Người Việt Nam vốn coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, luôn xem đây là trách nhiệm hệ trọng, thiêng liêng của con cháu để thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với những người đã có công sinh thành, dưỡng dục. Vì thế, Nhà nước ta rất tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân cho nên tại Điều 648 BLDS 2005 đã cho phép người lập di chúc có quyền dành một phần di sản trong khối di sản để thờ cúng. Để phục vụ cho việc thờ cúng, di sản thường được để lại là nhà thờ, nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Qua đó, thấy được giá trị của khối di sản này là khá lớn, trong khi đó các quy định của pháp luật về di sản thờ cúng còn quá ít và sơ lược, chỉ được dự liệu tại một Điều 670 BLDS 2005. Các điều luật quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng đều được BLDS 2005 ghi nhận trong chương thừa kế theo di chúc, có nghĩa là pháp luật chỉ công nhận ý chí của người để lại di sản quyền sử dụng đất trong trường hợp người đó để lại di chúc và nêu rõ việc để lại một phần di sản quyền sử dụng đất của mình vào việc thờ cúng. Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp người để lại quyền sử dụng đất chỉ đặt vấn đề để lại quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng dưới hình thức dặn dò miệng. Chính sự thiếu chặt chẽ đó đã dẫn tới việc những người thừa kế tranh giành nhau quyền sở hữu đối với quyền sử đất và tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất đó.
luật sư nhà đất giỏi
Quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng sẽ không được chia thừa kế, nó được quản lý bởi một người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Thế nên quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng không thuộc sở hữu của riêng bất cứ cá nhân nào, không ai có quyền chuyển dịch quyền sử dụng đất này. Tuy nhiên, do tính chất quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị lớn nên những người được giao quản lý dễ nảy sinh ý đồ chiếm đoạt, tìm mọi cách để hợp thức hóa quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng thành tài sản của mình hay chuyển nhượng cho người khác để hưởng lợi. Để tránh xảy ra các tình huống trên thì pháp luật cần quy định cụ thể việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối đất dùng để thờ cúng như thế nào. Làm sao phải thể hiện được nội dung đó là đất thờ cúng, người quản lý có thể đứng tên trong GCQSDĐ nhưng không được bán và chia thừa kế đối với đất đó.
luat su thua ke
Pháp luật cho phép người để lại di sản dùng vào việc thờ cúng quyền tự do định đoạt, nhưng sự tự do ở đây vẫn cần phải được giới hạn trong khuôn khổ nhất định. Chỉ được phép để lại một phần di sản vào việc thờ cúng. Tuy nhiên, lại không xác định rõ một phần là bao nhiêu, như vậy, chỉ có thể hiểu là không được để lại toàn bộ di sản dùng vào việc thờ cúng. Mà di sản là tài sản thuộc sở hữu của người chết, nó bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, do đó, quyền sử dụng đất không thể là toàn bộ di sản của người chết. Như vậy, người để lại di sản hoàn toàn có thể định đoạt toàn bộ quyền sử dụng đất của mình vào việc thờ cúng. Đối với những trường hợp quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng có diện tích nhỏ, phù hợp thì không đáng bàn nhưng có người lại để quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng lên đến vài trăm mét vuông đất. Trong tình hình dân số ngày càng đông và diện tích đất thì không thể mở rộng ra thêm được thì việc làm vừa nêu trên gây ra sự lãng phí lớn, nguồn tài nguyên vô giá đất đai sẽ không được sử dụng hiệu quả. Chính việc để là toàn bộ nhà đất làm nơi thờ cúng đã dẫn đến phát sinh nhiều tranh chấp trên thực tế. Chẳng hạn như vụ tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất giữa các con Ông Lê Sơn M và bà Nguyễn Thị L. Sinh thời ông M và bà L có 8 người con. Năm 2011 bà L mất không để lại di chúc, tài sản để lại do chồng bà là ông M tiếp tục quản lý sử dụng. Đến tháng 2/2013 ông M qua đời, có để lại di chúc hợp pháp. Theo di chúc, ông M để lại toàn bộ tài sản là 634m2 đất (trên đó có 2 ngôi nhà cấp 4 và vườn ao) do ông đứng tên trên GCNQSDĐ làm di sản thờ cúng và do con trai trưởng là Lê Sơn K quản lý, hằng năm, đến các dịp giỗ chạp phải có nghĩa vụ cúng giỗ. Sau đó, khi anh K làm thủ tục chuyển GCNQSDĐ sang tên mình, 7 người con còn lại đã làm đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế vì cho rằng ông M đã viết trong di chúc là tất cả 8 người con đều có thể về ở sử dụng phần đất này (8 người con của ông bà đều cư trú ở nơi khác) nhưng tuyệt đối không được chuyển nhượng, do đó, họ đều có quyền sử dụng và đứng tên trên GCNQSDĐ phần thuộc về mình. Trong vụ án này, ta thấy quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng có diện tích không nhỏ, nếu người để lại di sản chỉ dành quyền sử dụng đất trên đó có một ngôi nhà để dung vào việc thờ cúng, phần còn lại chia thừa kế cho các con thì sẽ hợp tình, hợp lý, tận dụng được nguồn lợi từ đất và có lẽ sẽ không xảy ra tranh chấp. Bên cạnh đó, quyền định đoạt quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng cũng bị giới hạn để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người quá cố, tại khoản 2 Điều 670 BLDS 2005 có quy định: “Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”. Quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, nếu người có quyền sử dụng đất thiết lập di sản cho việc thờ cúng thì chủ nợ có quyền yêu cầu hủy bỏ việc này và xử lý di sản quyền sử dụng đất để thanh toán nợ.
luật sư thừa kế
Một khía cạnh đặc biệt quan trọng trong vấn đề quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng là khi nào quyền sử dụng dùng cho việc thờ cúng sẽ chấm dứt, khi nào thì quyền sử dụng đất đó tiếp tục được tham gia vào lưu thông dân sự. Chúng ta không thể để cho một khối tài sản, của cải lớn mãi nằm bất động gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế quốc gia. BLDS 2005 có một quy định liên quan đến vấn đề này “trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.” Tuy nhiên, quy định này khá khó hiểu và đặt ra rất nhiều vướng mắc cần giải quyết. Trong trường hợp người quản lý quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng không phải là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản mà những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng cũng không thuộc sở hữu của người đang quản lý, vậy nó thuộc về ai? Hoặc trường hợp, không có người thừa kế theo di chúc khi đó di sản dùng vào việc thờ cúng sẽ được giải quyết theo quy định nào và nó thuộc về ai khi người được chỉ định quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng chết? Tại sao khi những người thừa kế theo di chúc chết đi thì quyền sử dụng đất thờ cúng lại thuộc về người thừa kế theo pháp luật đang quản lý quyền sử dụng đất đó? Nếu những người thừa kế theo pháp luật chết đi nhưng những người thừa kế theo di chúc còn sống thì sao?Thiết nghĩ, nên có quy định thoáng hơn về vấn đề này để dễ dàng xác định trong mọi tình huống, chẳng hạn như: sau 3 đời, quyền quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng sẽ thuộc về người đang quản lý hợp pháp, nếu người này thực hiện đúng, đầy đủ việc thờ cúng theo di chúc hoặc theo thỏa thuận của những người thừa kế, nếu không quyền sử dụng đất này sẽ thuộc về những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
luật sư uy tín
Việc thiếu các quy định của pháp luật về vấn đề này không chỉ gây khó khăn cho người để, người nhận quyền sử dụng đất thờ cúng mà chính các thẩm phán giải quyết những vụ án liên quan cũng gặp mâu thuẫn. Điều đó thể hiện qua hai vụ án có nội dung tương tự nhau nhưng cách giải quyết lại hoàn toàn khác nhau. Cụ Mô là con trai của cụ Khải và cụ Lèo. Ông Duyệt, ông Khắc, bà Minh và bà Ninh là con đẻ của cụ Mô. Di sản tranh chấp là nhà thờ 5 gian cùng với sân phơi bể và bếp ở Cầu Giấy, Hà Nội, hiện đang do ông Duyệt quản lý và sử dụng. Ông Khắc cho rằng tài sản trên là do cụ Khải để lại chứ không phải là nhà thờ của Chi họ Đỗ Xuân, nên phải xác định là di sản thừa kế để chia cho cả 4 người con của cụ. Theo ông Duyệt, nhà và đất đang tranh chấp là nhà dành cho con trưởng quản lý để thờ cúng tổ tiên. Nhà này trước đây do cụ Khải sử dụng, quản lý, sau đó giao lại cho cụ Mô, cụ Mô chết, nhà đó giao lại cho con trưởng là ông Duyệt quản lý và sử dụng làm nơi thờ cúng theo tập quán mà tuyệt nhiên không cần định đoạt bằng di chúc, vì thế, nên không được chia thừa kế. Án sơ thẩm quyết định bác yêu cầu chia thừa kế của các nguyên đơn, xác định di sản trên là nhà thờ Chi họ Đỗ Xuân. Các nguyên đơn kháng cáo, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định hủy án sơ thẩm, giao vụ án cho Tòa án nhân dân quận Cầu giấy giải quyết theo thủ tục sơ thẩm với nhận định nhà và đất thuộc sở hữu của cụ Khải nên phải xác định là di sản thừa kế để chia. Án sơ thẩm lần hai quyết định chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn, vì cụ Mô chết không để lại di chúc nên tài sản trên được chia theo pháp luật. Ông Duyệt tiếp tục kháng cáo yêu cầu không chia thừa kế, vì đó là tài sản dùng vào việc thờ cúng. Án phúc thẩm quyết định giữ nguyên án sơ thẩm. Tương tự, vụ án giữa nguyên đơn là chị Gái và anh Sưởng ở huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh. Di sản là nhà 5 gian tọa lạc trên 700 m2 đất được truyền từ đời này sang đời khác chăm nom và thờ cúng tổ tiên theo gia phả dòng họ Lê. Song Tòa án nhân dân cả hai cấp đều bác đơn yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn và đều xác nhận ngôi nhà thờ 5 gian trên thửa đất 700 m2 ở Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh là di sản thờ cúng của dòng họ Lê.
luật sư giỏi ở tphcm
Trong vụ án thứ nhất, dường như việc không đáp ứng điều kiện hình thức do không để lại di chúc đã khiến cho nhà đất dùng vào việc thờ cúng chấm dứt mục đích sử dụng để thờ cúng của nó và biến thành di sản của người chết được phân chia cho các đồng thừa kế. Còn vụ án thứ hai thể hiện khía cạnh linh động của Tòa án trong cách áp dụng pháp luật, không chỉ dựa vào di chúc mà còn căn cứ hiện trạng sử dụng đất trên thực tế và lời khai của các đương sự để xét xử. Tuy cách giải quyết nào cũng có sự hợp lý nhất định nhưng để xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh cần quy định cụ thể căn cứ để xác định quyền sử dụng đất dùng vào việc thờ cúng và phải tuân thủ tuyệt đối quy định này, đảm bảo pháp luật được áp dụng thống nhất trên cả nước.