trình xét nghiệm nồng độ cồn trong xử lý vi phạm giao thông phải tuân theo quy trình khác, nghiêm ngặt hơn, chính xác hơn. Áp dụng quy trình xét nghiệm trong khám, chữa bệnh để xét nghiệm xử lý vi phạm giao thông có thể dẫn tới oan sai (Ví dụ, dùng cồn sát khuẩn khi lấy mẫu máu, trong quy trình lấy mẫu khám chữa bệnh thì không cấm, nhưng trong quy trình xét nghiệm để xử lý vi phạm giao thông thì bị cấm, nếu dùng cồn sát khuẩn khi lấy máu thì kết quả dương tính là dễ hiểu, oan sai khó tránh khỏi). Đối chiếu với hồ sơ Vụ án nhận thấy, việc xét nghiệm nồng độ cồn với Bị cáo được thực hiện tại khoa cấp cứu, theo trình tư, thủ tục khám chữa bệnh thông thường (khám tổng quát); không thực hiện theo quy định, quy trình riêng về xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển giao thông đường bộ quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2014/TTLT-BYT-BCA ngày 23/7/2014. Vì vậy, quan điểm của Luật sư là không đủ cơ sở xác định Bị cáo điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng có sử dụng rượu, bia. Sau 2 phiên tòa “không thèm tranh luận” thì đến phiên tòa thứ 3, Đại diện Viện kiểm sát bỗng dưng chấp nhận rút lại truy tố theo Khoản 2 về nồng độ cồn, nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm đủ cơ sở kết tội Bị cáo theo Khoản 1.
Tòa tiếp tục trả hồ sơ điều tra bổ sung lần thứ 3. Khoản 2, Điều 174 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định Hội đồng xét xử chỉ được 1 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Việc Hội đồng xét xử phải trả hồ sơ nhiều lần cho thấy sự “khó xử” của Tòa. Biết rằng tuyên vô tội với Bị cáo là một áp lực lớn, nhưng với tinh thần chỉ tuân theo pháp luật, nếu đã trả hồ sơ mà Viện kiểm sát vẫn không chứng minh được, Hội đồng xét xử, Tòa án cần thể hiện bản lĩnh của mình.