Phiên tòa phúc thẩm trong vụ án Nguyễn Đức Nghĩa đã chấm dứt, người viết bài này không muốn bình luận gì về phiên xử mà chỉ muốn nêu ra hai thí dụ về cách nhìn nhận của một số cá nhân đối với đạo đức nói chung của nghề này.
“Tôi tin nghề luật là thầy thuốc chữa bệnh về tâm hồn và đạo đức, đây là một nghề cao quý. Đã là thầy thuốc thì chỉ có dùng thuốc chữa bệnh, giảm đau, không ai chỉ định dùng thuốc độc cho bệnh nhân (kể cả có người thuê đầu độc). Luật sư cũng thế, có quyền dùng kiến thức và đạo đức của mình để gỡ tội và cứu sống con người, đó là trách nhiệm với thân chủ của mình và được xã hội tôn trọng… Còn nếu lạm dụng vị trí nghề nghiệp, xã hội mà đẩy người khác vào đường cùng thì là điều thất đức, bị lên án. Băng đảng giang hồ nó giết người thuê bằng dao búa, còn người cầm bút giết người một cách tinh vi hơn, nhưng mục đích giết người để kiếm tiền thì đáng sợ vô cùng.” Trích bức thư của ông Nguyễn Đức Hùng, bố của Nguyễn Đức Nghĩa gửi Ông Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự.
Ngày 13-10, Hội đồng xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao xét xử vụ án Nguyễn Đức Nghĩa giết người, cướp tài sản (dư luận quen gọi là vụ “xác chết không đầu”) đã quyết định hoãn phiên tòa do thiếu luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo. Ngay sau phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa công bố đơn xin hoãn phiên tòa của LS biện hộ cho Nguyễn Đức Nghĩa với lý do bận tham dự một hội nghị quốc tế từ ngày 12 đến 25-10 nên không thể có mặt.
Bức xúc của cha tử tù về những bài viết, ý kiến của luật sư và cộng sự kia cũng có thể hiểu nhưng nhìn nhận lại, ở đó cũng có những lời nói mà khiến nhiều LS trong nghề phải suy nghĩ. Người ta cũng có nhiều ý kiến về “bài” hoãn phiên tòa của LS Ngô Ngọc Thủy. Có LS từng bức xúc “nếu thực sự tham gia hội nghị quốc tế thì có thể xác minh ngay qua Bộ Tư pháp hay Liên đoàn LS chứ không thể đưa ra một lý do chung chung”, LS này cho biết.
Vụ việc đã trôi qua, nhiều phiên tòa nữa sẽ diễn ra, ngày càng có nhiều người ước mơ và thực hiện ước mơ làm nghề LS của mình, ra tòa biện hộ cho thân chủ, họ phải nhận thức được điều quan trọng đối với nghề này, bên cạnh trí tuệ cần có phải đạo đức. Song nhiều LS đều thừa nhận quy định về đạo đức thật sự là rất khó, phạm trù và chuẩn mực đạo đức của mỗi người là khác nhau, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường. Đạo đức LS không phải là cách LS thực hiện theo bộ quy tắc được soạn sẵn mà chính là ở cái tâm của mỗi người.
Trong dự thảo 6 về quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS Việt Nam, đạo đức LS được nhìn nhận là bổn phận chứ không coi là nghĩa vụ. LS phải tự ý thức được tính chất công việc của mình để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ chứ không thể theo kiểu “có lợi ích thì cãi cho rằng được”. Phóng viên NDĐT đã có buổi trao đổi ý kiến với hai luật sư về vấn đề đạo đức và sự nhìn nhận của xã hội đối với nghề này.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: “Đạo đức LS và đạo đức thông thường”
Mỗi người khi làm nghề này cần phải hiểu và có thái độ nghiêm túc, không thể vì những lợi ích vật chất mà quên đi đạo đức con người. Đạo đức LS và đạo đức thông thường mỗi bên có những đặc thù riêng. Nhiều người chưa hiểu bản chất và nhiệm vụ của nghề này nên nhiều khi LS tham gia tranh tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo trong các vụ án nghiêm trọng như giết người thường bị phê phán, đả kích.
LS cũng thực hiện nghĩa vụ luật pháp giao cho họ theo khoản 3 điều 58 BLTTHS, đó là bằng mọi biện pháp đưa ra chứng cứ cho thấy bị can, bị cáo không phạm tội hoặc giảm nhẹ TNHS cho bị can, bị cáo. Điều đó có thể được hiểu trách nhiệm luật giao cho LS đưa ra tình tiết, căn cứ để loại trừ hành vi phạm tội của bị can, bị cáo, chứ không thể hiểu là LS cố tình bảo vệ quyền lợi của khách hàng, bị can, bị cáo mà là để chứng minh sự thật.
Vai trò của Viện Kiểm Sát là buộc tội, LS là gỡ tội. Nếu gỡ đúng phải xem lại buộc tội có thể oan, nếu đã gỡ hết mà vẫn không hết tội thì buộc tội đúng. Đây là tính tích cực trong đánh giá sự thật khách quan, đây là phản biện trong quan điểm buộc tội. Nếu buộc tội không bị phản biện thì cứ cho là mình buộc tội đúng, cứ cho phản biển thoải mái, nếu phản biện không được thì buộc tội là đúng bản chất, kết tội chuẩn, không oan sai,
Luật sư Nguyễn Chiến: “LS không phải là người nhận tiền để đổi trắng thay đen”
LS là một nghề đặc biệt, khi LS bào chữa cho tội phạm giết người, hay các tội nghiêm trọng khác đúng là họ bị dư luận xã hội lên án, đại diện gia đình bị hại phản ứng gay gắt. Với những việc đó LS phải có « tâm, tầm » khác nhưng người bào chữa bình thường, phải ý thức được các vấn đề xã hội, nghiên cứu, chuẩn bị kỹ, cân nhắc mọi lời nói, hành vi để mọi người « tâm phục khẩu phục », không nên để mọi người cho rằng LS « nhận tiền để đổi trẳng thay đen ». Nhiệm vụ của LS là bổ trợ tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, giúp làm rõ sự thật khách quan của vụ án, LS thực hiện điều 58 BLTTHS nên có kỹ năng riêng để làm sáng tỏ những vấn đề của vụ án, không nói suông, chung chung, nói lấy được để bị phản ứng.
Nhiều vụ án, đại diện gia đình bị hại ban đầu phản kháng LS nhưng sau đó đã chấp nhận những hoạt động của LS gỡ tội. LS cần có sự cảm thông, chia sẻ sự mất mát đối với gia đình bị hại để họ thấy mình đang làm nhiệm vụ chứ không phải chỉ để bảo vệ thân chủ và quyền lợi của LS. LS khi bào chữa không thể có tội nói là không có tội, mà chỉ làm rõ các căn cứ kết luận chính xác.
HƯƠNG NGUYEN
tHEO BÁO NHÂN DÂN