Gia đình có tám con nhưng cán bộ phường vẫn dễ dãi xác nhận chỉ có một con duy nhất. Gần tháng nay, bảy anh chị em của anh Lê Thành Điệp (phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM) đứng ngồi không yên vì bị người anh cả lập hồ sơ tự khai nhận là con duy nhất để truất phế quyền thừa kế của họ.
Lọt qua nhiều “cửa ải”
Cha mẹ anh Điệp có tất cả tám người con. Khi qua đời, cha mẹ anh có để lại một căn nhà ở phường 4, quận Gò Vấp. Các anh em thống nhất ủy quyền cho anh cả làm người đại diện thừa kế đứng tên trên giấy chủ quyền nhà đất.
Tranh chấp nảy sinh khi toàn bộ căn nhà nằm trong diện giải tỏa trắng để chính quyền xây dựng đường vành đai Tân Sơn Nhất-Bình Lợi. Khi chuẩn bị lập văn bản khai nhận di sản để cùng lãnh tiền bồi thường, các anh em của anh Điệp “thất kinh” khi nghe tin người anh cả đã được Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận giao trọn số tiền bồi thường (hơn 600 triệu đồng).
Thì ra để “mình ên” nhận tiền bồi thường, người anh cả của anh Điệp đã đến Phòng Công chứng số 1 TP.HCM lập thủ tục khai nhận di sản và tự nhận mình là người thừa kế duy nhất của người chết. Khi tiếp nhận yêu cầu của người anh cả, Phòng Công chứng số 1 đã có công văn đề nghị UBND phường 4 niêm yết văn bản khai nhận di sản tại phường trong thời hạn 30 ngày và cử một cán bộ liên hệ với UBND phường 4 để hoàn tất thủ tục niêm yết này. Ngày 18-12-2008, sau khi hết hạn niêm yết, Phòng Công chứng số 1 đã chứng nhận văn bản khai nhận di sản cho người anh cả.
Kế tiếp, bằng văn bản khai nhận di sản đã được công chứng trên, người anh cả đã liên hệ với Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp làm thủ tục sang tên đối với căn nhà trên. Sau khi được UBND quận Gò Vấp cấp “giấy hồng” công nhận được quyền sở hữu riêng căn nhà, người anh cả đã liên hệ với Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận để nhận tiền bồi thường.
Lỗi của ai?
Theo anh Điệp thì người cán bộ phường đã làm việc với cán bộ Phòng Công chứng số 1 về việc niêm yết văn bản khai nhận di sản cũng chính là người trực tiếp tham gia hòa giải tranh chấp giữa các anh em của anh, tức biết rõ mười mươi người anh cả đã khai trình không đúng sự thật. Vậy sao vẫn xác nhận?
PV Báo Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với UBND phường 4, quận Gò Vấp để xác minh thực hư. Thật bất ngờ khi nơi này cho biết “UBND phường không nhận được công văn của Phòng Công chứng số 1 và chưa hề thực hiện việc niêm yết công khai tại phường về căn nhà nêu trên”.
Ông Thân Trọng Minh, Chủ tịch UBND phường 4, cho biết: “Đối với trường hợp tranh chấp thừa kế của gia đình anh Điệp, phường đã hòa giải nhưng không thành. Nếu nhận được công văn đề nghị niêm yết, dứt khoát chúng tôi sẽ yêu cầu Phòng Công chứng số 1 từ chối làm thủ tục khai nhận di sản cho người anh cả”. Về thông tin “biên bản niêm yết có chữ ký xác nhận của cán bộ tư pháp phường”, ông Minh thẳng thắn: “Cán bộ trên đã qua mặt UBND phường khi tự ý ký xác nhận biên bản niêm yết. Đây là hành vi sai phạm của cá nhân người cán bộ. Sắp tới, lãnh đạo UBND phường sẽ xem xét, xử lý sai phạm này”. Cũng theo ông Minh, Phòng Công chứng số 1 có một phần trách nhiệm trong vụ việc khi vô tư chấp nhận chữ ký của người không có thẩm quyền ở phường để làm căn cứ giải quyết hồ sơ khai nhận di sản.
Tuy nhiên, ông Từ Dương Tuấn, Phó phòng Công chứng số 1, lại cho rằng: “Pháp luật không quy định biên bản niêm yết phải được tổ chức đóng dấu xác nhận nên Phòng không có lý do gì để từ chối biên bản niêm yết chỉ có chữ ký của cán bộ tư pháp”.
Nhiều ý kiến cho rằng tại thời điểm này thì các anh chị em anh Điệp chỉ còn cách khởi kiện người anh cả để đòi lại số tiền bồi thường nêu trên. Nhưng rõ ràng là nếu ngay từ đầu cán bộ tư pháp phường và Phòng Công chứng số 1 xử lý chặt chẽ hồ sơ khai nhận di sản của người anh này thì các rắc rối đã không xảy ra.