Một hành vi nhạy cảm khác của luật sư cũng bị cấm là “lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng”. Bản quy tắc gồm 27 điều, quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong các quan hệ của luật sư với khách hàng, đồng nghiệp, các cơ quan tiến hành tố tụng…
Hôm nay (11-8), Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ họp báo công bố hệ thống quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Quy tắc quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Mỗi luật sư phải lấy quy tắc này làm khuôn mẫu cho sự tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
Chúng tôi xin giới thiệu những quy định cơ bản, quan trọng trong bản quy tắc này.
Bảo vệ tốt nhất lợi ích khách hàng
Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu mà bản quy tắc nói trên đề cập. Theo đó, luật sư có nghĩa vụ “bảo đảm chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng”. Luật sư khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng không được phân biệt đối xử về giới tính, tuổi tác, khuyết tật, tình trạng tài sản... Đặc biệt, luật sư không được “để tiền bạc hoặc lợi ích vật chất khác chi phối đạo đức và ứng xử nghề nghiệp làm sai lệch mục đích của nghề luật sư”.
Một trong những tiểu xảo lâu nay được khá nhiều luật sư sử dụng lần này cũng được liệt kê trong nhóm cấm là “tạo ra các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, bất lợi cho khách hàng để lôi kéo, đe dọa, làm áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc mưu cầu lợi ích bất chính khác từ khách hàng”, hay “thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của mình với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc công chức nhà nước có thẩm quyền khác…”.
Cạnh đó, quy tắc quy định cụ thể 14 nhóm việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng. Đáng chú ý, luật sư không được chủ động xúi giục, kích động khách hàng kiện tụng hoặc thực hiện những hành vi khác trái pháp luật; gợi ý hoặc đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản của khách hàng cho luật sư hoặc cho những người thân thích, ruột thịt của luật sư…
Một hành vi nhạy cảm khác của luật sư cũng bị cấm là “lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng”.
Không chơi xấu đồng nghiệp
Lâu nay ra tòa, các luật sư thường thể hiện sự tôn trọng đồng nghiệp bằng cách trước khi phát biểu họ hay “thưa luật sư đồng nghiệp…”. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp họ choảng nhau chan chát vì quyền lợi đối nghịch… Trong quan hệ đời thường, nhiều vị cũng ném đá ném chì nhau… Do vậy, quy tắc quy định: luật sư phải có thái độ thân ái và tôn trọng đồng nghiệp. “Việc phê bình đồng nghiệp được thực hiện một cách thận trọng, khách quan, đúng nơi, đúng lúc với tinh thần xây dựng”. Tuy nhiên, quy tắc cũng gợi mở luật sư cần “góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp”.
Tiếp đó, quy tắc nêu trong trường hợp có tranh chấp về quyền lợi với đồng nghiệp, luật sư cần thể hiện thiện chí thương lượng, hòa giải để giữ tình đồng nghiệp; trước khi khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp, luật sư cần thông báo cho ban chủ nhiệm đoàn luật sư nơi luật sư là thành viên biết…
Bản quy tắc cũng liệt kê năm nhóm hành vi luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp. Cụ thể, không được xúc phạm danh dự hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp; thực hiện hành vi gây áp lực, đe dọa hoặc sử dụng các thủ thuật trái pháp luật và quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư để gây bất lợi đối với đồng nghiệp, giành lợi thế cho mình trong hành nghề…
Cũng theo bộ quy tắc này, luật sư không được áp dụng các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh để nhằm mục đích giành giật khách hàng như so sánh năng lực nghề nghiệp của mình hoặc tổ chức hành nghề của mình với các luật sư khác, tổ chức hành nghề khác; xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình…
Bình tĩnh nhưng có quyền phản ứng tại tòa
Còn quan hệ của luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng, quy tắc nhấn mạnh tại phiên tòa, luật sư có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa; không suy đoán chủ quan mang tính chất kích động, quy chụp, kết tội người khác hoặc có những lời lẽ gây bất lợi cho khách hàng của mình; không cố tình trì hoãn, gây trở ngại cho việc xét xử bằng những phương cách bất hợp lý hay trái đạo đức. “Luật sư luôn giữ bình tĩnh và có quyền có những phản ứng, yêu cầu thỏa đáng, hợp lệ, đúng pháp luật trước những thái độ, hành vi sai trái, thiếu tôn trọng luật sư hay khách hàng của luật sư tại phiên tòa cũng như trong quá trình tố tụng” - bản quy tắc nêu rõ.
Bảy nhóm việc không được làm
Có bảy nhóm việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong đó, việc cấm đầu tiên là không được câu kết qua trung gian hoặc trực tiếp quan hệ với người tiến hành tố tụng (kể cả người tham gia tố tụng) nhằm mục đích lôi kéo họ vào việc làm trái pháp luật trong giải quyết vụ việc. Luật sư không được phản ứng tiêu cực bằng hành vi tự ý bỏ về khi tham gia tố tụng tại phiên tòa. Như vậy, những tình huống gây nhiều tranh luận xảy ra thời gian qua như việc ba luật sư bào chữa cho bị cáo đồng loạt bỏ trong phiên phúc thẩm xử vụ giết hại nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh; việc một số luật sư bỏ về trong phiên xử vụ Bùi Tiến Dũng và đồng bọn phạm tội đánh bạc và đưa hối lộ để phản đối tòa… là vi phạm đạo đức và chuẩn mực ứng xử của luật sư.
Giữ bí mật thông tin khách hàng
Quy tắc quy định luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật; luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Điều khoản về giữ bí mật thông tin khách hàng là quy định gây nhiều tranh cãi trong quá trình soạn thảo. Dự thảo trước đó quy định cụ thể hơn: luật sư giữ bí mật thông tin của khách hàng cả trong trường hợp biết khách hàng đã phạm một tội từ trước đó (trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia). Khi biết được khách hàng chuẩn bị phạm một tội mới, luật sư cần động viên, thuyết phục khách hàng tự giác chấm dứt ý định phạm tội. Nếu khách hàng không chấp nhận thì luật sư cung cấp thông tin đó cho cơ quan có thẩm quyền…
Thông lệ các nước, việc luật sư giữ bí mật cho khách hàng vì đặc thù của nghề. Ngoại trừ việc biết khách hàng đang chuẩn bị phạm tội mà luật sư không thể nào ngăn cản được thì mới báo cơ quan chức năng, còn tất cả tội phạm mà khách hàng đã thực hiện trước đó luật sư đều phải giữ bí mật.
Luật sư Đỗ Biên Thùy (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn nhận thêm, khách hàng tìm đến luật sư là tìm đến một lối thoát khi đã gặp rắc rối pháp lý. “Nếu luật sư vừa nghe xong, chưa giúp được gì lại đi tố giác thì ai dám đến nhờ nữa” - luật sư Thùy nói.
Sau nhiều tranh cãi, bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư chỉ quy định ngắn gọn như trên.
Không thể chấp nhận luật sư vi phạm đạo đức
Luật sư dù giỏi cỡ mấy mà không có đạo đức thì coi như hỏng. Luật sư là người bảo vệ công lý, lẽ phải, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và quyền tự do, dân chủ, pháp chế XHCN. Nếu họ vi phạm đạo đức thì không những không bảo vệ được mà còn tác dụng rất xấu tới dư luận xã hội và uy tín nghề nghiệp.
Việc ban hành bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là động thái đầu tiên của Liên đoàn trong việc siết chặt chuyện luật sư vi phạm đạo đức, bởi quy tắc là chuẩn mực để đánh giá, là căn cứ xử lý luật sư. Chúng tôi dùng nó để “soi” từng luật sư trên cơ sở phản ánh trực tiếp của người dân và báo cáo của các đoàn luật sư cấp dưới.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam LÊ THÚC ANH