Theo Khoản 1 Điều 11 Luật cạnh tranh (LCT), doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh trên thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể . Như vậy, có hai tiêu chí được các nhà làm luật đưa ra để xác định một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh (VTTL) trên thị trường, đó là: Doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan; hoặc doanh nghiệp có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.
Doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.
Đây là tiêu chí cơ bản để xác định VTTL của doanh nghiệp. Như vậy, trước hết cần phải xác định thị trường liên quan. Để đánh giá được tầm quan trọng của thị trường liên quan, Cục thương mại công bằng của Anh đã nhận định “định nghĩa thị trường là một giai đoạn rất quan trọng trong bất cứ cuộc điều tra nào về hành vi lạm dụng. Bởi lẽ, thị phần chỉ được tính toán sau khi những ranh giới của thị trường đã được xác định. Do đó, nếu thị trường xác định sai, thì tất cả những phân tích tiếp theo dựa trên thị phần hoặc cấu trúc thị trường đều không hoàn thiện” [1] . Tại Khoản 1 Điều 3 LCTquy định thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan.
- Thị trường sản phẩm liên quan.
luat su doanh nghiep
Khoản 1 Điều 3 LCT quy định: “t hị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả ” .Ở đây, xác định khả năng thay thế cho nhau của sản phẩm phản ánh được mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh của nhau, bởi lẽ, khi đã có thể thay thế cho nhau thì lúc đó các sản phẩm đó đã có chung mục đích là đáp ứng cho một nhu cầu của thị trường. Pháp luật Việt Nam khi chi tiết hóa LCT bằng Nghị định 116/2005/NĐ-CPngày 15/09/2005 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số Điều của LCT2004 (sau đây gọi tắt là Nghị định 116/2005/NĐ-CP) đã đưa ra ba căn cứ để xác định khả năng thay thế của sản phẩm, đó là đặc tính, mục đích sử dụng và phản ứng của người tiêu dùng khi có sự thay đổi giá cả của các sản phẩm có liên quan [2] .
Thứ nhất, về đặc tính, theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 116/2005/NĐ-CP thì “đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được xác định theo một hoặc một số căn cứ, đó là tính chất vật lý; tính chất hóa học; tính năng kỹ thuật; tác dụng phụ đối với người sử dụng; khả năng hấp thụ” . Và hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu “hàng hóa, dịch vụ đó có nhiều tính chất về vật lý, hóa học, tính năng kỹ thuật, tác dụng phụ đối với người sử dụng và khả năng hấp thụ giống nhau”[3] .
luật sư doanh nghiệp
Như vậy, việc xác định được khả năng thay thế về đặc tính của sản phẩm là khâu đầu tiên quan trọng trong việc xác định thị trường liên quan. Bởi lẽ, các sản phẩm mà không có sự tương đồng về đặc tính thì không thể thay thế cho nhau được.
Thứ hai, về mục đích sử dụng, các sản phẩm khác nhau nhưng có cùng mục đích sử dụng thì có thể thay thế được cho nhau. Vấn đề cơ bản là mục đích sử dụng của sản phẩm lại được nhìn nhận qua lăng kính của người sử dụng, của khách hàng. Tuy nhiên, việc xác định được sự giống nhau về mục đích sử dụng trong thực tế lại không mấy dễ dàng gì. Bởi lẽ, các sản phẩm không phải lúc nào cũng chỉ có một mục đích sử dụng duy nhất, có rất nhiều sản phẩm với nhiều mục đích sử dụng khác nhau tùy thuộc vào đặc tính, giá cả cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì thế, tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định 116/2005/NĐ-CP đã qui định: “Mục đích sử dụng của hàng hóa, dịch vụ được xác định căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu nhất của hàng hóa, dịch vụ đó”.
luật sư giỏi
Thứ ba, về giá cả. Thực chất, khi cơ quan có thẩm quyền phân tích yếu tố này thì chính là tiến hành xác định phản ứng của người tiêu dùng khi có sự thay đổi về giá cả của sản phẩm. Việc xác định đặc tính cũng như mục đích sử dụng có thể thay thế cho nhau để xác định việc các sản phẩm đó đáp ứng cho cùng một nhu cầu trên thị trường. Tuy nhiên, việc xác định nhu cầu trên thị trường lại phụ thuộc vào thái độ của khách hàng. Do vậy, việc điều tra để chứng minh về khả năng thay thế của các sản phẩm cần phải được “kiểm chứng thông qua phản ứng từ thị trường thông qua thái độ của khách hàng đối với các sản phẩm khi có sự thay đổi về giá giữa chúng trên thị trường” [4] . Chỉ khi nào khách hàng sẵn sàng thay đổi thói quen sử dụng một sản phẩm nào đó sang sử dụng một sản phẩm khác thì khi đó mới có căn cứ xác định rằng hai sản phẩm đó có khả năng thay thế cho nhau trên thị trường.
Thông thường, người ta sẽ giả định rằng sản phẩm bị điều tra tăng giá, và nếu như khách hàng thường xuyên có thái độ chuyển sang sử dụng một sản phẩm khác trên thị trường mà sản phẩm đó tương tự về đặc tính, mục đích sử dụng với sản phẩm đang bị điều tra thì mới xác định hai sản phẩm đó có thể thay thế cho nhau và ngược lại. Vấn đề đặt ra là xác định được tỷ lệ khách hàng thích hợp trong cuộc điều tra này. Tuy nhiên, đây cũng không phải là vấn đề giải quyết dễ dàng, bởi lẽ:
luật sư ly hôn
Một là, không phải lúc nào khách hàng cũng có thái độ sẵn sàng chuyển từ sản phẩm bị điều tra sang sản phẩm khác tương tự về đặc tính và mục đích sử dụng khi có sự thay đổi về giá của sản phẩm bị điều tra. Điều đó có thể xuất phát từ tâm lý trung thành với sản phẩm cũ, tức là thói quen tiêu dùng của khách hàng. Và phải xem xét được tỷ lệ khách hàng chuyển sang sử dụng sản phẩm khác nói trên có đáng kể hay không.
Hai là, việc thay đổi về giá chỉ là giả định, do vậy việc xác định mức giá tăng lên của sản phẩm bị điều tra càng chính xác bao nhiêu thì cuộc điều tra sẽ có hiệu quả bấy nhiêu. Tuy nhiên, việc xác định mức giá tăng lên luôn là bài toán khó cho việc điều tra, “nếu như mức tăng không đáng kể thì phản ứng nhẹ nhàng của khách hàng sẽ thu hẹp phạm vi của thị trường liên quan và ngược lại”[5] .
luật sư ly hôn giỏi
Để giải quyết hai vấn đề này, các nhà làm luật Việt Nam đã quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP: “Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế được cho nhau về giá cả nếu trên 50% của một lượng mẫu ngẫu nhiên 1.000 người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan chuyển sang mua hoặc có ý định mua hàng hóa, dịch vụ khác có đặc tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên quá 10% và được duy trì trong 06 tháng liên tiếp. Trường hợp số người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan quy định tại điểm này không đủ 1000 người thì lượng mẫu ngẫu nhiên được xác định tối thiểu bằng 50% tổng số người tiêu dùng đó”.
Và tại Khoản 7 Điều 4 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định “Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể xác định thêm nhóm người tiêu dùng sinh sống tại khu vực địa lý liên quan không thể chuyển sang mua hàng hóa, dịch vụ khác có đặc tính, mục đích sử dụng giống với hàng hóa, dịch vụ mà họ đang sử dụng hoặc có ý định sử dụng trong trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên quá 10% và được duy trì trong 06 tháng liên tiếp”.
tìm luật sư ly hôn giỏi
Trường hợp phương pháp xác định thuộc tính “có thể thay thế cho nhau” của hàng hóa, dịch vụ được phân tích ở trên cho kết quả chưa đủ để kết luận thuộc tính “có thể thay thế cho nhau” của hàng hóa, dịch vụ thì cơ quan quản lý cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có quyền xem xét thêm một hoặc một số yếu tố để xác định thuộc tính “có thể thay thế cho nhau” của hàng hóa, dịch vụ. Đó là, tỷ lệ thay đổi của cầu đối với một hàng hóa, dịch vụ khi có sự thay đổi về giá của một hàng hóa, dịch vụ khác; thời gian cung ứng hàng hóa, dịch vụ ra thị trường khi có sự gia tăng đột biến về cầu; thời gian sử dụng của hàng hóa, dịch vụ; khả năng thay thế về cung [6] . Việc phân tích các dấu hiệu về khả năng thay thế về cầu như tính chất sản phẩm, khu vực địa lý, cụ thể, nếu người đang sử dụng sản phẩm được bán hoặc được sản xuất tại một địa điểm nhất định chuyển sang mua sản phẩm tương tự tại một địa điểm khác để phản ứng lại việc tăng giá đáng kể trong một thời gian đủ dài ; khả năng thay thế về cung[7] bằng việc xác định có bao nhiêu doanh nghiệp tham gia thị trường và thị phần của họ; thời gian cung ứng dịch vụ, thời gian sử dụng hàng hóa sẽ có kết luận đúng về cấu trúc thị trường liên quan (gồm số lượng doanh nghiệp và mức độ tập trung trên thị trường)ở hiện tại cũng như tương lai gần và xác định được cụ thể vị trí của từng doanh nghiệp trên thị trường.
- Thị trường địa lý liên quan
Việc xác định khu vực không gian liên quan được thực hiện dựa trên quan điểm của người sử dụng về khả năng thay thế cho nhau của những sản phẩm được sản xuất hoặc được mua bán tại những địa điểm khác nhau [8] .Nếu người đang sử dụng sản phẩm được bán hoặc được sản xuất tại một địa điểm nhất định chuyển sang mua sản phẩm tương tự tại địa điểm khác để phản ứng lại việc tăng giá đáng kể trong một thời gian đủ dài, khi đó, chúng có cùng thị trường địa lý liên quan và ngược lại
luật sư hình sự giỏi
Tại Khoản 1 Điều 3 của LCTvà tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định: “ Thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận”.
Như vậy, thị trường địa lý liên quan là: Khu vực địa lý[9] cụ thể có sự hiện diện của những sản phẩm có khả năng thay thế cho nhau;có sự tồn tại của các điều kiện cạnh tranh tương tự trong khu vực đó; giữa khu vực đó với các khu vực lân cận tồn tại những sự khác biệt về điều kiện cạnh tranh.
Các điều kiện cạnh tranh được xem xét để xác định bao gồm chi phí vận chuyển, thời gian vận chuyển giữa các địa điểm trong cùng một khu vực thị trường hoặc giữa vùng thị trường này với vùng thị trường khác; sự tồn tại của các rào cản gia nhập [10] vùng thị trường được xem xét.
tìm luật sư hình sự giỏi
Xác định thị trường địa lý chínhlà việc đi tìm những căn cứ để có thể đánh giá đượctâm lý của người tiêu dùng có sẵn sàng chuyển thói quen mua sản phẩm từ một địa điểm nhất định này sang mua sản phẩm tương tự ở địa điểm khác hay không. Do đó, ngoài việc phải xác định những địa điểm có khả năng nằm trong một khu vực thị trường địa lý, thìcần phải phân tích các yếu tố có thể tác động đến tâm lý tiêu dùng và nhu cầu của khách hàng như chi phí,thời gian đi lại giữa các địa điểm khác nhauvà khả năng tham gia phân phối trong khu vực đó, tập quán của khách hàng.... Nếu họ chấp nhận được yếu tố kể trên khi chuyển sang mua ở địa điểm khác có sản phẩm tương tự thì các địa điểm khác nhau đó được coi là cùng một khu vực mà các sản phẩm có thể thay thế cho nhau.Theo đó, Khoản 3 Điều 7Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định: “Khu vực địa lý được coi là có điều kiện cạnh tranh tương tự và khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận nếu thỏa mãn một trong các tiêu chí sau đây:
a) Chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển làm giá bán lẻ hàng hóa tăng không quá 10%;
b) Có sự hiện diện của một trong các rào cản gia nhập thị trường quy định tại Điều 8 của Nghị định này ” .
Như vậy,mức chi phí và thời gian vận chuyển giữa các địa điểm trong khu vực được suy đoán là người tiêu dùng chấp nhận nếu nó không làm giá bán lẻ sản phẩm tăng quá 10%. Do đó, nếu chi phí vận chuyển hoặc thời gian vận chuyển có thể làm giá bán lẻ tăng quá 10% thì việc thay đổi nhu cầu tiêu dùng sẽ không thể xảy ra, nghĩa là sẽ không tính đến khu vực địa lý liên quan nữa. Hoặc thỏa mãn tiêu chí là có sự hiện diện của các rào cản gia nhập thị trường như: Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp; các rào cản về tài chính; quyết định hành chính của cơ quan quản lý nhà nước; các quy định về điều kiện kinh doanh, sử dụng hàng hóa, dịch vụ; các chuẩn mực nghề nghiệp; thuế nhập khẩu và hạn ngạch nhập khẩu; tập quán của người tiêu dùng...thì khu vực địa lý được coi là có điều kiện cạnh tranh tương tự và khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.
luật sư bào chữa giỏi tphcm
Ví dụ về xác định thị trường địa lý liên quan trên thị trường sữa bột:Việc tiêu thụ sản phẩm sữa bột chủ yếu tại các khu vực thành thị, đặc biệt là các đô thị lớn, nơi tập trung đông dân cư và mức sống cao hơn những vùng khác: Doanh số bán và tiêu thụ tại các thành phố lớn chiếm 80% tổng doanh thu và 70% tổng tiêu thụ trên toàn quốc. Tuy nhiên, một số hãng sữa như Vinamilk ngoài các thị trường lớn cũng chú trọng xây dựng mạng lưới phân phối của mình về đến các khu vực thị trấn hay các vùng nông thôn... Như vậy, sản phẩm sữa được tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc[11] .
Về chi phí vận chuyển, thời gian vận chuyển, các sản phẩm sữa đều được phân phối trên toàn quốc, qua các siêu thị, chợ, cửa hàng tạp hóa bán lẻ. Giá các sản phẩm sữa cùng loại của cùng một doanh nghiệp ở các khu vực khác nhau trên cả nước tương đối đồng nhất. Sữa có thể được vận chuyển từ TP. HCM ra Hà Nội bằng đường bộ (ô tô) trong thời gian 3 ngày với chi phí vận chuyển ước tính khoảng từ 2% đến 3 % giá bán[12] . Như vậy, chi phí vận chuyển, thời gian vận chuyển sản phẩm giữa các vùng miền trên cả nước không có ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá bán lẻ, ít có tác động làm tăng mặt bằng giá bán lẻ vượt quá 10%. Bên cạnh đó, giữa các vùng miền không tồn tại các rào cản đáng kể làm thị trường của một vùng trở nên quá khác biệt với vùng thị trường khác. Như vậy, thị trường địa lý liên quan đối với sữa bột là toàn bộ thị trường trên phạm vi toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Thị phần của doanh nghiệp có VTTLtrên thị trường
Thị phần của doanh nghiệp đối với một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định là tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm [13] . Như vậy, căn cứ xác định thị phần của doanh nghiệp gồm: (i) doanh thu bán ra (hoặc mua vào)của doanh nghiệp; (ii) tổng doanh thu (hoặc tổng doanh số mua vào)của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan. Thị phần là một trong những minh chứng quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp, là tỷ lệ chiếm hữu thị trường liên quan của doanh nghiệp. Quan trọng hơn cả, thị phần được xem xét là tiêu chí quan trọng để xác định một doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp có VTTL hay không. Pháp luật ở các quốc gia khác nhau quy định không giống nhau về mức thị phần của doanh nghiệp để có được VTTL trên thị trường liên quan. Ví dụ như ở Vương quốc Anh, một doanh nghiệp được xem là có vị trí thống lĩnh khi mua hoặc bán 25% trở lên của một loại hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc trong một khu vực nhất định. Trong khi luật của Mông Cổ và Ucraina cho rằng vị trí thống lĩnh của một hoặc một nhóm công ty chỉ xuất hiện khi chúng chiếm trên 50% mức cung ứng một loại sản phẩm nào đó… [14] .
LCT Việt Nam đánh giá sức mạnh thị trường chủ yếu thông qua thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan. Lúc xây dựng LCT thì các doanh nghiệp có từ 30% thị phần trở lên trên thị trường liên quan không nhiều. Tuy nhiên, tác giả thiết nghĩ mức này không hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, sau gần mười năm thực thi LCT. Vì giờ đây, mức thị phần này không phải là quá cao và nếu như vẫn giữ quy định này thì vô hình chung đã quá mở rộng phạm vi của những doanh nghiệp có VTTL trên thị trường. Từ đó cũng dẫn đến nguy cơ mở rộng quá mức việc quy kết các doanh nghiệp thực hiện hành vi lạm dụng tại Điều 13 LCT. Một doanh nghiệp dù có mức thị phần trên 30% cũng chưa chắc đã có đủ sức mạnh thị trường để có thể coi là có VTTL. Chẳng hạn, nếu rào cản gia nhập thị trường liên quan rất thấp, việc gia nhập thị trường của những doanh nghiệp mới là tương đối dễ dàng thì một doanh nghiệp dù có thị phần trên 30% cũng không có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường ấy [15] . Ví dụ : Trên thị trường có ba doanh nghiệp đứng đầu, các doanh nghiệp lần lượt nắm giữ là 20%, 30%, 50% thị phần. Trong trường hợp này, một doanh nghiệp trong số đó, dù nắm giữ 30% thị phần, cũng không thể có được sức mạnh vượt trội so với đối thủ hiện đang nắm giữ 50% thị phần. Do đó, không thể coi là có vị trí thống lĩnh trên thị trường[16] .
Việc căn cứ vào thị phần để xác định VTTL, pháp luật cạnh tranh hiện hành chưa có quy định về yếu tố thời gian nắm giữ và thời điểm xác định thị phần. “Một doanh nghiệp có thị phần lớn tại một thời điểm nhưng các biến động ngoại cảnh lớn hay nhỏ trên thị trường hoặc hoạt động cạnh tranh của đối thủ dễ dàng làm sụt giảm thị phần đó một cách nhanh chóng thì chứng tỏ doanh nghiệp đó không có sức mạnh chi phối thị trường ”[17] . Vì thế, cần xem xét tính bền vững của thị phần, LCT cần phải xem xét đến khoảng thời gian đủ dài nắm giữ thị phần đáng kể để tính đến tính bền vững của thị phần.
Khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể
Khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể theo tinh thần của Điều 11 LCT sẽ được xét đến khi một doanh nghiệp chưa tích lũy đủ mức thị phần tối thiểu mà Luật quy định là 30% trên thị trường liên quan để được xem là có VTTL. Điều quan trọng ở đây là mặc dù các doanh nghiệp này chưa chiếm được 30% thị phần trên thị trường liên quan nhưng lại có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Theo Điều 22 Nghị định 116/2005/NĐ-CP thìcơ sở để xác định khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định dựa vào một hoặc một số căn cứ chủ yếu: Năng lực tài chính của doanh nghiệp; Năng lực tài chính của tổ chức kinh tế, cá nhân thành lập doanh nghiệp; Năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân có quyền kiểm soát hoặc chi phối hoạt động của của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp; Năng lực tài chính của công ty mẹ; Năng lực công nghệ; Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; Quy mô của mạng lưới phân phối.
Như vậy, việc quy định tiêu chí thứ hai là khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của doanh nghiệp trên thị trường liên quan là căn cứ dự phòng khi doanh nghiệp chưa đủ mức thị phần tối thiểu luật định có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực thi LCTđể đấu tranh phòng chống các hành vi lạm dụng sức mạnh tài chính, công nghệ để lũng đoạn thị trường và góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. Bởi lẽ, các doanh nghiệp này mặc dù chưa đáp ứng mức thị phần tối thiểu là 30% trên thị trường liên quan, nhưng với tiềm lực tài chính, công nghệ sẵn có của mình hoặc có sự hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, tổ chức cá nhân thành lập doanh nghiệp hoặc sự bảo hộ của nhà nước với các đối tượng sở hữu công nghiệp; quy mô mạng lưới phân phối có thể chi phối thị trường thì hoàn toàn có khả năng sẽ là những doanh nghiệp giữ VTTLtrong tương lai.
Tuy nhiên, LCTcũng như Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định căn cứ xem xét khả năng hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của doanh nghiệp chưa thật sự rõ ràng. Ví dụ như chưa quy định cụ thể bao nhiêu về tiềm lực tài chính, quy mô về mạng lưới phân phối ở mức độ nào, sở hữu công nghệ ra sao… thì được xem là có khả năng hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Điều này được giải quyết hoàn toàn dựa vào quan điểm của cơ quan có thẩm quyền khi điều tra xác định. Do vậy, sẽ có cách giải quyết và kết luận không nhất quán và không thật sự xác đáng khi đưa ra kết luận về một doanh nghiệp có VTTL hay không trong trường hợp mức thị phần của doanh nghiệp đó không thỏa mãn mức tối thiểu luật định.
[1] David Harbord và Gerg von Gravenitz: Định nghĩa thị trường trong các vụ điều tra cạnh tranh trong thương mại, Tài liệu hội thảo, H.2004. Trích lại từ Lê Danh Vĩnh, Hoàng Xuân Bắc, Nguyễn Ngọc Sơn (2006), Pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam, sách tham khảo, NXB tư pháp, tr. 239.
[2] Xem thêm Điều 4 Nghị định 116/2005/NĐ-CP.
[3] Điểm a Khoản 5 Điều 4 NĐ 116/2005/ NĐ-CP.
[4] Nguyễn Như Phát, Nguyễn Ngọc Sơn, tlđd, tr. 25.
[5] Nguyễn Như Phát, Nguyễn Ngọc Sơn, tlđd, tr. 25.
[6] Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP.
[7] Điều 6 Nghị định 116/2005/NĐ-CP “Khả năng thay thế về cung là khả năng của doanh nghiệp đang sản xuất, phân phối một hàng hóa, dịch vụ chuyển sang sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ khác trong một khoảng thời gian ngắn và không có sự tăng lên đáng kể về chi phí trong bối cảnh có sự tăng lên về giá của hàng hóa, dịch vụ khác đó”.
[8] Nguyễn Như Phát, Nguyễn Ngọc Sơn, tlđd tr. 28.
[9] Xem thêm: Nguyễn Như Phát, Nguyễn Ngọc Sơn, tlđd, tr. 29: “Khu vực địa lý là những vùng thị trường được đo bằng khoảng cách không gian, bao gồm các địa điểm mà tại đó những sản phẩm có thể thay thế cho nhau được phân phối cho khách hàng…”.
[10] Xem thêm Điều 7, Điều 8 Nghị đinh 116/2005/NĐ-CP.
[11] Xem thêm: Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương (2010), Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong mười lĩnh vực năm 2010, tr. 65-66.
[12] Xem thêm – Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương (2010), Báo cáo đánh giá cạnh tranh trong mười lĩnh vực năm 2010, tr. 67.
[13] Khoản 5 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004.
[14] Tổ chức hợp tác và phát triển Liên hợp quốc, Luật mẫu về cạnh tranh, Bản dịch tiếng Việt của Hoàng Xuân Bắc, tr. 52-23. Trích lại từ Nguyễn Như Phát, Nguyễn Ngọc Sơn, tlđd, tr. 42-43.
[15] Xem thêm: Lưu Hương Ly, (2012) “Đánh giá sức mạnh thị trường trong Luật Cạnh tranh năm 2004”, Nghiên cứu lập pháp, (06), tr. 56.
[16] Xem Cục Quản lý cạnh tranh, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) (2012), Báo cáo rà soát các quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam, tr. 69.
[17] Xem Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2012) Giáo trình Pháp luật về cạnh tranh và giải quyết tranh chấp thương mại, NXB Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr. 183.