Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã bị người lao động kiện ra tòa tranh chấp về việc sa thải, trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Phía doanh nghiệp thường thua kiện, vì sao?
Theo nhiều thẩm phán, thực tiễn xét xử cho thấy các doanh nghiệp (DN) thường thờ ơ, không tìm hiểu, không chấp hành đúng pháp luật lao động khi xử lý kỷ luật người lao động. Vì vậy, các DN thường thua kiện người lao động vì buộc thôi việc không có lý do chính đáng, sai trình tự, thủ tục… Không ít vụ DN đã phải bồi thường cho người lao động hàng trăm triệu đồng.
Buộc thôi việc không có lý do
Tháng 4-2013, TAND TP.HCM đã buộc Công ty TNHH Thực phẩm Ân Nam bồi thường gần 120 triệu đồng cho ông Lê Quang Sơn (giám sát kinh doanh bộ phận mỹ phẩm).
Trước đó, công ty thông báo sẽ giảm biên chế đối với ông Sơn vì tình hình khó khăn. Ông Sơn không đồng ý nhưng chỉ một ngày sau đã phải nhận quyết định cho thôi việc nên khởi kiện công ty đòi bồi thường. Theo TAND TP.HCM, việc công ty đơn phương cho ông Sơn nghỉ việc mà không chứng minh được ông vi phạm các trường hợp quy định tại Điều 38 BLLĐ là hoàn toàn sai.
Tương tự, tháng 11-2012, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) đã buộc Công ty TNHH Việt Hàn Mỹ phải nhận ông Nguyễn Minh Duy vào làm việc lại và trả cho ông hơn 300 triệu đồng.
Theo hồ sơ, ông Duy và Công ty Việt Hàn Mỹ ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Chức danh của ông Duy là giám đốc kinh doanh, mức lương chính là 1.300 USD/tháng. Ngày 10-10-2011, hội đồng thành viên công ty đã miễn nhiệm chức giám đốc kinh doanh của ông Duy với lý do nhân sự không phù hợp quá trình tái cơ cấu. Tám ngày sau, công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với ông Duy. Sau đó, công ty ra quyết định cho ông thôi việc mà không ghi lý do.
Theo TAND quận Tân Bình, đúng ra khi Công ty Việt Hàn Mỹ thấy rằng ông Duy không phù hợp quá trình tái cơ cấu thì công ty có thể sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng mới. Nếu không thỏa thuận được thì công ty tiếp tục thực hiện hợp đồng cũ hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Việc công ty căn cứ vào quyết định miễn nhiệm chức danh giám đốc kinh doanh đối với ông Duy của hội đồng thành viên để cho ông Duy nghỉ việc là không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 38 BLLĐ. Vì vậy, quyết định cho ông Duy nghỉ việc của công ty là trái pháp luật.
Lý do thiếu căn cứ pháp luật
Vừa qua, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) đã tuyên buộc Trường ĐH Dân lập Hùng Vương phải bồi thường cho ông Phạm Minh Hiếu hơn 140 triệu đồng và nhận ông vào làm việc lại.
Tháng 1-2007, ông Hiếu và Trường ĐH Hùng Vương ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, chức danh chuyên môn là cán bộ trợ lý công tác sinh viên. Tháng 11-2008, ông Hiếu được bổ nhiệm làm trợ lý trưởng khoa Quản trị kinh doanh. Tháng 9-2009, ông được công nhận là giảng viên kiêm nhiệm quản lý.
Cho rằng ông Hiếu chưa làm tốt việc tham mưu cho trưởng khoa về công tác giảng dạy, chưa giúp trưởng khoa theo dõi, đánh giá thực chất tình hình đoàn kết nội bộ…, tháng 12-2009, Trường ĐH Hùng Vương ra quyết định cách chức trợ lý trưởng khoa. Cùng ngày, nhà trường ra thông báo do thay đổi cơ cấu tổ chức nhân sự, không có công việc để sắp xếp cho ông Hiếu, không có nhu cầu sử dụng lao động nên đề nghị ông đi tìm công việc khác trong thời hạn 45 ngày. Đến tháng 3-2010, nhà trường ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Hiếu.
Ông Hiếu khởi kiện. Tại tòa, đại diện Trường ĐH Hùng Vương cho rằng việc chấm dứt hợp đồng đối với ông Hiếu là có căn cứ nhưng thừa nhận trong quá trình xử lý kỷ luật, nhà trường đã không thực hiện đúng pháp luật lao động.
TAND quận Tân Bình nhận định theo báo cáo kết quả thanh tra thì ông Hiếu có một số vi phạm nhưng các vi phạm này không thuộc các trường hợp mà nhà trường có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 38 BLLĐ. Vì vậy, việc ban hành quyết định cho ông Hiếu nghỉ là trái pháp luật.
Sai thủ tục
Mới đây, TAND TP.HCM đã bác kháng cáo của Công ty HB-KMIX trong vụ tranh chấp lao động với bà Trần Thị Thanh Cúc, tăng mức tiền mà công ty phải bồi thường cho bà Cúc từ 55 triệu đồng lên 79 triệu đồng.
Bà Cúc từng làm tổ trưởng, chuyên điều người đi làm vệ sinh nhà cửa, công trình cho các khách hàng của Công ty HB-KMIX. Cho rằng bà Cúc có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng khi tự ý điều người của công ty đi làm vệ sinh cho công ty khác, thậm chí còn ký hợp đồng riêng, tháng 1-2011, Công ty HB-KMIX đã ra quyết định cho bà thôi việc. Bà Cúc khởi kiện yêu cầu TAND quận 3 hủy quyết định này, buộc Công ty HB-KMIX bồi thường hơn 90 triệu đồng…
Xử sơ thẩm, TAND quận 3 nhận định bà Cúc có lỗi khi tự mình cung cấp dịch vụ và phân công nhân viên công ty dọn dẹp vệ sinh cho công ty khác. Tuy nhiên, công ty cho rằng bà Cúc có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nhưng không chứng minh thiệt hại tài sản cụ thể ra sao. Mặt khác, việc họp xét kỷ luật bà Cúc chỉ có trưởng phòng nhân sự, trưởng phòng dịch vụ mà không có người đại diện theo pháp luật của công ty, đại diện công đoàn… tham gia là sai thủ tục. Từ đó, tòa đã hủy quyết định của công ty, buộc bồi thường cho bà Cúc 55 triệu đồng.
Sau phiên xử, phía Công ty HB-KMIX kháng cáo toàn bộ bản án nhưng bị TAND TP bác và tuyên như trên.
“Thua” vì lỗi sơ đẳng
BLLĐ quy định rất chặt chẽ về quy trình xử lý kỷ luật người lao động nhưng DN thường bỏ qua, dẫn đến thua thiệt khi ra tòa. Trong đó, lỗi thường gặp của DN là “đốt cháy giai đoạn”, không tiến hành đầy đủ các bước xử lý kỷ luật, không báo cáo cơ quan quản lý lao động, sai thẩm quyền…
Một lỗi sơ đẳng khác là khi mời người lao động họp xét kỷ luật thì họ vắng mặt, DN bức xúc nên đơn phương họp luôn thay vì phải có mặt người lao động (theo quy định phải mời hợp pháp đến lần thứ ba mà người lao động không đến thì mới được họp). Đặc biệt, không ít trường hợp người lao động trộm cắp tài sản, DN giao cho cơ quan chức năng điều tra, đồng thời tự ý ra quyết định kỷ luật, trong khi lẽ ra phải đợi có kết luận từ cơ quan chức năng thì mới có cơ sở để tiến hành xử lý…
PHƯƠNG LOAN – HOÀNG YẾN
Nguồn: phapluattp.vn