(VBF) - Ngày 15/01/2014, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Kỹ năng của luật sư trong đàm phán, soạn thảo hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại - Kinh nghiệm của Nhật Bản”. Chương trình do Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản phối hợp tổ chức.
Tham dự hội thảo, về phía LĐLSVN có TS. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LĐLSVN; TS. Luật sư Lưu Tiến Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác Quốc tế LĐLSVN. Đại diện cho giới luật sư Nhật Bản có Luật sư Yoshinobu Fujimoto - chuyên gia ngắn hạn của JICA và các luật sư thành viên trong Đoàn công tác của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản. Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có sự tham gia của đông đảo các luật sư đại diện cho các Đoàn luật sư tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Buổi sáng, hội thảo tập trung vào việc trao đổi những vấn đề liên quan hợp đồng, đàm phán và soạn thảo, thực hiện hợp đồng. Các đại biểu đã được nghe luật sư Nguyễn Chính - Công ty Luật hợp danh Nghiêm và Chính - giới thiệu về các loại hợp đồng quan trọng ở Việt Nam, các loại hợp đồng trong giao dịch thương mại quốc tế và quan điểm chung của luật sư Việt Nam về các loại hợp đồng đó.
Trong số 12 loại hợp đồng theo Bộ luật Dân sự Việt Nam, Luật sư Chính nhấn mạnh một số loại hợp đồng quan trọng mà luật sư cần quan tâm trong hoạt đồng hành nghề đó là Hợp đồng lao động; Hợp đồng mua bán cổ phần(SPA)/Thỏa thuận cổ đông (SA); Hợp đồng mua bán hàng hóa; Hợp đồng cấp phép sử dụng nhãn hiệu; Hợp đồng chuyển giao công nghệ và Hợp đồng xây dựng. Trong số các hợp đồng quan trọng này, Luật sư Chính đi sâu vào phân tích chế định Hợp đồng mua bán cổ phần(SPA) liên quan đến điều khoản chào bán chủ yếu, khâu rà soát, soạn thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng và quy trình thực hiện SPA, điều kiện công ty đặt ra cho cổ đông mới trong SPA và ngược lại. Các vấn đề thực tiễn gây tranh cãi liên quan đến Hợp đồng mua bán cổ phần và Hợp đồng thỏa thuận cổ đông cũng được Luật sư Chính nêu ra. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo các đại biểu.
Liên quan đến kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc đàm phán và soạn thảo hợp đồng, Luật sư Yoshinobu Fujimoto chia sẻ các kỹ năng cần có của luật sư Nhật Bản liên quan đến lĩnh vực này.
Qua phần trình bày của Luật sư Yoshinobu Fujimoto, các đại biểu dường như hiểu thêm đượcc tính chất phức tạp của một bản hợp đồng, điều này cũng được TS. Luật sư Lưu Tiến Dũng chia sẻ tại hội thảo. Một bản hợp đồng có thể dài 80-100 trang, việc nghiên cứu, soạn thảo hợp đồng có thể mất từ 1 - 2 năm và một điều khoản của hợp đồng có thể gây tranh cãi đến 2 - 3 ngày... là chuyện bình thường. Ở Việt Nam, chúng ta mới chỉ tiếp cận phần lớn các bản hợp đồng ngắn gọn, nội dung không phức tạp, vậy học hỏi thêm kinh nghiệm của luật sư nước bạn là rất cần thiết.
Buổi chiều, hội thảo tập trung vào việc trao đổi kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc lựa chọn luật áp dụng, cơ quan tài phán và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại. Tại đây, một lần nữa các đại biểu lại được nghe Luật sư Yoshinobu Fujimoto trao đổi những kinh nghiệm quý báu của ông và các luật sư Nhật Bản trong quá trình giải quyết các tranh chấp hợp đồng thương mại mà theo ông vấn đề cốt lõi là tìm, phát hiện được những giải pháp hữu ích giúp khách hàng đạt được tối đa lợi ích khi không may vướng phải những tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Các vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong thương mại quốc tế cũng được Luật sư Yoshinobu Fujimoto đề cập khá cụ thể.
Chia sẻ kinh nghiệm với luật sư nước bạn, Luật sư Đỗ Trọng Hải - Công ty Luật TNHH BIZLINK - có tham luận trao đổi một số nội dung liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng thương mại tại Việt Nam và một số quan điểm của luật sư Việt Nam về các loại tranh chấp này.
Luật sư Hải nhấn mạnh đến các tranh chấp thương mại điển hình thường gặp tại Việt Nam đó là các tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng xây dựng, hợp đồng thuê bất động sản, hợp đồng bảo lãnh và hợp đồng bảo hiểm. Theo đó, khi phát sinh tranh chấp thì việc lựa chọn giải pháp tối ưu để giải quyết các tranh chấp đem lại lợi ích cho các bên là vô cùng quan trọng. Nội dung chính của bốn phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại mà Việt Nam hiện đang áp dụng bao gồm Thương lượng, Hòa giải, Trọng tài, Tòa án đã được luật sư Hải trình bày khá chi tiết để các luật sư Nhật Bản có thể hiểu và chia sẻ. Luật sư Hải cũng trao đổi tại hội thảo về một số kinh nghiệm liên quan đến tranh chấp hợp đồng thương mại mà luật sư tích lũy được trong hơn 20 năm hành nghề luật sư trong và ngoài nước.
Cũng tại hội thảo, các luật sư đã nhiệt tình thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến trên cơ sở tiếp thu các kiến thức liên quan đến pháp luật của Nhật Bản và vận dụng vào thực tế áp dụng pháp luật của Việt Nam để qua đó bổ sung vốn kiến thức cho bản thân trong quá trình hoạt động hành nghề và trong quá trình đóng góp xây dựng pháp luật.
Sau một ngày làm việc đầy tinh thần, trách nhiệm, Hội thảo quốc tế về chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản và Việt Nam trong một số lĩnh vực hành nghề luật sư liên quan đến hợp đồng thương mại đã thành công tốt đẹp.
Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan
(Đoàn luật sư TP. Hà Nội)
Nguồn tin: LĐLSVN