Trong một nỗ lực làm báo nhanh nhạy, hôm qua tờ báo mạng Zing.vn đã phỏng vấn luật sư Daniel Shanmugam, vị luật sư người Malaysia hiện đang chịu trách nhiệm bào chữa cho nghi phạm Đoàn Thị Hương trong vụ án giết người đình đám tại sân bay Kuala Lampur. Nạn nhân của vụ án này, Kim Chol, được nhiều nguồn tin khả tín cho là ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ với vị độc tài khét tiếng Kim Jong Un của Triều Tiên.
Vụ án mang màu sắc gián điệp xuyên quốc gia này có nhiều yếu tố ly kỳ, như giết người bằng chất độc, ngay tại sân bay đông người, và những người trực tiếp thực hiện hành vi phát tán chất độc lên nạn nhân có vẻ không hiểu rõ bản chất việc họ đã làm.
Vì thế không lạ khi vụ án đã thu hút sự chú ý và khơi gợi nhiều tranh luận, phỏng đoán trong giới độc giả Việt Nam suốt nhiều tuần qua.
Việc nghi phạm Đoàn Thị Hương, một người Việt Nam, bị bắt trong vụ án này cũng làm dấy lên nhiều tranh luận trong nước về phản ứng có phần chậm chạp, thụ động (hay thận trọng, đúng quy trình – tùy điểm nhìn) và không minh bạch (hay kín đáo, có ý tứ – tùy điểm nhìn) của nhà nước Việt Nam trong việc can thiệp để giúp đỡ và đảm bảo quyền lợi cho nghi phạm Đoàn Thị Hương khi cô này phải một mình chịu tội ở nước ngoài và gia đình cô ta là một gia đình nghèo, không có điều kiện tài chính cho dù chỉ là để qua Malaysia thăm cô.
Bài phỏng vấn của Zing.vn đem lại nhiều thông tin xác thực và có ích về vụ án gay cấn này. Hãy cùng điểm qua 3 thông tin đáng chú ý nhất.
1. Luật sư Shanmugam tình nguyện, thay vì được chỉ định
Không như tin đã được đưa trong nước rằng vị luật sư của nghi phạm Đoàn Thị Hương là do tòa án Malaysia chỉ định, luật sư Shanmugam cho Zing biết là ông “tình nguyện bào chữa cho Đoàn Thị Hương sau khi thấy Hương không có luật sư trong hôm ra tòa nghe đọc tội danh bị truy tố“.
Luật sư Shanmugan như thế có vẻ là một luật sư thật sự quan tâm một cách cá nhân đến vụ việc của nghi phạm Đoàn Thị Hương, thay vì là một luật sư được chỉ định để đảm bảo nghi phạm có đại diện pháp lý tại tòa theo đúng tiêu chuẩn pháp lý Malaysia.
Điều này có thể làm giảm một số nghi ngại đã có trong công luận liên quan đến mức độ quan tâm sâu sát tới vụ việc của vị luật sư chịu trách nhiệm chính.
2. Nghi phạm Đoàn Thị Hương không phải được xem là đương nhiên có tội
Những ngày qua, dư luận trong nước đã có một số lượng không nhỏ các ý kiến công kích cả cá nhân nghi phạm Đoàn Thị Hương và những người kêu gọi việc giúp đỡ, bào chữa cho cô. Nhiều ý kiến đã dành những ngôn từ tệ hại nhất cho cô Hương và những người ủng hộ việc giúp đỡ cô này (vốn không nhất thiết bao gồm việc ủng hộ hành vi cố ý giết người, nếu có, của cô ta).
Phần lớn các luồng dư luận nói trên cho rằng phiên tòa ngày 01/03 đã “kết án” cô Hương xong xuôi rồi, hay rằng là việc giết người của cô Hương là “đã có chứng cứ rành rành khó chối cãi” (qua video camera sân bay), hoặc cho rằng là vì luật Malaysia là “luật Sharia Hồi giáo” nên xem người bị cáo buộc, đã bị bắt giam và đưa ra tòa là “đương nhiên có tội” (!?).
Sự thật là phiên tòa ngày 01/03 gây ồn ào chỉ là một phiên tòa để tòa đọc bản luận tội cho các nghi phạm. Tại phiên tòa sắp tới ngày 13/04, theo luật sư Shanmugan nói, “tòa sẽ thực hiện các vấn đề hồ sơ”.
Và sự thật là việc chứng minh nghi phạm Đoàn Thị Hương có tội không phải là “chuyện đã rồi”.
Luật sư Shanmugan giải thích trong buổi phỏng vấn:
“…Họ [bên công tố] buộc phải chứng minh được hai yếu tố: hành động giết người và ý đồ giết người. Nếu họ không chứng minh được thì cô Hương sẽ được thả.
Nếu tòa thấy họ chứng minh không còn nghi ngờ gì nữa (beyond reasonable doubt) thì sẽ đến phần bên biện hộ…”
Như vậy, tòa án Malaysia sẽ áp dụng chuẩn mực tư pháp hình sự ‘Nghi ngờ hợp lý’ (reasonable doubt) của hệ thống Thông luật (Common law).
Theo chuẩn mực ‘ nghi ngờ hợp lý ‘ của nhiều nước theo thông luật, nghi phạm của một vụ án được đặt giả định tiên quyết là vô tội cho đến khi bên công tố chứng minh được với bồi thẩm đoàn là nghi phạm có tội.
Phán quyết cuối cùng về tội trạng nghi phạm là của nhóm bồi thẩm đoàn, sau khi bồi thẩm đoàn đã được nghe phần chứng minh tội ác của bên công tố, và nghe được phần bào chữa của bên nghi phạm.
Nếu nhóm bồi thẩm đoàn, sau khi nghe trình bày các bên và giành thời gian suy xét, xác định là còn có lý do hợp lý để nghi ngờ việc kết tội nghi phạm (nghi ngờ nhắm vào sức mạnh bằng chứng và/hoặc luận cứ của bên công tố), thì có thể xem là bên công tố chưa chứng minh được tội phạm tới mức không còn có thể nghi ngờ hợp lý nữa (beyond reasonable doubt) và theo đó, nghi phạm không thể bị kết án mà bên công tố đang cáo buộc.
Ngược lại, nếu bồi thẩm đoàn sau khi suy xét xác định là không có lý do hợp lý nào nữa đề nghi ngờ việc kết tội nghi phạm, thì bên công tố được xem là đã chứng minh tội phạm tới mức không còn có thể nghi ngờ hợp lý nữa, và theo đó, nghi phạm phải bị kết án.
Trong trường hợp các nước, khu vực không sử dụng cơ chế bồi thẩm đoàn thì bên phải áp dụng chuẩn mực ‘nghi ngờ hợp lý’ vào quyết định cuối cùng của vụ việc chính là thẩm phán của vụ án.
Việc hệ thống tòa án Malaysia áp dụng một chuẩn mực tư pháp hình sự của hệ thống Thông luật không có gì lạ. Liên bang Malaysia có một lịch sử 133 năm làm thuộc địa của đế quốc Anh cho đến khi độc lập năm 1957.
Tuy hệ thống luật pháp hiện đại của Malaysia đã có sự pha trộn tương đối với hệ tư tưởng pháp lý Hồi giáo (Sharia hay syariah), riêng trong lĩnh vực luật dân sự và hình sự, hệ thống tư pháp liên bang Malaysia vẫn áp dụng luật pháp thế tục (secular – phi tôn giáo) là chính.
Nội dung Bộ luật Hình sự Malaysia đã được soạn thảo dựa trên Bộ luật hình sự Ấn Độ, một nước thuộc địa Anh lâu năm khác. Nội dung các bộ luật này mang tính thế tục, không nhắc gì đến luật Sharia.
Một điểm đáng chú ý khác là Bộ luật Tố tụng Hình sự Malaysia quy định là luật Anh quốc liên quan đến hình sự (nghĩa là luật thành văn lẫn luật án lệ Anh quốc) phải được áp dụng trong các trường hợp mà nội dung luật thành văn của Malaysia chưa có quy định cụ thể.
Malaysia đã bỏ cơ chế bồi thẩm đoàn từ năm 1995, vậy nên trong vụ án này, nghi phạm Đoàn Thị Hương chỉ có thể được chứng minh là có tội, và theo đó bị kết án, nếu như bên công tố nhà nước Malaysia thuyết phục được thẩm phán của vụ việc là không còn lý do hợp lý nào để nghi ngờ việc kết tội nghi phạm này.
3. Chiến lược bào chữa của luật sư Shanmugam: Bẻ mối dây nhân quả (cutting the chain of causation)?
Như đã thấy ở trên, luật sư Shanmugan xác định bên công tố muốn thành công thì phải chứng minh được hai yếu tố: hành động giết người và ý đồ giết người.
Đây chính là sự phân biệt hai yếu tố cấu thành tội phạm thường có trong hệ thống Thông luật: Actus Reus (hành vi – chữ Latin) và Mens Rea (ý chí).
Gần giống như cách chia hai khía cạnh khách quan và chủ quan của hành vi vi phạm hình sự trong luật hình sự Việt Nam, luật hình sự Thông luật phân biệt hai yếu tố phải được chứng minh để cấu thành một tội phạm:
+ Yếu tố khách quan là hành vi phạm tội: Hành vi của thủ phạm đã diễn ra và đã dẫn đến kết quả của vụ việc;
+ Yếu tố chủ quan là ý chí phạm tội: Trong lúc thực hiện hành vi nói trên, thủ phạm đã có ý thức rõ rệt là hành vi của mình sẽ dẫn đến kết quả của vụ việc.
Thật sự, Bộ luật hình sự Malaysia* phản ánh rõ sự phân biệt hành vi/ý thức này bằng việc chia ra nhiều mức tội danh liên quan đến việc gây chết người khác nhau, mức độ nghiêm trọng của hành vi và của ý chí/ý thức tội ác của thủ phạm càng cao thì hình phạt càng cao.
Nhóm tội danh ở mức cao nhất: Tội mưu sát (murder) theo các khoản của Điều 300 – Thủ phạm đã có hành vi gây ra cái chết của nạn nhân (cause death) và:
– Thủ phạm thật sự đã có ý chí giết nạn nhân khi ra tay; hay
– Thủ phạm cố ý gây ra thương tích, đồng thời biết chắc chắn là thương tích gây ra thông thường đủ khả năng gây chết người; hay
– Thủ phạm cố ý gây ra thương tích, thương tích gây ra thông thường không đủ khả năng gây chết người, tuy nhiên thủ phạm biết rằng thương tích gây ra nhiều khả năng có thể làm chết chính nạn nhân của vụ việc; hay
– Thủ phạm không cố ý gây ra thương tích, tuy nhiên thủ phạm biết rằng hành vi của mình chắc chắn sẽ gây chết người, và không có lý do gì để nói là mình không biết điều đó.
Nhóm tội danh ở mức trung bình: Tội cố ý gây chết người (culpable homicide) theo Điều 299 – Thủ phạm đã có hành vi gây ra cái chết của nạn nhân (cause death) nhưng:
– Thủ phạm không có ý chí giết nạn nhân nhưng đã cố ý gây ra thương tích. Thương tích gây ra thông thường không đủ khả năng gây chết người, nhưng thương tích này nhiều khả năng có thể gây chết người. Tuy nhiên thủ phạm không biết là thương tích gây ra có thể làm chết chính nạn nhân của vụ việc; hay
– Thủ phạm không có ý chí giết nạn nhân, cũng không cố ý gây ra thương tích, cũng không biết rằng hành vi của mình chắc chắn sẽ gây chết người, tuy nhiên thủ phạm biết rằng hành vi của mình nhiều khả năng sẽ gây chết người.
Nhóm tội danh ở mức thấp nhất: Tội gây chết người nhưng chưa đến mức mưu sát, hay gây chết người do ẩu tả hoặc cẩu thả (culpable homicide not amounting to murder, or causing death by rash or negligent act) theo các điều 304 và 304A.
Trong bài phỏng vấn, luật sư Shanmugam có vẻ nói nhiều hơn về yếu tố hành vi, thay vì ý thức, của nghi phạm Đoàn Thị Hương:
“…Điều quan trọng là cái gì đã gây ra cái chết của Kim Chol vào thời điểm đó. Có phải chất độc VX hay là do bệnh tật của Kim Chol…”
Điều này có vẻ quan trọng với luật sư Shanmugam vì sự quá mới mẻ, hiếm lạ của việc dùng chất độc VX tại Malaysia:
“…Với Malaysia, đây sẽ là lần đầu tiên họ phải chứng minh chất độc VX là nguyên nhân gây ra cái chết và sẽ là một vụ rất khó. Phía công tố cũng sẽ không dễ để chứng minh vụ này…”
Các phát biểu nói trên cho thấy phần nào chiến lược bào chữa của ông Shanmugam: tập trung vào việc cắt mối dây nguyên nhân/hệ quả giữa hành vi phun chất VX của nghi phạm Đoàn Thị Hương và cái chết của nạn nhân.
Đây là một chiến lược có lý vì tiến trình suy xét tội trạng của nghi phạm, theo cấu trúc điều 300 của Bộ luật Hình sự Malaysia, phải bắt đầu từ nhóm tội danh cố ý gây chết người thuộc điều 299 trước.
Bên công tố đầu tiên phải chứng minh nghi phạm đã cố ý gây ra cái chết của nạn nhân (causes death), thể theo điều 299.
Sau đó, tùy vào mức độ nghiêm trọng của ý thức/ý chí giết người của thủ phạm khi gây án mà bên công tố chứng minh được, tội danh được chứng minh mới được nâng dần lên điều 300.
Nếu bên công tố Malaysia không chứng minh được là chất VX phun lên nạn nhân là nguyên nhân chính gây ra cái chết của nạn nhân thì đơn giản là tội danh ở mức điều 299 (cố ý giết người) chưa được cấu thành để có thể được nâng cấp lên điều 300 (mưu sát).
Luật sư Shanmugam chỉ ra đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc đã phát biểu rằng:
“…Kim Chol có rất nhiều vấn đề sức khoẻ như tim có vấn đề, bị tiểu đường nặng…”
Đồng thời:
“…Khi khám nghiệm tử thi lần đầu, các bác sĩ đã không hề có thông tin về bệnh tật…”
Như vậy, có nghi vấn hợp lý là nạn nhân có thể đã chết vì bệnh tật, thay vì chất VX như cáo buộc của bên công tố Malaysia.
Chứng minh hành vi phạm tội như vậy tùy thuộc hoàn toàn vào bằng chứng khoa học pháp y.
Trong trường hợp khám tử thi lại đàng hoàng cẩn thận và bên công tố chứng minh được một cách khoa học, không còn nghi ngờ hợp lý gì nữa rằng chất VX từ nghi phạm Hương đã gây ra cái chết cho nạn nhân, thì trọng tâm của cuộc tranh đấu tại tòa sẽ chuyển sang mảng chứng minh ý thức/ý chí phạm tội của nghi phạm Đoàn Thị Hương.
Bên công tố Malaysia sẽ phải chứng minh nghi phạm Hương đã có ý chí giết nạn nhân Kim Chol, hoặc chứng minh là cô ta biết rằng thứ chất mình phun vào nạn nhân là chất độc VX, và biết chắc chắn rằng việc phun chất độc VX vào nạn nhân sẽ gây ra cái chết của người này, theo nội dung điều 300 ở trên.
Mảng này không hẳn là đơn giản cho bên công tố Malaysia, đặc biệt khi họ chưa bắt được toàn bộ các nghi phạm có liên quan của vụ án. Bên công tố Malaysia nhiều khả năng sẽ tận dụng việc thẩm vấn chéo (cross-examination) nghi phạm tại tòa để tìm cách chứng minh ý chí phạm tội của nghi phạm.
Trong mảng này, nhóm các luật sư người Việt Nam tham gia giúp đỡ có thể đóng góp ít nhiều cho công tác bào chữa.
Các luật sư có cùng ngôn ngữ và văn hóa quốc gia với nghi phạm Hương, đồng thời có khả năng tìm hiểu, thu thập thêm bằng chứng về tâm tính, lịch sử cá nhân, hoàn cảnh gia đình của nghi phạm Hương.
Những thông tin bằng chứng này không hẳn mang tính quyết định trong việc xác định ý thức/ý chí tại thời điểm gây án của nghi phạm, nhưng chúng sẽ giúp ích cho việc xác lập động cơ (hay sự thiếu vắng động cơ) gây án, và giúp góp thêm tình tiết cho phần bào chữa. Các luật sư cần phối hợp chặt chẽ với luật sư Shanmugam để biết rõ những bằng chứng nào cần thiết và sẽ được chấp nhận tại tòa án Malaysia.
Nam Quỳnh (Luật khoa Tạp chí)
Chú thích:
*Nội dung các điều 299 và 300 của Bộ Luật hình sự Malaysia giống từng chữ một với nội dung các điều 299 và 300 trong Bộ Luật Hình sự Singapore (Singapore là một phần của Liên bang Malaysia cho đến khi tách riêng ra năm 1956; hiện hai hệ thống luật pháp cựu thuộc địa Anh của hai nước này vẫn nhiều tương đồng).
Nghiên cứu của người viết bài này được trợ giúp nhiều từ bản tóm tắt tổng lược luật hình sự Singapore của tác giả Lee Zhe Xu của trang Just Enrichment.
Tham khảo:
o Bộ Luật hình sự Malaysia
o Bộ Luât hình sự Singapore
o Tóm lược “Fault Elements of Homicide” – Stanley Yeo, Mark McBride – Just Enrichment
o “Types of Killing Offences and Their Punishments in Malaysian law: Revisited” – Siti Naaishah Hambali – Malaysian Journal of Law and Society 2 (1998)
o An Overview of Malaysian Legal System and Research – Shaikh Mohamed Noordin and Lim Pui Keng – GlobalLex