Vụ án tranh chấp khách sạn Whooshu giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Vĩnh Thiện Đồng Nai và bị đơn là Công ty TNHH Vĩnh Tường có lẽ là một trong những vụ án khá nổi tiếng ở Đồng Nai. Sự nổi tiếng của vụ án này không chỉ bởi đây là vụ án có giá trị tranh chấp lên đến vài trăm tỷ đồng mà còn bởi sự áp dụng pháp luật một cách khó hiểu của TAND tỉnh Đồng Nai.
Vụ án có thể chưa khép lại bởi Công ty TNHH Vĩnh Tường vẫn đang kiến nghị TAND tối cao kháng nghị bản án theo trình tự Giám đốc thẩm. Tuy nhiên, tôi xin được giới thiệu một số vấn đề có tích chất chuyên môn trong vụ án này để bạn đọc và quý đồng nghiệp cùng trao đổi, tham khảo.
Cho Nguyên dơn 3 lần thay đổi Đơn khởi kiện
Theo Thông báo thụ lý vụ án số 64/TB-TLVA ngày 23/11/2012 của TAND tỉnh Đồng Nai thì Toà đã thụ lý đơn khởi kiện của Công ty cổ phần Vĩnh Thiện Đồng Nai đối với Công ty Vĩnh Tường về việc “Buộc thực hiện nghĩa vụ của bên chuyển nhượng theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 13/7/2012”. Kèm theo đơn khởi kiện là 18 mục hồ sơ.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 10/12/2012 khi Công ty Vĩnh Tường đề nghị Tòa Án cho photo 18 mục hồ sơ theo Thông báo thụ lý vụ án thì phát hiện Toà đã cho nguyên đơn thay thế Đơn khởi kiện mà Toà đã thụ lý bằng một đơn khởi kiện khác với nội dung “Tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ngày 13/7/2012”, kèm theo Đơn khởi kiện chỉ có 9 mục hồ sơ.
Gần nửa năm sau, ngày 17/5/2013, khi photo hồ sơ vụ án, Công ty Vĩnh Tường lại phát hiện một lần nữa Toà đã cho nguyên đơn nộp đơn khởi kiện thứ 3 với nội dung khác với 2 đơn khởi kiện trước, kèm theo đơn khởi kiện lần thứ 3 là 10 mục hồ sơ.
Do phạm vi khởi kiện khác nhau nên cùng với việc cho nguyên đơn 3 lần thay đổi đơn khởi kiện như trên, thẩm phán thụ lý vụ án cũng “đổi tên” vụ án mà Toà đã thụ lý cho khớp với phạm vi đơn khởi kiện mà nguyên đơn đã thay đổi. Cụ thể là trong Thông báo thụ lý vụ án số 64/TB-TLVA ngày 23/11/2012, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai thông báo về việc thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” theo đúng nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn.Nhưng sau đó, khi nguyên đơn đổi đơn khởi kiện khác thì trong các văn bản của Toà và trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 25/4/2013 TAND Đồng Nai lại đưa ra xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền quyền sử dụng đất”.
Hiểu thế nào cho đúng?
Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hay yêu cầu khởi kiện của đương sự được quy định tại Điều 169 BLTTDS. Theo quy định này thì việc sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của đương sự chỉ có thể được chấp nhận trước khi Tòa án thụ lý và Tòa án có quyền yêu cầu người khởi kiện phải bổ sung đủ các nội dung còn thiếu so với yêu cầu của khoản 2 Điều 164 BLTTDS (nội dung đơn khởi kiện) theo đúng thời hạn do Tòa án ấn định nhưng không quá 30 ngày.
Bộ luật tố tụng dân sự không có quy định việc thay đổi yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Tuy nhiên, theo sự giải đáp pháp luật của TAND tối cao (*) và thực tiễn xét xử, khi gặp trường hợp đương sự xin thay đổi yêu cầu khởi kiện ở giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán yêu cầu đương sự làm đơn xin thay đổi yêu cầu khởi kiện hoặc lập biên bản về việc thay đổi yêu cầu khởi kiện. Thẩm phán có thể chấp nhận yêu cầu thay đổi nếu như việc thay đổi đó không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu. Trường hợp thay đổi yêu cầu mà vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện thì được coi như đương sự không có quyền khởi kiện (hay rút đơn khởi kiện về quan hệ pháp luật khi khởi kiện) Thẩm phán quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự.
Trở lại vụ án trên, theo quan điểm cá nhân, việc thay đổi nội dung, yêu cầu khởi kiện không đồng nghĩa với việc thay đổi Đơn khởi kiện. TAND tỉnh Đồng Nai đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi cho Nguyên đơn 3 lần thay đổi Đơn khởi kiện có nội dung khác nhau, vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.
(*) http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/hoidap_pl?detail=2&id=352&sid=27492
Bài sau: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, hai pháp nhân có quốc tịch khác nhau nhưng được “gộp chung” làm một?
Ls. Phạm Tuấn Anh
luật sư uy tín | luat su uy tin luật sư tư vấn | luật sư | luat su | luật sư nhà đất | luat su nha đat | luật sư doanh nghiệp | luat su doanh nghiep | luat su tu van