Khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng là hành vi tác động trực tiếp lên đặc tính của hàng hóa, dịch vụ mà chủ yếu là chất lượng, giá cả. Nó là hành vi đưa ra thông tin khuyến mại sai sự thật hoặc không rõ ràng làm cho khách hàng hiểu nhầm về hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. Ví dụ: doanh nghiệp khuyến mại hàng kém chất lượng, hàng hóa tồn kho nhưng thông tin khuyến mại làm người mua hiểu nhầm là khuyến mại những mặt hàng mới, chất lượng tốt.
Hành vi khuyến mại không trung thực về giá hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng thường gặp nhất là nâng giá bán mặt hàng khuyến mại lên cao sau đó giảm giá tương ứng với sự tăng lên đó hay hành vi nâng giá bán lên cao và tặng kèm hàng hóa, dịch vụ khác. Hành vi này khiến cho bản chất của hoạt động khuyến mại trong tương quan với các hoạt động xúc tiến thương mại khác là mang lại cho khách hàng những lợi ích nhất định không được bảo đảm. Ở đây, khách hàng chẳng hề thu được lợi ích gì từ việc giảm giá của doanh nghiệp. Ví dụ: mặt hàng A trước khi khuyến mại có giá 200.000 đồng, khi khuyến mại, doanh nghiệp tăng giá lên thành 250.000 đồng và công bố là giảm giá 25%. Như vậy thì giá của mặt hàng A trước và khi khuyến mại vẫn không thay đổi (200.000 ngàn). Việc làm này của doanh nghiệp khiến khách hàng hiểu nhầm mình mua được hàng với giá rẻ. Nếu khuyến mại được thực hiện trung thực thì sẽ mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng và mua sắm từ đó kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, thực tế là khuyến mại không lành mạnh ngày càng phổ biến và rất khó phát hiện bởi cả khách hàng và cơ quan Nhà nước. Ở bất cứ đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp những thông tin khuyến mại hấp dẫn giảm giá đến 50%, mua 1 tặng 1, mua hàng tặng tiền mặt,… đặc biệt là vào những dịp lễ, tết, hầu như doanh nghiệp nào cũng thực hiện khuyến mại nhưng rất khó để bảo đảm tất cả là khuyến mại trung thực. Một ví dụ cho hành vi này là vào cuối năm 2012, siêu thị Pico Cầu Giấy khuyến mại nhiều mặt hàng, trong đó có tivi LED LG 47inch LS4600, giá niêm yết bán loại tivi này là 14,9 triệu đồng, góc trái của chiếc tivi siêu thị này còn ghi rõ tặng thêm 900.000 đồng. Tuy nhiên cũng chiếc tivi LED LG 47inch LS4600, cách đó không xa, Siêu thị TopCare lại niêm yết giá bán 13,9 triệu đồng.Bằng cách khuyến mại gian dối như thế này, Pico vừa bán được nhiều hàng vừa lời thêm được 100.000 đồng[1] .
luat su doanh nghiep
Cách nhận biết doanh nghiệp khuyến mại trung thực hay không là so sánh giá của hàng hoá, dịch vụ trước thời gian khuyến mại và giá của hàng hóa, dịch vụ đã khuyến mại. Nhưng điều này không hề dễ dàng, nhất là đối với những khách hàng không thường xuyên mua sắm hay khách hàng mới lần đầu tiếp xúc với sản phẩm của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp còn sử dụng phương thức để bảng giảm giá 10%, 20%, 50% mà không nói rõ mặt hàng được khuyến mại, đến khi khách hàng vào mua và thanh toán tiền thì mới biết cửa hàng chỉ giảm giá cho những sản phẩm lỗi thời, cũ kỹ. Tính chất không lành mạnh của hành vi này thể hiện ở việc doanh nghiệp đưa ra thông tin không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng, làm cho khách hàng nhầm tưởng tất cả các mặt hàng đều giảm giá. Hành vi này cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp khác khi bị mất đi một lượng khách hàng nhất định mà lẽ ra không có sự gian dối đó thì có khả năng khách hàng đã mua sản phẩm của họ.
luật sư doanh nghiệp
Một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động khuyến mại là “ Chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và không được xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác” [2] . Nguyên tắc này đòi hỏi doanh nghiệp khi tiến hành khuyến mại phải công bố thông tin, tổ chức khuyến mại một cách công khai, trung thực, đầy đủ tới khách hàng, nghiêm cấm bất kì hành vi gian dối nào. Tuy nhiên, hành vi đi ngược lại với nguyên tắc này diễn ra càng nhiều, trong số đó nổi bật là hành vi “Khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hóa, dịch vụ để lừa dối khách hàng”. Điều này có một phần nguyên nhân từ bất cập trong quy định pháp luật về thông tin khuyến mại. Thông tin khuyến mại cung cấp cho khách hàng những hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình khi mua hàng hóa, dịch vụ, là căn cứ duy nhất để giải quyết tranh chấp xảy ra về chương trình khuyến mại. Do đó, thông tin càng rõ ràng càng có lợi cho khách hàng. Nhận thức được điều này, Điều 97, Điều 98 LTM 2005 quy định doanh nghiệp có nghĩa vụ công bố công khai thông tin khuyến mại và những nội dung bắt buộc phải công bố. Tuy nhiên, cách thức công bố thông tin lại chưa được quy định. Cụ thể là chưa quy định cụ thể kích thước bảng thông tin, cỡ chữ, hình ảnh,… như thế nào để người tiêu dùng nhận biết một cách dễ dàng. Do chưa có những quy định này nên thực tế doanh nghiệp thường hay “lách luật” bằng cách công bố thông tin đầy đủ nội dung theo LTM 2005, nhưng những thông tin về quyền lợi của người tiêu dùng được trình bày nổi bật, cỡ chữ rất lớn, hình ảnh bắt mắt, thông báo bằng các thiết bị điện tử (loa,micro,…) rất to, trong khi điều kiện để được hưởng khuyến mại thì trình bày rất nhỏ, khó nhìn thấy, nghe thấy. Bằng phương thức này, doanh nghiệp thu hút được nhiều khách hàng mà vẫn không vi phạm quy định của pháp luật. Do đó, cần có văn bản hướng dẫn thể thức, hình thức công bố thông tin về hình ảnh, chữ viết, âm thanh để làm sao cho người tiêu dùng bình thường có thể nhận biết một cách dễ dàng.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn sử dụng giá để khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh bằng cách giảm giá đồng thời giảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Giá cả và chất lượng luôn là yếu tố người tiêu dùng quan tâm đầu tiên khi mua sản phẩm. Do đó, họ không bao giờ chấp nhận việc sản phẩm được giảm giá do những nguyên nhân khác như “tri ân khách hàng” hay “nhân dịp quốc khánh”, “tết thiếu nhi”,… nhưng thực tế là giá giảm do giảm chất lượng. Việc làm này xúc phạm đến lòng tin của người tiêu dùng và được xem là vi phạm đạo đức trong kinh doanh.