“Em hãy viết lập luận để khẳng định quan điểm: Luật sư có trách nhiệm bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa nhưng trước hết phải có trách nhiệm bảo vệ khách hàng của mình ”.
Cô nhân viên tập sự của Công ty, đang là học viên khóa đào tạo luật sư của Học viện Tư pháp đã đề nghị tôi hướng dẫn làm bài luận trên. Lâu nay đôi khi vẫn thường nghe ông này, bà kia nói về Pháp chế XHCN, tôi không quan tâm vì một số người nói theo phản xạ. Nhưng đây là đề bài kiểm tra của Học viện Tư pháp, nơi đào tạo luật sư nên tôi hơi khựng lại khi đọc đề bài.
luật sư
Sau khi thảo luận với cô nhân viên về trách nhiệm của luật sư, về pháp chế XHCN…, tôi nói “nếu cháu đồng ý với chú quan điểm trên là sai thì hãy ghi vào phần bài làm rằng: Không thể lập luận khẳng định quan điểm trên là đúng, vì nó sai” . Cô nhân viên ngơ ngác, “lỡ con được điểm 0 thì sao?”, tôi nói, học luật sư, muốn trở thành luật sư đúng nghĩa thì trước hết, trước mỗi vấn đề cần có chính kiến, dám thể hiện chính kiến và dám bảo vệ chính kiến của mình. Cô nhân viên vâng vâng, dạ dạ nhưng có vẻ yếu ớt; có lẽ vì nể sếp nên vâng dạ cho qua chuyện.
Trở lại vấn đề quan điểm “Luật sư có trách nhiệm bảo vệ Pháp chế xã hội chủ nghĩa…” hay không thì cần phải hiểu Pháp chế XNCN là gì? Quy định nào của pháp luật quy định luật sư có trách nhiệm bảo vệ pháp chế XHCN?
Khái niệm về Pháp chế XHCN được Lênin đưa ra sau Cách mạng Tháng Mười, theo đó, pháp chế thực chất là chế độ thực hiện pháp luật nhằm xây dựng xã hội mới, thiết lập một trật tự xã hội mới với khẳng định “Phải là pháp chế duy nhất cho toàn nước Nga và cho toàn thể Liên bang của các nước Cộng hòa Xô viết nữa” (V.I.Lênin: Toàn tập , t.45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr. 232 );
luật sư giỏi
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qua độ lên CNXH khẳng định “Nhà nước ban hành pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XNCN” . Việc tăng cường Pháp chế XHCN thể hiện bằng những công việc, nhiệm vụ cụ thể như ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, mọi vi phạm pháp luật phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh không có ngoại lệ...
văn phòng luật sư
Như vậy, có thể hiểu Pháp chế XHCN là một nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị của các nhà nước XHCN nói chung, được Việt Nam vận dụng để tổ chức, xây dựng, vận hành hoạt động Nhà nước, quản lý xã hội... Đây không phải là đối tượng phải bảo vệ với tính chất như một trách nhiệm pháp lý của các chủ thể trong quan hệ pháp luật. Hiến pháp 2013 các văn bản pháp luật, không có văn bản nào quy định trách nhiệm “bảo vệ pháp chế” cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Ngay cả những cơ quan chuyên ngành như Tòa án, Viện kiểm sát… Hiến pháp và Luật cũng chỉ quy định trách nhiệm là bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật …
Nói đến trách nhiệm của luật sư thì cơ sở pháp lý cụ thể nhất phải là Luật Luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Cả hai văn bản này đều xác định nghĩa vụ, trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức…, từ đó “góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Như vậy, có thể khẳng định, nghĩa vụ, trách nhiệm, chức năng nghề nghiệp của luật sư là bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng, thân chủ. Khi luật sư thực hiện chức năng “bảo vệ quyền lợi hợp pháp” cho khách hàng cũng chính là “góp phần bảo vệ công lý, công bằng …’’. Tuy nhiên, đây chỉ là sự “góp phần ” , với tính chất như một hệ quả từ việc luật sư thực hiện chức năng nghề nghiệp “bảo vệ quyền lợi hợp pháp” cho các cá nhân, tổ chức; không phải là trách nhiệm pháp lý của luật sư. Và cuối cùng, trong tất cả các văn bản pháp luật, không có một điều khoản nào quy định về “trách nhiệm bảo vệ Pháp chế XNCN” cho luật sư. Do vậy, n ếu hiểu rằng, Pháp chế XHCN là một yêu cầu, đòi hỏi các chủ thể phải thực hiện đầy đủ, triệt để, chính xác các quy định của pháp luật thì chính những nhận định cảm tính, không có căn cứ pháp luật như luận điểm trong đề bài trên đang đi ngược, không tuân thủ nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Rất tiếc cho Học Viện Tư pháp, một nơi đào tạo ra những Luật sư, Thẩm phán tương lai.