I. Những quy định chung về thừa kế
Bộ luật Dân sự (BLDS) dành 15 điều (từ Điều 634 đến Điều 648 ) quy định những nguyên tắc chung về thừa kế. Đây là những quy định áp dụng cho cả hai trình tự thừa kế: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật . Nghiên cứu các quy phạm pháp luật cũng như quá trình áp dụng trong thực tiễn, chúng tôi nhận thấy cần phải làm rõ, bổ sung những điểm sau:
1. Người thừa kế
Pháp luật dân sự ghi nhận quyền thừa kế của cá nhân, tổ chức. Điều 638 BLDS quy định: ” 1. Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.
2. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức, thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế ” .
Tất nhiên, người thừa kế theo pháp luật chỉ có thể là cá nhân, còn người thừa kế theo di chúc có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Vấn đề đặt ra cần làm rõ là:
Thứ nhất: Hiểu như thế nào về ” người còn sống vào thời điểm mở thừa kế “, đặc biệt trong trường hợp những người thừa kế chết mà không xác định được ai chết trước, ai chết sau. Thực tế chỉ ra rằng, có nhiều trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau chết cách nhau một khoảng thời gian rất ngắn, vụ việc tranh chấp thừa kế một thời gian dài sau đó mới phát sinh, do vậy việc xác minh thời điểm chết của từng người rất khó khăn, tạo phức tạp trong quá trình giải quyết vụ án (có lẽ, trong những trường hợp này, căn cứ pháp lý duy nhất có thể tin cậy được là giấy chứng tử, nhưng trong nhiều trường hợp giấy chứng tử lại không ghi cụ thể giờ, phút chết của cá nhân).
Điều 644 BLDS quy định: trong trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết trong cùng một thời điểm hoặc được coi là chết trong cùng một thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước, thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng. Quy định này xuất phát từ nguyên tắc: nghĩa vụ cung cấp chứng cứ thuộc về các đương sự. Trong cùng nội dung này, luật dân sự Pháp lại áp dụng nguyên tắc suy đoán pháp lý: ” Đối với những người dưới 15 tuổi thì người nhiều tuổi hơn được suy đoán là chết sau; trên 60 tuổi thì người ít tuổi hơn được suy đoán là chết sau; nếu đàn ông và đàn bà không chênh nhau quá 3 tuổi thì đàn ông được suy đoán là chết sau đàn bà “. Chúng tôi cho rằng, đây cũng là một nguyên tắc cần xem xét, nghiên cứu khi sửa đổi BLDS.
Thứ hai: Điều luật cho phép người đã thành thai trước thời điểm mở thừa kế nhưng sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế vẫn có quyền thừa kế tài sản. Vấn đề ở chỗ: trường hợp nào được coi là sinh ra và còn sống? Đứa trẻ ra đời có thể chỉ sống được 30 phút, 01 giờ, 7giờ, 24 giờ, 7 ngày… sau đó mới chết. Việc xác định khi nào đứa trẻ đó được coi là người thừa kế có ảnh hưởng rất lớn đối với kỷ phần thừa kế của những người khác.
Điều luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này nên có nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng. Theo chúng tôi, nên vận dụng quy định của Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 về đăng ký hộ tịch: đứa trẻ sinh ra và còn sống được 24 giờ rồi chết thì phải khai sinh và khai tử để từ đó xác định khoảng thời gian được coi là sinh ra và còn sống của đứa trẻ (24 giờ). Tuy nhiên, điều này cũng cần được ghi nhận rõ ngay trong BLDS.
Thứ ba: Quyền thừa kế của các tổ chức (pháp nhân) đã sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản.
- Theo quy định của pháp luật dân sự, các pháp nhân cùng loại có thể bị chấm dứt khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách. Nhưng trong những trường hợp này, pháp nhân không chấm dứt tuyệt đối mà quyền và nghĩa vụ của nó được chuyển giao cho các pháp nhân khác. Vậy những pháp nhân này có được thừa kế không?
- Pháp nhân cũng có thể bị chấm dứt theo quy định về giải thể hoặc phá sản. Khi này, pháp nhân chấm dứt “tuyệt đối”. Sau khi pháp nhân chấm dứt, một thời gian sau mới phát sinh vụ việc tranh chấp thừa kế mà pháp nhân đó được chỉ định là người thừa kế và tại thời điểm mở thừa kế pháp nhân chưa bị giải thể hoặc phá sản thì ai, cơ quan nào sẽ thay mặt pháp nhân để nhận di sản hay khi này tài sản được coi là tài sản vô chủ và thuộc về nhà nước?
- Mặt khác, theo quy định của pháp luật dân sự, pháp nhân đã bị giải thể, bị tuyên bố phá sản có thể được thành lập lại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy, trường hợp pháp nhân đó bị giải thể, bị tuyên bố phá sản trước thời điểm mở thừa kế, nhưng sau thời điểm mở thừa kế lại được thành lập lại thì pháp nhân đó có được quyền thừa kế di sản không?
2. Từ chối nhận di sản
Điều 645 BLDS quy định: ” 1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.
2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, Công chứng nhà nước hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.
3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế “.
Điều luật dành cho người thừa kế một quyền năng quan trọng: quyền từ chối nhận di sản. Về hình thức, việc từ chối phải lập thành văn bản, phải thông báo cho một số chủ thể có liên quan. Quy định này đặt ra một số vấn đề:
Thứ nhất: trong trường hợp người thừa kế vì những lý do khác nhau (không nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản) mà từ chối nhận di sản, nhưng việc từ chối này chỉ bằng lời nói. Khi phân chia di sản thừa kế, họ nhất quyết không nhận phần thừa kế của mình thì giải quyết như thế nào? Có hai phương án lựa chọn:
- Phương án 1: dùng kỷ phần thừa kế đó tiếp tục chia đều cho những người thừa kế còn lại (cùng hàng thừa kế của người để lại di sản).
- Phương án 2: coi đây là một trường hợp từ bỏ quyền sở hữu, kỷ phần thừa kế đó là tài sản vô chủ và thuộc về nhà nước. Chúng tôi cho rằng: hợp lý hơn và cũng dễ chấp nhận hơn là lựa chọn phương án 1.
Thứ hai: điều luật quy định người từ chối nhận di sản phải thông báo cho một số người, cơ quan có liên quan. Vậy trong trường hợp người từ chối nhận di sản đã thông báo nhưng không thông báo đủ cho những người này (Ví dụ: chỉ thông báo cho những người thừa kế, không thông báo cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi mở thừa kế…), sau đó người này lại thay đổi ý kiến, yêu cầu được nhận di sản thừa kế thì có cho phép hay không? BLDS cũng chưa quy định cụ thể vấn đề này.
Thứ ba: điều luật quy định thời hạn từ chối là 6 tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Như vậy, theo tinh thần của điều luật, nếu người thừa kế từ chối nhận di sản sau thời hạn trên thì không chấp nhận việc từ chối đó. Vậy hậu quả pháp lý đối với phần thừa kế của người đó được giải quyết như thế nào trong trường hợp họ nhất quyết từ chối nhận di sản? Thêm nữa, trường hợp người thừa kế từ chối nhận di sản đúng thời hạn trên, nhưng sau đó họ lại thay đổi ý kiến, xin nhận di sản thì giải quyết như thế nào, chấp nhận hay không chấp nhận cho họ nhận di sản? Đây là những vấn đề hết sức bức thiết cần phải sửa đổi, bổ sung trong BLDS. Quan điểm của chúng tôi là: trong trường hợp di sản chưa chia thì cho phép người từ chối nhận di sản có quyền thay đổi ý kiến; trường hợp di sản đã phân chia thì để bảo vệ quyền lợi cho những người thừa kế khác, thúc đẩy quan hệ dân sự phát triển, thì không cho phép người đã từ chối nhận di sản thay đổi ý kiến.
3. Về thời hiệu khởi kiện
” Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế ” 2 . Trong thực tiễn, khi áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này, nếu không có hướng dẫn cụ thể sẽ tạo tình trạng áp dụng không thống nhất khi xét xử các vụ án tranh chấp về thừa kế, đặc biệt là thừa kế quyền sử dụng đất.
Điều 165 BLDS quy định: ” thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu “. Do đó, quy định này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.
Ví dụ: ông A chết hồi 15h00? ngày 1/1/1992. Vậy thời hiệu khởi kiện được tính như thế nào? Có 2 cách xác định như sau:
Cách thứ nhất: thời hiệu khởi kiện được xác định từ 0h00? ngày 2/1/1992 3 và kết thúc vào 24h00? ngày 2/1/2002 (ngày 2/1/1992 là ngày đầu tiên tiếp sau ngày xảy ra sự kiện ông A chết). Như vậy trong trường hợp này, thời điểm mở thừa kế được tính lùi là 0h00? ngày 2/1/1992. Nếu vậy, những người thừa kế của ông A chết sau 15h00? ngày 1/1/1992 đến trước 0h00? ngày 2/1/1992 đều không có quyền hưởng di sản của ông A vì không bị coi là chết trong cùng một thời điểm.
Cách thứ hai: Thời hiệu khởi kiện quyền thừa kế được xác định theo giờ người để lại di sản chết.
Ví dụ: ông A chết hồi 15h00? ngày 1/1/1992, thời hiệu khởi kiện được xác định bắt đầu từ 15h00? ngày 1/1/1992 và kết thúc vào 24h00 ngày 1/2/2002.
Cách xác định này dẫn đến hệ quả: những người chết trước 15h00? ngày 1/1/1992 hoặc chết cùng thời điểm đó không phải là người thừa kế của người để lại di sản, nếu chết sau 15h00? ngày 1/1/1992, thậm chí chết sau chỉ một thời gian ngắn vẫn là người thừa kế của người để lại di sản.
Cách xác định này phù hợp với quy định tại Điều 648 BLDS, bảo vệ được quyền lợi của những người chết sau người để lại di sản trong một khoảng thời gian ngắn (thậm chí chỉ 5-7 phút), nhưng như vậy thì hiểu tinh thần của Điều 165 như thế nào?
Theo chúng tôi, để phù hợp hơn, cần thiết phải dung hoà hai cách hiểu này: Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế sẽ được tính bắt đầu từ thời điểm bắt đầu của ngày tiếp theo ngày xảy ra sự kiện người để lại di sản chết và do đó, thời điểm kết thúc là thời điểm kết thúc ngày tương ứng 10 năm sau (như cách tính thứ nhất). Tuy nhiên, phải hiểu thời điểm mở thừa kế là thời điểm được xác định bằng giờ người để lại di sản chết, tại thời điểm đó xác định người thừa kế, di sản của người chết… để bảo vệ quyền lợi của những người thừa kế.
II. Thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế thế vị
Chúng tôi thừa nhận rằng: di sản của người chết sẽ vô nghĩa khi nó không được truyền lại cho những người khác và càng vô nghĩa hơn khi nó được chuyển từ người chết này sang cho người chết khác. Vì lẽ đó, pháp luật quy định: ” người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết ”.
Điều 680 BLDS quy định: ” Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản của cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống “.
Luật thực định chỉ nói đến quyền lợi của cháu và chắt. Có lẽ các nhà làm luật thấy rằng việc quy định quyền thừa kế của chút, chít hoặc của các cháu trực hệ thấp hơn là hiếm xảy ra và không có giá trị thực tiễn.
Khi xem xét và nghiên cứu thừa kế thế vị, cụ thể thông qua Điều 680 BLDS, cần thống nhất một số nguyên tắc sau:
Thứ nhất: thừa kế thế vị chỉ áp dụng cho thừa kế theo pháp luật, không áp dụng cho thừa kế theo di chúc.
Thứ hai: thừa kế thế vị chỉ áp dụng cho trường hợp con cháu trực hệ chết trước. Việc áp dụng chế định này sẽ bị loại trừ nếu con còn sống nhưng từ chối nhận di sản hoặc không có quyền hưởng di sản.
Thứ ba: những người thế vị chỉ được hưởng phần mà người được thế vị hưởng nếu còn sống.
Thứ tư: người con chết trước người để lại di sản phải là người có quyền hưởng di sản. Nếu họ là người không có quyền hưởng di sản theo Khoản 1, Điều 646 thì dù chết trước người để lại di sản, con hoặc cháu của người đó không được thế vị họ để hưởng phần di sản.
Thứ năm: Người thừa kế thế vị chỉ có thể hưởng di sản nếu không ở trong tình trạng không có quyền hưởng di sản của người được thế vị và không từ chối nhận di sản của người này.
Thừa kế thế vị không phải là một vấn đề mới mẻ trong pháp luật thừa kế thế giới nói chung và pháp luật thừa kế Việt Nam nói riêng. Vấn đề này còn nhiều điều đáng bàn, trong bài viết này, chúng tôi xin nêu một kiến nghị sửa đổi, bổ sung là: Cần làm rõ trường hợp những người có quyền hưởng thừa kế di sản của nhau mà chết cùng thời điểm thì cháu, chắt của họ có được quyền thừa kế thế vị hay không? Vấn đề này có nhiều cách hiểu khác nhau. Có quan điểm cho rằng BLDS đã quy định thừa kế thế vị trong trường hợp con, cháu của người để lại di sản chết trước người để lại di sản thì đương nhiên trong trường hợp chết cùng cũng được hưởng vì khái niệm chết trước ” bao trùm, rộng hơn ” khái niệm chết cùng. Nhưng cũng có nhiều quan điểm cho rằng việc thừa kế thế vị chỉ áp dụng đối với trường hợp con, cháu của người để lại di sản chết trước người để lại di sản; đối với con, cháu của người để lại di sản chết cùng thời điểm với người để lại di sản thì không đặt ra vấn đề thế vị (theo đúng câu chữ của điều luật). Do có nhiều cách hiểu khác nhau nên việc áp dụng pháp luật không được thống nhất trong việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế.
Theo chúng tôi, BLDS nên quy định rõ hơn giống như Điều 597 Dự thảo thứ 12 BLDS đã ghi trước đây, tức là: ghi nhận ” chết cùng thời điểm ” vào trong thừa kế thế vị.
2. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế
Điều 682 BLDS quy định: ” Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con, thì được thừa kế di sản của nhau… “. Như vậy, để được quyền thừa kế di sản giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế thì pháp luật quy định họ phải có quan hệ chăm sóc nhau như cha con, mẹ con. Vấn đề ở chỗ, hiểu như thế nào là chăm sóc như cha con, mẹ con? Quy định này rất chung, nên trong thực tiễn áp dụng nhiều khi rất khác nhau. Có trường hợp cho hưởng thừa kế, có trường hợp trích công sức chăm sóc, nuôi dưỡng cho họ, có trường hợp không cho hưởng thừa kế vì không coi như con hoặc không nhìn nhận như cha, mẹ. Điều đó là do không thống nhất về căn cứ đánh giá: thời gian nuôi dưỡng; mức độ nuôi dưỡng, chăm sóc như thế nào; quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng một chiều thì có được xem là như cha con, mẹ con để hưởng thừa kế không…
Ví dụ: trường hợp người con riêng đi làm xa chỉ thỉnh thoảng gửi tiền về cho bố dượng, mẹ kế thì họ có được xem là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con, mẹ con không và có được hưởng thừa kế không?… Trong thời gian tới, khi sửa đổi BLDS, nhất thiết chúng ta phải tính đến các tiêu chí này.
III. Hạn chế phân chia di sản
Theo quy định của BLDS (Điều 689), di sản có thể bị hạn chế phân chia trong một khoảng thời giannhất định trong hai trường hợp sau:
Thứ nhất: theo ý chí của người lập di chúc.
Thứ hai: theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế. Việc quy định như vậy chưa được phù hợp với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Khoản 3, Điều 31 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định về quyền thừa kế tài sản của vợ chồng: ” trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Toà án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định; nếu hết thời hạn do Toà án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Toà án cho chia di sản thừa kế “. Do vậy, để thống nhất giữa các văn bản pháp luật, bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ thừa kế, chúng tôi cho rằng cần phải viết lại Điều 689 như sau: ” Trong trường hợp theo ý chí của người lập di chúc; theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế hoặc theo quy định của pháp luật, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định, thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia “./.
Ths. Nguyễn Văn Manh – Khoa luật, trường Đại học Quốc gia Hà Nội