“Việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè miễn trách nhiệm hình sự (TNHS), đình chỉ điều tra vụ án với lý do do chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là không đúng. Bởi lẽ đây chỉ là quan hệ dân sự đã bị các cơ quan tố tụng hình sự hóa” - ThS Trần Thanh Thảo (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) khẳng định.
Phải đình chỉ vì không chứng minh được tội phạm
ThS Thảo phân tích: Việc ông Nhật bị truy cứu TNHS về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 140 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là không hợp lý.
Cụ thể, để truy cứu TNHS về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người phạm tội phải có hành vi như sau: Nhận tài sản một cách ngay thẳng, hợp pháp như vay, mượn, thuê tài sản hoặc thông qua hình thức hợp đồng… Sau khi nhận được tài sản, người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt toàn bộ hoặc một phần tài sản đã nhận bằng một trong các thủ đoạn sau:
+ Gian dối để không trả lại tài sản như đánh tráo tài sản, rút bớt tài sản, đưa ra các thông tin sai lệch khác để không phải trả lại tài sản…
+ Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản. Nếu một người nhận tài sản của người khác một cách hợp pháp, sử dụng tài sản đó vào các mục đích hợp pháp, sau đó không có khả năng chi trả nhưng không bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản thì đây không phải là tội phạm mà là quan hệ pháp luật về dân sự hoặc kinh tế.
+ Sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến tình trạng không có khả năng trả lại như sử dụng tài sản của người khác để đánh bạc, buôn bán ma túy...
Ở đây, giữa ông Nhật và chủ nợ có tranh chấp về tiền bạc liên quan đến việc thực hiện thủ tục nhà đất. Từ lúc tranh chấp phát sinh cho đến lúc ông Nhật bị khởi tố thì ông đã không thực hiện một trong các thủ đoạn nêu trên (không gian dối, không bỏ trốn hay sử dụng tiền nhận từ chủ nợ vào mục đích bất hợp pháp) để chiếm đoạt tài sản. Do đó, việc truy cứu TNHS đối với ông Nhật về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là không đúng.
Thậm chí trong kết luận điều tra, chủ nợ thừa nhận bà và ông Nhật có làm giấy xác nhận và thỏa thuận miệng là có nợ bà, ông Nhật hứa sẽ trả lại tiền nhưng do ông Nhật chưa trả nên ngày 15-7-2015 bà làm đơn tố cáo ông Nhật chiếm đoạt tài sản. Sự thừa nhận trên của chủ nợ và các giấy xác nhận nợ là căn cứ vững chắc cho thấy vụ việc phát sinh giữa ông Nhật và chủ nợ chỉ là tranh chấp về dân sự nên chỉ có thể áp dụng quy định pháp luật dân sự để giải quyết.
Theo ThS Thảo, do hành vi của ông Nhật không cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên không có căn cứ pháp lý để CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra với lý do “do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Trường hợp này CQĐT không chứng minh được hành vi của ông Nhật đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên phải ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án với lý do đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm để xác định ông Nhật không phạm tội.
Phải minh oan cho ông Nhật
Luật sư Phạm Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng phân tích: Kết luận điều tra, cáo trạng, bản án sơ thẩm đều không chứng minh được hành vi của ông Nhật cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chính vì thế mà tòa phúc thẩm kết luận quá trình điều tra của cấp sơ thẩm không đầy đủ, chưa chứng minh được ý thức, thủ đoạn chiếm đoạt; hành vi gian dối nên chưa đủ căn cứ xác định ông Nhật phạm tội gì, từ đó tòa phải hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Sau khi điều tra lại, CQĐT vẫn không chứng minh được ý thức, thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt của ông Nhật, không chứng minh được ông đã sử dụng số tiền của chủ nợ vào mục đích bất hợp pháp, mặt khác ông không hề bỏ trốn. Do đó, hoàn toàn không có căn cứ kết luận ông phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
“CQĐT không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải minh oan cho ông Nhật. Việc bà Huấn cung cấp giấy xác nhận nợ cho CQĐT càng chứng minh ông Nhật bị oan. Các giấy xác nhận nợ này đã cho thấy rõ ràng đây là quan hệ dân sự, tại sao lại hình sự hóa? CQĐT và VKS dựa vào giấy xác nhận nợ này để nói “do chuyển biến của tình hình...” nhằm miễn TNHS là không đúng” - luật sư Tuấn Anh nói.
Đáng chú ý, tại phiên tòa phúc thẩm, chủ nợ cho rằng ông Nhật phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo luật sư Tuấn Anh cũng không có cơ sở. Bởi lẽ đối với tội này, người phạm tội phải có thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội để họ chiếm đoạt và người phạm tội phải có thủ đoạn gian dối trước khi nhận tài sản (thủ đoạn gian dối nhằm mục đích lừa nạn nhân giao tài sản). Nói cách khác, ý thức chiếm đoạt của người phạm tội phải có trước thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản (điểm khác với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Nhưng ở đây, hai bên đã làm ăn với nhau nhiều năm, chủ nợ giao tiền nhờ ông Nhật làm thủ tục nhà đất chứ ông Nhật không hề có thủ đoạn gian dối lừa chủ nợ giao tiền. Do vậy, trường hợp này không có dấu hiệu của tội lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
“Tóm lại, khi không có căn cứ xác định tội phạm thì việc miễn TNHS là vô lý vì có TNHS đâu mà miễn, có tội đâu mà miễn? CQĐT không chứng minh được tội phạm nên miễn TNHS để né trách nhiệm làm oan, để không phải bồi thường thiệt hại cho người bị oan là khiên cưỡng. CQĐT phải đình chỉ vụ án vì không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm mới đúng” - luật sư Tuấn Anh nói.
Từ chuyện làm ăn chung đến bị kết án
Theo hồ sơ, từ năm 2006 đến 2014, ông Nhật nhiều lần môi giới cho bà Nguyễn Thị Huấn mua đất ở huyện Nhà Bè. Trong tám năm này, bà Huấn nhiền lần đưa tổng cộng 459 triệu đồng cho ông Nhật để nhờ ông thực hiện thủ tục nhà đất (xin chuyển mục đích sử dụng đất, hợp thức hóa nhà đất…). Sau đó có việc ông Nhật làm được cho bà Huấn, có việc ông chưa làm. Từ tháng 8-2014, hai bên có gặp nhau mấy lần làm giấy xác nhận và thỏa thuận miệng là ông Nhật có nợ tiền bà Huấn và hứa sẽ trả lại tiền. Do ông Nhật chưa trả nợ nên tháng 7-2015, bà Huấn đã làm đơn tố cáo ông Nhật chiếm đoạt tài sản.
Sau đó, Công an huyện, VKSND huyện Nhà Bè cho rằng ông Nhật không thực hiện, không làm đúng thủ tục theo thỏa thuận với bà Huấn, làm không hết tiền cũng không trả lại tiền cho bà Huấn mà trả nợ, tiêu xài nên khởi tố, truy tố ông về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 140 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tháng 1-2017, TAND huyện Nhà Bè xử sơ thẩm, phạt ông Nhật bảy năm tù về tội này.
Bản án trên đã bị TAND TP.HCM xử phúc thẩm hủy toàn bộ vì chưa đủ căn cứ xác định ông Nhật phạm tội gì. Sau khi điều tra lại, tháng 6-2018, CSĐT ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can với lý do “do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”.
Hiện ông Nhật (bị tạm giam gần hai năm) đang khiếu nại các quyết định đình chỉ này và kêu oan.
Miễn cưỡng ký bán đất với giá rẻ mạt?
Theo ông Nhật, tháng 12-2015, ông bất ngờ bị trại tạm giam trích xuất theo yêu cầu của Công an huyện Nhà Bè để ra gặp công chứng viên “ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” cho bà Huấn nhằm “khắc phục một phần hậu quả”.
“Tôi không hề yêu cầu, không hề muốn bán đất nhưng do không hiểu biết pháp luật, bản thân đang bị tạm giam, nghe điều tra viên hứa sẽ được nhẹ tội, không bị tạm giam nếu ký bán đất khắc phục hậu quả, tôi phải miễn cưỡng ký chuyển nhượng hai thửa đất cho bà Huấn với giá chỉ 100 triệu đồng. Trong khi đó, giá thị trường của hai thửa đất này khoảng 2 tỉ đồng, gấp nhiều lần số tiền bà Huấn từng đưa cho tôi” - ông Nhật kể.
Trước đó, trả lời PV, đại diện Công an huyện, VKSND huyện Nhà Bè đều cho biết việc CQĐT trích xuất ông Nhật là căn cứ vào đơn yêu cầu của bà Huấn, lý do trích xuất và thủ tục trích xuất được thực hiện đúng theo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Việc ông Nhật cho rằng CQĐT có sự thông đồng, giúp sức cho bà Huấn, lợi dụng ông trong hoàn cảnh bế tắc, cùng quẫn để buộc ông ký hợp đồng chuyển nhượng đất với giá rẻ mạt là không có căn cứ...
|