Luật sư bào chữa trong giai đoạn chuẩn bị khi tham gia giải quyết vụ án phi hình sự là đảm nhận một phần về tư vấn, chuẩn bị và tranh tụng của mình trước tòa.
Những chuẩn bị của luật sư bào chữa trong giải quyết vụ án phi hình sự
Trong tất cả các hoạt động của con người trong tổng thể xã hội, các hoạt động từ đơn giản đến phức tạp muốn có được sự thành công đều phải có sự chuẩn bị. Trong công tác giải quyết các vụ án phi hình sự cũng không phải là ngoại lệ, sự thành công của luật sư là thể hiện vai trò bảo vệ thành công quyền và các lợi ích của thân chủ mà thông qua các phương pháp, biện pháp giải quyết tối ưu nhất. Muốn đạt được kết quả tốt và những thành công nhất định, ngoài những khả năng về trình độ chuyên môn hiểu biết pháp luật một cách toàn diện đòi hỏi luật sư còn phải có một sự chuẩn bị hết sức chu đáo cận thận và tỷ mỉ.
Nhìn chung sự chuẩn bị là yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của một công việc nói chung và đặc biệt đối với công việc của luật sư nói riêng, hơn nữa đối tượng hành nghề của luật sư là chính con người cũng như các tài sản có giá trị về vật chất hoặc tinh thần của con người. Với vai trò là người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn, bị đơn hoặc các đương sự, luật sư đóng vai trò hết sức quan trọng ; Trước hết có thể nói là về mặt tâm lý và tinh thần của thân chủ và gia đình thân chủ trong khi điều kiện giáo dục và phổ biến Pháp luật của nước ta còn hạn chế, người đang trong vòng tố tụng của pháp luật thường là đặt toàn bộ sự tin tưởng vào sự khách quan, trung thực của các cơ quan tiến hành tố tụng, của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là vai trò của luật sư.
Luật sư bào chữa trong giai đoạn chuẩn bị khi tham gia giải quyết vụ án phi hình sự là đảm nhận một phần về tư vấn và chuẩn bị và thực hiện kỹ năng tranh tụng của mình trước tòa. Trong giai đoạn này luật sư phải thực hiện việc chuẩn bị công việc của mình theo hai góc độ:
- Tư vấn cho khách hàng của mình tự bảo vệ hoặc lắm bắt được các quan điểm, các căn cứ pháp luật trong việc giải quyết vụ việc.
- Chuẩn bị các yếu tố cho phương án bảo vệ của mình
1. Luật sư bào chữa tiếp xúc và hướng dẫn cho khách hàng trong việc giải quyết vụ án
Bằng kỹ năng của mình, khi tiếp xúc với khách hàng luật sư phải nhận biết và nắm bắt được vấn đề mà khách hàng yêu cầu; luật sư phải suy xét tư vấn cho khách hàng nên hay không nên khởi kiện, cần phân tích cho họ hiểu: Việc họ khởi kiện thì có lợi hoặc không có lợi, khả năng thắng kiện của họ đến đâu và khả năng của bản án được đưa vào thi hành hành thực tế như thế nào? Tóm lại các đương sự quan tâm là họ được lợi bao nhiêu hay không được lợi gì trong trường hợp họ khởi kiện ra trước toà án. Luật sư trên cơ sở các văn bản, các quy định của pháp luật phải phân tích thật kỹ cho khách hàng hiểu. Sau khi phân tích và giải thích pháp luật có tính điều chỉnh công việc đang giải quyết, luật sư có thể đưa ra các quan điểm để giải quyết vụ án một cách có hiệu quả nhất:
- Khách hàng muốn khởi kiện nhưng luật sư thấy không cần thiết có thể tư vấn giải quyết tranh chấp bằng một con đường khác có hiệu quả hơn.
- Khách hàng không muốn khởi kiện ra tòa, nhưng luật sư thấy cần phảI khởi kiện ngay nếu không sẽ hết thời hiệu.
- Khách hàng muốn kiện cái gì? bảo vệ ai? Luật sư cần tư vấn cho họ để quá trình giải quyết vụ án đi đúng theo các trình tự thủ tục của pháp luật quy định
Tất cả những trường hợp trên Luật sư cần phải phân tích những khía cạnh pháp lý để đương sự nhận thức được việc khởi kiện hay không khởi kiện là cần thiết
Sau khi đã hướng dẫn đương sự khởi kiện hoặc không khởi kiện thì luật sư yêu cầu thực hiện công việc tiếp theo, trường hợp nếu quyết định khởi kiện thì luật sư cũng phải hướng dẫn thực hiện theo hướng đó. Về: Thời hiệu khởi kiện; thẩm quyền giải quyết vụ án, chứng cứ, tài liệu để bảo vệ cho khách hàng, dự liệu khó khăn khi giải quyết vụ án, cần chuẩn bị những vấn đề gì khi tham gia tố tụng.
Đối với công việc hướng dẫn khách hàng viết đơn khởi kiện: Thì Luật sư phải giúp đỡ viết đơn hoặc tự mình viết đơn cho đương sự để ít nhất một đơn khởi kiện phải thể hiện được các nội dung ngắn gọn nhưng đầy đủ, rõ ràng, có tính thuyết phục.
Sau khi đã hoàn thiện đơn khởi kiện, luật sư và khách hàng cần ngồi với nhau để xem lại lần cuối cùng trước khi gửi đơn cho tòa án có thẩm quyền và chuẩn bị chu đáo hồ sơ khởi kiện cho khách hàng khi vụ án đưa ra trước tòa.
Cũng như trong các loại án khác, một công tác vô cùng quan trọng trong việc giảI quyết vụ án phi hình sự đối với luật sư và khách hàng có yêu cầu bảo vệ là việc thu thập chứng cứ làm căn cứ chứng minh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên để chuẩn bị cho việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình được tốt, đương sự cần chuẩn bị cho mình những chứng cứ cần thiết. Những chứng cứ mà đương sự phải tự mình thu thập( như về người thân, tài liệu, quan hệ, ) hoặc cả những chứng cứ từ các nguồn khác nhau phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi cho mình. Khi đó luật sư cần hướng dẫn các đương sự nắm bắt được sơ bộ chứng cứ nào là quan trọng đối với việc xem xét và giải quyết vụ án, trên cơ sở đó giúp đương sự tập hợp các chứng cứ lại theo hướng dẫn của mình và đồng thời xác định thời điểm cung cấp chứng cứ cho tòa án lúc nào là phù hợp và có tính chất chiến lược. Có những chứng cứ cần thiết phải được cung cấp ngay để thông qua tòa án và phía đương sự khác biết được gây bất lợi cho mình. Song cần cân nhắc kỹ cung cấp chứng cứ nào vào thời điểm nào luật sư sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong trường hợp này.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử: Đây là giai đoạn rất quan trọng trong đó tòa án tiến hành các hành vi cần thiết để thu thập chứng cứ và bước đầu đánh giá chứng cứ. Song chứng cứ chưa thực sự cần thiết phải cho đối phương biết nên khuyên đương sự chưa cung cấp cho tòa án vội. Đồng thời luật sư cần chuẩn bị cho đương sự các bài giải trình ngắn gọn trọng tâm của vấn đề nhằm tới được mục tiêu cần thiết, bên cạnh đó cũng phải chuẩn bị những lý lẽ, nội dung chứng cứ để phản bác có tính thuyết phục.
Tất cả những tài liệu trên phải được sắp xếp thứ tự thành một tập đồng thời phải thể hiện rõ quan điểm của mình là chứng cứ dùng để chứng minh cho yêu cầu nào của mình nhưng cũng cần đề xuất phản ánh luôn để tòa án xem xét, ngay tại phiên tòa luật sư hướng dẫn cho đương sự bổ sung chứng cứ như thế nào. Có thể giúp tòa án nhìn nhận lại vụ tranh chấp một cách có lợi hơn cho mình.
Do vậy công việc trao đổi các văn thư với tòa án trong giai đoạn này luật sư phải thận trọng. Bởi đây thực chất là các giải trình của khách hàng của mình gửi cho tòa án trong trường hợp cần trả lời một yêu cầu của tòa án hoặc cần giải trình một vấn đề nào đó liên quan mục đích của các giải trình này được trao đổi giữa tòa án với khách hàng một cách thường xuyên là để thuyết phục tòa án theo quan điểm của mình. Vì vậy, luật sư phải có vai trò giúp soạn thảo hoặc xem xét lại lần cuối trước khi gửi cho tòa án đồng thời lưu giữ để làm nguồn chứng cứ quan trọng mà tòa án, viện kiểm sát, đương sự khác có thể sử dụng trong vụ án.
2. Các hoạt động của luật sư trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Để có thể hoàn thành tốt công việc tư vấn cũng như bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng đối với mỗi giai đoạn tố tụng luật sư phải thực hiện một số công việc cần thiết để phù hợp với trình tự quy định của pháp luật, phù hợp yêu cầu và diễn biến của vụ án như tiếp nhận yêu cầu, nghiên cứu hồ sơ, thu thập chứng cứ, gặp gỡ và tiếp xúc khách hàng, với những người có quyền và nghĩa vụ liên quan..Thực hiện ghi chép phân tích và đánh giá vụ án.
3. Nghiên cứu hồ sơ vụ án:
Công việc này không thể không thực hiện đối với luật sư trong việc bảo vệ cho đương sự, dù vụ án đơn giản đến đâu thì luật sư cũng phải dành thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án. Việc nghiên cứu hồ sơ một cách toàn diện, tỷ mỷ, có hệ thống, nghiên cứu một cách khách quan giúp luật sư nắm bắt được những mặt mạnh, mặt yếu của khách hàng của mình, trên cơ sở đó hình thành các luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Khi nghiên cứu luật sư cần phảI đọc hết toàn bộ hồ sơ để nắm bắt được chi tiết nội dung của vụ án kết hợp với thông qua các chứng cứ do khách hàng cung cấp. Trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án một lượt nhận thấy những vấn đề nào cần thiết luật sư sẽ nghiên cứu lại chi tiết. Tránh hiện tượng nghiên cứu bỏ sót nhiều tình tiết quan trọng dẫn đến ra trước tòa án luật sư đưa ra các luận cứ kém thuyết phục do có mâu thuẫn với các tài liệu khác trong hồ sơ.
Nếu bảo vệ cho bị đơn Luật sư cần xem xét đơn kiện của nguyên đơn, vì đơn kiện là chứa đựng các yêu cầu cơ bản của nguyên đơn, là đối tượng xem xét và giải quyết của tòa án do đó bắt buộc chúng ta phải nắm bắt được và hiểu sâu sắc, hiểu đúng đơn kiện của nguyên đơn, kèm theo đơn khởi kiện là hồ sơ khởi kiện của nguyên đơn, vì hồ sơ khởi kiện chứa đựng ý tưởng quan trọng mà qua đó nguyên đơn muốn làm sáng tỏ yêu cầu của mình và phải nghiên cứu kỹ những tài liệu này. Trường hợp cần thiết phải ghi chép lại để suy nghĩ, nghiên cứu.
Khi nghiên cứu những giấy tờ trong tập nguyên đơn cần lưu ý đến những tài liệu không chứa đựng nội dung tranh chấp nhưng lại có ý nghĩa quan trọng để từ đó đấu tranh với bị đơn và tòa án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng của mình. Và nếu là luật sư của nguyên đơn thì cũng cần phải nghiên cứu các tài liệu của chính mình để phát hiện những sai sót, lỗ hổng để có hướng đối phó hoặc bổ sung kịp thời vào hồ sơ những tài liệu giải trình hoặc đang thiếu. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ của chính mình luật sư của nguyên đơn cũng có thể đề xuất với tòa án những biện pháp cần thiết để hoàn thiện hồ sơ hoặc để giúp người khác khi nghiên cứu hồ sơ hiểu hồ sơ một cách đúng đắn và đầy đủ hơn.
Nếu là luật sư của nguyên đơn thì cần thiết bắt đầu việc nghiên cứu hồ sơ từ các tài liệu do phía bị đơn cung cấp. Những tài liệu này có thể bao gồm các tài liệu mà bị đơn dùng để phản bác lại yêu cầu của nguyên đơn, các tài liệu chứng minh cho các yêu cầu, phản yêu cầu của bị đơn. Cần nắm bắt được ý tưởng của các tài liệu đó để nếu cần thiết thì soạn thảo các bản giải trình gửi cho tòa án với mục đích bác bỏ chúng.
Ngoài ra luật sư cần nghiên cứu các tàI liệu, hồ sơ do các nguồn khác cung cấp và thu thập được một cách nghiêm túc và tỷ mỷ mà các tình tiết có kợi cho việc giảI quyết vụ án luật sư chưa hề biết đến , rất cần phải nghiên cứu kỹ, toàn diện có hệ thống để nắm bắt được quan điểm của tòa án về vụ án. Thông qua đó có thể bổ sung đủ các tài liệu của khách hàng của mình để từ các tài liệu khác nhau nếu biết kết hợp sẽ giúp luật sư đánh giá chứng cứ tổng thể được tốt hơn.
- Nghiên cứu các lời khai của những người tham gia tố tụng, kể cả lời khai của thân chủ, mục đích giúp cho đương sự khai chuẩn hơn, phù hợp thực tế khách quan và có lợi cho mình hơn đồng thời để tìm ra những mâu thuẫn để phản bác lại, bảo vệ quan điểm của mình.
- Nghiên cứu các phương tiện chứng minh khác có trong hồ sơ: (chứng cứ viết, vật chứng, kết luận giám định)
- Nghiên cứu phần thủ tục tố tụng bởi có thể có nhiều vi phạm tố tụng trong việc ra các quyết định, văn bản để từ đó luật sư khai thác các vi phạm đó và vận dụng nếu thấy có lợi cho thân chủ mình.
- Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ luật sư luôn phải ghi chép các sự kiện chính theo ngày tháng, nội dung vụ việc, theo sự kiện từ đó sắp xếp và nghiên cứu các chứng cứ để có hướng suy nghĩ tìm ra giải pháp giải quyết vụ án có lợi cho khách hàng của mình.
4. Thu thập chứng cứ:
Khi tham gia công việc luật sư phải xác định hướng bảo vệ cho thân chủ, như vậy ngoài những chứng cứ đã được cung cấp thì luật sư phải tự mình đi thu thập, xác minh chứng cứ có thể tại một số cơ quan, xí nghiệp, địa phương mà khách hàng không thể tự làm được. Khi giao tiếp với các cơ quan này luật sư cần lưu ý chuẩn bị các giấy giới thiệu của tòa án đã thụ lý vụ án và phải cung cấp những chứng cứ này cho tòa án cũng như khách hàng của mình biết.
Khi thực hiện thu thấp chứng cứ đồng thời luật sư phải tiến hành phân tích và đánh giá các chứng cứ đã thu thập được, trong đó chứng cứ nào có lợi, chứng cứ nào bất lợi cho việc bảo vệ của mình, đây là công việc mà luật sư trực tiếp thụ cảm, xem xét, phát triển và so sánh chứng cứ. Mục đích của công việc này là nhìn nhận chứng cứ dưới góc độ trực giác để bước đầu xác định giá trị chứng minh của chứng cứ và tính hiệu quả của chứng cứ trong tổng thể vụ án.
Với mục đích là bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình. Khi nghiên cứu thấy chứng cứ bất lợi cho thân chủ của mình thì luật sư có thể không khai thác những chứng cứ đó. Đối với những chứng cứ có lợi luật sư nên tận dụng triệt để. Quá trình đánh giá chứng cứ còn tìm ra các bất hợp lý trong các chứng cứ do các đương sự khác cung cấp, luật sư cần phải tận dụng những điều đó để vạch ra cho tòa án thấy được những bất cập liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích của đối thủ của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tìm ra được những chứng cứ có lợi cho thân chủ của mình. Chứng cứ trong hồ sơ vụ án được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau nhưng nếu phân tích so sánh chúng với nhau thì thấy rõ sự khác biệt và chính sự khác biệt đó lại tạo nên giá trị cách mạng cho mục đích của mình.
Sau khi thu thập và đánh giá chứng cứ cũng như đưa ra các quan điểm bảo vệ, để tổng hợp các hoạt động này luật sư cần tiến hành xây dựng luận cứ bào chữa .
5. Xây dựng và chuẩn bị Luận cứ bào chữa:
Luật sư có thể xây dựng thành một tập hợp văn bản hoàn chỉnh, có thể tổng hợp bằng tư duy luật sư trước tòa, luận cứ bào chữa có ý nghĩa tố tụng hết sức quan trọng luận cứ sẽ thể hiện toàn bộ các quan điểm của luật sư (thay mặt cho người yêu cầu bảo vệ) đưa ra các quan điểm để giải quyết vụ án có tình, có lý . Luận cứ bào chữa được chuẩn bị phải có căn cứ pháp luật, thể hiện trong việc viện dẫn các điều luật, viện dẫn các qui định pháp luật và kể cả các án lệ một cách đầy đủ và phù hợp với các tình tiết có trong hồ sơ vụ án, việc viện dẫn các điều luật, các quy định của pháp luật ở từng điều kiện cụ thể, nội dung và hoàn cảnh cụ thể trong luận cứ nó sẽ làm phong phú nội dung, tăng sức thuyết phục hội đỗng xét xử và thực hiện việc áp dụng pháp luật một cách triệt để cụ thể và chính xác, có thể nói : Không thể thiếu việc viện và trích dẫn các điều luật, các qui định cụ thể của pháp luật trong một luận cứ bào chữa.
Luận cứ bào chữa còn có ý nghĩa rất lớn là: một mặt nó phản ánh quan điểm và trình độ của luật sư đồng thời nó phản ánh tâm tư nguyện vọng của khách hàng, thể hiện mong muốn của cả luật sư và thân chủ của mình thông qua các yêu cầu mà luật sư đề xuất. Mặt khác nó cũng là cơ hội để luật sư phân tích, nhận định, giải thích pháp luật nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Do vậy, luật sư phải có một sự chuẩn bị chu đáo, vạch ra một đề cương chi tiết, lắp đặt những phần đã được ghi chép theo đề cương và các văn bản áp dụng. Luật sư phải trình bày những nhận định và kết luận dưới dạng đơn giản đồng thời cũng chuẩn bị các lý lẽ, chứng cứ sắc gọn để phản bác lại ý kiến của bên đối lập.
Chuẩn bị luận cứ bào chữa để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trước một án phi hình sự yêu cầu luật sư phảI chuẩn bị một cách đầy đủ, bố cục phải chặt chẽ: có thể nói đây là một quá trình đánh giá phân tích, tổng hợp các chứng cứ và các tình tiết của vụ án, cũng như phân tích đánh giá các trình tự, thủ tục trong quá trình giải quyết vụ án của các bên tham gia cũng như những người có quyền và bnghĩa vụ liên quan, mục đích nhằm đánh giá một cách khách quan nhất, để giải quyết vụ án trên tinh thần có căn cứ pháp luật.
Để chuẩn bị cho một luận cứ bào chữa có nội dung đầy đủ, bố cục chặt chẽ, luật sư phải thực hiện tìm hiểu và thu thập chứng cứ của vụ án một cách toàn diện, tỷ mỷ và chính xác, ngay từ khi tiếp nhận yêu cầu bảo vệ của thân chủ đến khi chuẩn bị tham gia phiên tòa. luật sư đã chuẩn bị bài luận cứ xong, luật sư nên gửi cho khách hàng một bản. Tuy nhiên luật sư cần hiểu rằng bản luận cứ đó luôn luôn ở tình trạng có thể bị thay đổi, cập nhật cho phù hợp với mục đích cuối cùng là bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng. Luật sư cần dự liệu trước được những điều cần thiết có lợi hoặc bất lợi cho khách hàng một cách thật khách quan nhưng không bi quan hoặc chủ quan thái quá. Cần hướng dẫn cho khách hàng một số công việc cần thiết khi họ phải trả lời các câu hỏi trước tòa, nếu cần tập dượt trước cho thuần thục.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn