Bộ luật dân sự (“BLDS”) mới được Quốc Hội thông qua ngày 24/11/2015 có hiệu lực vào ngày 1/1/2017 nhằm thay thế cho BLDS năm 2005. BLDS 2015 có nhiều sửa đổi so với BLDS 2005, trong đó có thời hiệu liên quan đến thừa kế.
Nếu như BLDS 2005 (và trước đó là BLDS 1995) quy định “thời hiệu khởi kiện về thừa kế”với nội dung chủ yếu là quy định thời hạn để người thừa kế khởi kiện ra Tòa án thì BLDS 2015 đã sửa đổi theo hướng khái quát hơn. Cụ thể, Điều 623 BLDS 2015 có tiêu đề là “thời hiệu thừa kế” mà không có tiêu đề “thời hiệu khởi kiện” như trước đây vì nội dung của điều luật không chỉ đề cập đến thời hiệu yêu cầu chia di sản (khởi kiện hoặc không) mà còn có quy định về thời hiệu hưởng quyền đối với di sản (để giải quyết hệ quả khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản).
Thời hiệu thừa kế tại điều luật trên bao gồm thời hiệu yêu cầu chia di sản; thời hiệu yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác, thời hiệu yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người quá cố để lại. BLDS 2015 có sự thay đổi lớn so với quy BLDS 2005 về thời hiệu yêu cầu chia di sản, còn các thời hiệu khác về cơ bản không thay đổi. Vì vậy, chúng tôi tập trung vào làm rõ những điểm mới của BLDS 2015 về thời hiệu yêu cầu chia di sản so với BLDS 2005, bao gồm hai vấn đề chính là: (I) những điểm mới và (II) việc áp dụng thời hiệu yêu cầu phân chia di sản theo BLDS 2015.
I. Những điểm mới về thời hiệu yêu cầu chia di sản
luat su hinh su
1) Kéo dài thời hiệu đối với di sản là bất động sản
Nhược điểm của BLDS 2005: Điều 645 BLDS 2005 quy định thời hiệu yêu cầu Tòa án chia di sản là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Quy định này được áp dụng chung cho mọi loại tài sản là di sản do người chết để lại. Việc quy định thời hạn 10 năm để yêu cầu chia di sản có nhiều bất cập:
Thứ nhất , việc áp đặt thời hiệu 10 năm buộc những người thừa kế phải chia di sản trong thời hạn này nếu muốn được sự bảo trợ của tòa án. Đây là điểm bất thường của pháp luật Việt Nam vì di sản thực chất là tài sản chung của những người thừa kế và vì đã là tài sản chung của những người thừa kế thì không có lý do gì buộc họ phải chia nếu họ không muốn.
luật sư hình sự
Thứ hai , với thời hạn 10 năm này, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản được đánh giá là quá ngắn. Bởi lẽ, phong tục, truyền thống của người Việt Nam thường không chia di sản ngay mà thời gian lâu sau mới có nhu cầu phân chia, nên dẫn đến rất nhiều tranh chấp phân chia di sản trong thực tiễn hết thời hiệu khởi kiện, đặc biệt là tranh chấp liên quan đến di sản là quyền sử dụng đất và nhà ở.
Sự thay đổi trong BLDS 2015 : Trước hai loại bất cập trên đã hình thành hai luồng quan điểm là bỏ quy định về thời hiệu yêu cầu chia di sản hoặc kéo dài thời hiệu. Cuối cùng, BLDS 2015 đã theo phương án thứ hai. Cụ thể, Điều 623 BLDS 2015 quy định “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế” . Ở đây, BLDS 2015 vẫn duy trì tư duy của các Bộ luật trước là cần có thời hiệu đối với yêu cầu chia di sản. Điểm mới của BLDS 2015 là đã chia khối di sản thành hai phần là động sản và bất động sản để xác định thời hiệu. Đối với động sản, so với BLDS 2005, BLDS 2015 không có sự thay đổi là vẫn áp dụng thời hiệu 10 năm, còn đối với di sản là bất động sản, BLDS 2015 đã kéo dài thời hiệu từ 10 năm thành 30 năm.
Tác động của sự thay đổi : Điểm tích cực của BLDS 2015 là kéo dài thời hiệu đối với bất động sản. Đây là điểm tích cực vì tạo cơ hội cho người thừa kế có thể khởi kiện nhờ Tòa án giải quyết tranh chấp về phân chia di sản trong thời hạn được dài hơn. Tuy nhiên, hướng của quy định mới cũng còn nhược điểm.
van phong luat su
Thứ nhất , vẫn như BLDS 2005, BLDS 2015 duy trì thời hiệu yêu cầu chia di sản nên những bất cập từ việc áp đặt thời hiệu yêu cầu chia di sản trong một thời hạn nhất định vẫn tồn tại. Cụ thể, với quy định áp đặt thời hiệu yêu cầu chia di sản, chúng ta vẫn buộc những người thừa kế phải phân chia di sản trong một thời gian nhất định nên hạn chế quyền sở hữu tài sản và quyền thừa kế được Hiến pháp bảo hộ208 . Suy cho cùng thì di sản thừa kế cũng chính là tài sản chung của những người thừa kế kể từ thời điểm mở thừa kế. Và do vậy, việc áp đặt thời hiệu cho yêu cầu chia di sản còn mâu thuẫn với quy định của chính BLDS 2015 về quản lý (Điều 216), sử dụng (Điều 217), định đoạt (Điều 218) và chia tài sản chung (Điều 219) khi không tồn tại quy định nào trong BLDS 2015 buộc các chủ sở hữu tài sản chung phải phân chia tài sản chung trong một thời hạn nhất định.
Thứ hai , việc phân chia tài sản là động sản hay bất động sản không xa lạ ở Việt Nam cũng như thế giới nhưng phân biệt như vậy để xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản quả thực là bất thường và chắc chắn trong tương lai sẽ làm phát sinh tranh chấp về tài sản nào là động sản, tài sản nào là bất động sản. Việc phân loại thời hiệu theo loại tài sản còn làm phát sinh một bất cập mới, không tồn tại trong BLDS 2005. Đó là người thừa kế có thể phải chia di sản thành hai lần, vì tình huống có thể phát sinh là những người thừa kế chưa muốn chia di sản là bất động sản ngay, nhưng họ vẫn phải tiến hành chia di sản là động sản trước vì thời hiệu ngắn hơn và kết thúc trước (10 năm), sau đó họ mới tiến hành chia di sản là bất động sản. Cách quy định này bề ngoài tưởng chừng phù hợp vì phân loại thời hiệu theo giá trị và sự phức tạp của tài sản, nhưng thực ra lại bất hợp lý vì gây ra tình huống không cần thiết trong việc phân chia di sản, khi cùng một khối di sản nhưng thời điểm phân chia phải diễn ra hai lần và thời gian có thể cách xa nhau.
văn phòng luật sư
2) Hệ quả của hết thời hiệu yêu cầu chia disản
Phân biệt các trường hợp: Vì BLDS 2015 vẫn giữ tư tưởng là có thời hiệu yêu cầu chia di sản nên vấn đề hệ quả của hết thời hiệu được đặt ra.
Khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản, người thừa kế mất quyền yêu cầu Tòa án chia di sản. Vấn đề tiếp theo là số phận di sản hết thời hiệu được xử lý như thế nào? Một điểm mới nổi bật của BLDS 2015 so với BLDS 2005 là bổ sung quy định giải quyết hệ quả khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản. Cụ thể, trong BLDS 2005 (và cả BLDS 1995 trước đây) đều chỉ quy định về thời hạn để khởi kiện yêu cầu phân chia di sản, nhưng lại không có quy định nào giải quyết hệ quả pháp lý phát sinh khi hết thời hiệu.
cong ty luat
Về phía mình, BLDS 2015 xử lý hệ quả của hết thời hiệu bằng cách phân biệt các trường hợp: Khi hết thời hiệu có người thừa kế đang quản lý di sản và khi hết thời hiệu không có người thừa kế đang quản lý di sản (trong trường hợp này, còn phân biệt trường hợp có người chiếm hữu hay không)
Có người thừa kế quản lý di sản-Văn bản không rõ : Sau khi áp đặt thời hiệu yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản, khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 khẳng định “hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”. Quy định này có vẻ đã đưa ra hướng giải quyết, khắc phục được thiếu sót của BLDS 2005 khi cho biết di sản hết thời hiệu được xử lý như thế nào. Tuy nhiên, nội dung của quy định không giải quyết được triệt để vấn đề.
công ty luật
Quy định mới không nêu di sản “thuộc quyền sở hữu” của người thừa kế đang quản lý di sản mà chỉ nêu đơn thuần là di sản “thuộc về người thừa kế đang quản lý”. Có thể hiểu di sản đã thuộc quyền sở hữu của người thừa kế đang quản lý di sản không? Khi chỉnh lý Dự thảo trước khi Quốc hội thông qua, vấn đề này được đặt ra nhưng không ai có được câu trả lời thuyết phục. Có hai lý do cho phép hiểu rằng bản thân việc hết thời hiệu yêu cầu chia di sản chưa đủ để người thừa kế đang quản lý di sản trở thành chủ sở hữu toàn bộ di sản (nếu có nhiều người thừa kế). Thứ nhất , nếu cho rằng di sản đã thuộc quyền sở hữu của người thừa kế đang quản lý di sản thì chúng ta buộc phải cho rằng những người thừa kế khác không còn quyền đối với di sản nữa và điều này trái với khoản 2 Điều 9 BLDS 2015 theo đó “việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền”. Thứ hai , nếu cho rằng di sản đã thuộc quyền sở hữu của riêng người thừa kế đang quản lý di sản thì cũng mâu thuẫn với Điều 623 nêu trên vì chính điều luật này đã dùng từ “thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu” khi bàn về người quản lý không là người thừa kế tại điểm a khoản 1 (đương nhiên là phải đáp ứng các điều kiện của thời hiệu hưởng quyền nêu tại Điều 236 BLDS 2015) và không dùng thuật ngữ tương tự cho người thừa kế mà chỉ dùng từ “thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản”.
Như vậy, quy định trên không cho phép khẳng định khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thì di sản “thuộc quyền sở hữu” của người thừa kế đang quản lý di sản và còn bỏ ngỏ ở câu hỏi người thừa kế đang quản lý di sản có những quyền năng gì đối với di sản hết thời hiệu.
Có người thừa kế quản lý di sản-Hướng xử lý : Đối với trường hợp đang nghiên cứu, chúng ta nên phân biệt hai hoàn cảnh:
Thứ nhất , người thừa kế đang quản lý di sản đáp ứng đủ điều kiện của thời hiệu hưởng quyền thì trở thành chủ sở hữu tài sản (trước đây di sản là tài sản chung của những người thừa kế và nay trở thành tài sản riêng của người thừa kế đang quản lý di sản). Cụ thể, theo Điều 236 BLDS 2015, “người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu” (quy định này đã tồn tại trong BLDS 2005 tại Điều 247). Các điều kiện này rất khó được đáp ứng đối với người thừa kế, thực tiễn xét xử từ trước đến nay mà chúng tôi biết chưa có trường hợp nào cho thấy người thừa kế đáp ứng các điều kiện của thời hiệu hưởng quyền nêu trên (có trường hợp Tòa án địa phương cho rằng đáp ứng thời hiệu hưởng quyền nhưng Tòa giám đốc thẩm đã cho rằng không có căn cứ). Điều kiện này càng khó được đáp ứng khi khái niệm “chiếm hữu” đã không còn là “nắm giữ, quản lý tài sản” như BLDS 2005 (Điều 182) mà phải là “việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản” (khoản 1 Điều 179 BLDS 2015): Nếu chỉ nắm giữ, chi phối mà không với tư cách là nắm giữ, chi phối như một chủ sở hữu đối với toàn bộ di sản thì sẽ không thuộc trường hợp chiếm hữu của quy định trên nên không thể trở thành chủ sở hữu tài sản theo thời hiệu hưởng quyền (người thừa kế thường chỉ nắm giữ, chi phối di sản như người quản lý đơn thuần thay cho những người thừa kế khác).
luat su tranh tung
Thứ hai , người thừa kế đang quản lý di sản không đáp ứng đủ điều kiện của thời hiệu hưởng quyền của Điều 236 BLDS 2015 thì không trở thành chủ sở hữu tài sản. Lúc này tình trạng của người thừa kế cần được xử lý giống như khi áp dụng các BLDS trước đây: Khi di sản hết thời hiệu khởi kiện phân chia thì Tòa án nhân dân tối cao đã theo hướng giao cho người thừa kế đang quản lý tiếp tục quản lý di sản.
Không có người thừa kế quản lý di sản-Có người chiếm hữu : Ngoài điểm mới nêu trên, BLDS 2015 còn có quy định đối với trường hợp di sản không có người thừa kế quản lý khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản.
Cụ thể, kế tiếp quy định được phân tích ở trên, khoản 1 Điều 623 cho rằng “trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau: a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”. Ở đây, điều luật viện dẫn đến quy định về thời hiệu hưởng quyền tại Điều 236 và, như vậy, người đang quản lý di sản mà không phải là người thừa kế chỉ có thể được hưởng quyền theo thời hiệu (xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu) khi không chỉ thỏa mãn điều kiện về mặt thời gian (10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản) mà còn phải thỏa mãn các điều kiện còn lại của Điều 236 (xem đoạn sau) thì mới xứng đáng được sở hữu tài sản. So với BLDS 2005, quy định trên chưa tồn tại, tức là mới. Tuy nhiên, xét về nội dung thì hướng giải quyết trên không mới. Bỡi lẽ, trước đây chúng ta có quy định về thời hiệu hưởng quyền ở Điều 247 và điều luật này áp dụng chung cho mọi trường hợp chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nên cũng được áp dụng cho trường hợp chủ thể không là người thừa kế chiếm hữu tài sản là di sản không có căn cứ pháp luật. Nếu quy định trên được coi là mới thì có lẽ là vì nó chưa tồn tại trong BLDS 2005 nhưng nội hàm của nó cũng chỉ là viện dẫn tới quy định về thời hiệu hưởng quyền mà thôi.
luật sư tranh tụng
Để hưởng quyền theo thời hiệu nêu trên, người quản lý di sản phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Thứ nhất , họ phải là người “người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật” đối với di sản, tức “việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại Điều 183 của Bộ luật này” (Điều 189 BLDS 2005) hay “việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều” 165 BLDS 2015 (khoản 2 Điều 165 BLDS 2015); thứ hai , họ là “người ngay tình”, tức “là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật” (Điều 189 BLDS 2005) hay “là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu” (Điều 180 BLDS 2015); thứ ba, việc chiếm hữu của họ là “công khai”, tức “thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình” (Điều 191 BLDS 2005) hay “là việc chiếm hữu được thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình” (khoản 1 Điều 183 BLDS 2015); thứ tư , việc chiếm hữu phải “liên tục”, tức “việc chiếm hữu tài sản được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về tài sản đó” (Điều 190 BLDS 2005) hay “là việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu” (khoản 1 Điều 182 BLDS 2015); và thứ năm , việc chiếm hữu như vừa nêu phải “trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản”. Ngoài ra, người chiếm hữu còn phải không thuộc trường hợp là người được ủy quyền quản lý tài sản hay người được giao tài sản thông qua giao dịch (nếu thuộc trường hợp này thì không được hưởng quyền theo thời hiệu).
Không có người thừa kế quản lý di sản-Không có người chiếm hữu : Kế tiếp điểm a trên, điểm b khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 khẳng định “ di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này ”. Như vậy, giải pháp cuối cùng là di sản thuộc về Nhà nước. Tuy nhiên, để di sản thuộc về Nhà nước thì phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Để hiểu rõ hơn, chúng ta lấy ví dụ sau (ví dụ thứ nhất):A lấy trộm tài sản (động sản quý) của B và sau đó B chết. A biết tài sản không là của mình nên sử dụng không minh bạch (như là một kẻ ăn trộm, chứ không như là chủ sở hữu tài sản).
Ở đây, di sản không do người thừa kế quản lý. Theo quy định trên, A chỉ trở thành chủ sở hữu tài sản lấy của B khi “đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”. Để đạt được điều kiện trên, A ít nhất phải là người “đang chiếm hữu” tài sản. Liệu A có là người chiếm hữu theo quy định của BLDS 2015 không? Theo khoản 1 Điều 179 BLDS 2015, “chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản”. Với quy định này, bản thân việc “nắm giữ, chi phối tài sản” không đủ mà người nắm giữ, chi phối tài sản phải làm việc này “như chủ thể có quyền đối với tài sản”. Trong tình huống trên, A nắm giữ, chi phối tài sản như một người ăn trộm chứ không như một người có quyền sở hữu đối với tài sản nên không là người chiếm hữu theo quy định trên. Và do đó, di sản thuộc về Nhà nước.
Ví dụ trên cho thấy việc sửa đổi như BLDS 2015 có điểm chưa thuyết phục (trong suốt quá trình sửa đổi BLDS, chúng tôi theo hướng không có thời hiệu yêu cầu chia di sản nên không làm phát sinh những hệ quả của hết thời hiệu như chúng ta đang phân tích). Cụ thể, trong ví dụ trên, di sản của B dù không do người thừa kế quản lý nhưng khi hết thời hiệu 10 năm những người thừa kế của B biết thì không có lý do gì mà cấm những người thừa kế kiện đòi tài sản (vẫn còn khả năng khởi kiện tại Tòa án)và khi kiện đòi tài sản thành công thì vẫn là di sản của B chưa chia. Tại sao trong trường hợp trên lại quy định theo hướng di sản thuộc về Nhà nước? Câu hỏi không có câu trả lời thuyết phục.
II. Áp dụng quy định mới về thời hiệu yêu cầu chia di sản
Các quy định mới về thời hiệu yêu cầu chia di sản trên được áp dụng cho những trường hợp thừa kế nào? Có áp dụng cho những trường hợp mà thời điểm mở thừa kế trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực không?
Tòa án có được áp dụng các quy định về thời hiệu trên khi không được bên nào trong tranh chấp yêu cầu không? Nếu một hay các bên trong tranh chấp yêu cầu áp dụng các quy định về thời hiệu yêu cầu chia di sản thì họ được yêu cầu ở thời điểm nào của quá trình tố tụng?
Tòa án sẽ đối mặt với những câu hỏi trên khi áp dụng BLDS 2015 và chúng tôi sẽ làm sáng tỏ các câu hỏi này.
1) Áp dụng cho cả trường hợp mở thừa kế trước ngày 1/1/2017
Từ ngày 1/1/2017 : Theo Điều 689 BLDS 2015, “Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017”.
Do đó, nếu người để lại di sản được xác định là chết trong ngày 1 1 2017 hay sau ngày này thì đương nhiên các quy định mới về thời hiệu trong BLDS 2015 được áp dụng và lúc này thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với bất động sản là 30 năm, thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với động sản là 10 năm kể từ thời điểm người để lại di sản chết.
Nếu người để lại di sản chết trước thời điểm trên (tức trước ngày 1/1/2017), các quy định mới về thời hiệu có được áp dụng không? Để hiểu rõ hơn, chúng ta lấy một ví dụ (ví dụ thứ hai) là A chết vào ngày 1/4/2005 và một trong những người con của A yêu cầu Tòa án chia di sản là bất động sản (do không có sự thống nhất với những người thừa kếkhác).
Trước ngày 1/1/2017 : Nếu áp dụng BLDS 2005, yêu cầu chia di sản trên đã hết thời hiệu sau ngày 1/4/2015. Tuy nhiên, nếu áp dụng BLDS 2015, thời hiệu yêu cầu chia di sản trên vẫn còn vì thời hiệu là 30 năm kể từ ngày 1/4/2005 và thời hiệu chỉ hết sau ngày 1/4/2035. Vậy, có áp dụng BLDS 2015 để giải quyết tình huống vừa nêu (tức chết trước ngày 1 1 2017) không? Đây là câu hỏi rất quan trọng cần có câu trả lời, vì việc còn hay hết thời hiệu ảnh hưởng rất lớn đến quyền, lợi ích của các chủ thể có liên quan.
Khi ban hành BLDS 1995 và BLDS 2005, Quốc hội có ban hành Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật dân sự. Khi thông qua BLDS 2015, Quốc hội không ban hành Nghị quyết áp dụng nhưng có điều luật về Điều khoản chuyển tiếp. Đó là Điều 688 và trong điều luật này có quy định về thời hiệu rất đáng quan tâm. Cụ thể, theo điểm d khoản 1 Điều 688, “đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”. Quy định này áp dụng cho “giao dịch dân sự” được xác lập trước ngày 1 1 2017 nhưng thừa kế có được hiểu là “giao dịch dân sự” trong quy định vừa nêu không? Nếu là thừa kế theo di chúc thì đương nhiên là thừa kế theo giao dịch dân sự vì di chúc là một giao dịch dân sự nên quy định về thời hiệu của BLDS 2015 được áp dụng.
Nếu thừa kế không theo di chúc (tức thừa kế theo pháp luật) thì phải xử lý như thế nào? Trước đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội có ban hành Nghị quyết số 58/1998/NQ - UBTVQH10vàNghịquyếtsố1037/2006/NQ-UBTVQH11 về giao dịch dân sự về nhà ở. Ở cả hai Nghị quyết này đều có quy định về thời hiệu yêu cầu chia di sản và “thừa kế nhà ở” đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết nên “thừa kế nhà ở” đã được coi là giao dịch dân sự. Luật nhà ở năm 2014 cũng coi “thừa kế” nói chung là một dạng giao dịch tại Điều 117. Trong thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao cũng áp dụng quy định về thời hiệu trong Nghị quyết trên cho cả thừa kế về nhà ở mà người để lại di sản không có di chúc (tức thừa kế theo pháp luật). Điều đó có nghĩa là các quy định về thời hiệu áp dụng cho giao dịch dân sự cũng được áp dụng cho thừa kế, cho dù là thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật. Hướng giải quyết này là thuyết phục để có sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật (nếu áp dụng quy định về thời hiệu cho thừa kế theo di chúc mà không áp dụng quy định này cho thừa kế theo pháp luật thì sẽ dẫn tới sự không thống nhất và phát sinh nhiều phức tạp không đáng có). Từ đó, chúng ta có thể khẳng định điểm d khoản 1 Điều 688 nêu trên của BLDS 2015 cũng được áp dụng cho thừa kế, cho dù đó là thừa kế theo pháp luật.
Kể từ ngày 1/1/2017, BLDS 2015 khẳng định “thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này” nên, dựa vào phân tích ở trên, quy định mới về thời hiệu trong BLDS 2015 sẽ áp dụng cho các tranh chấp về yêu cầu chia di sản tại Tòa án từ ngày trên mà không phụ thuộc vào ngày mở thừa kế là ngày nào. Hướng này phù hợp với tinh thần sửa đổi các quy định về thời hiệu vì, khi tiến hành chỉnh lý Dự thảo BLDS tại Quốc hội, tinh thần chung là áp dụng ngay các quy định về thời hiệu (được kéo dài so với BLDS 2005) với chủ trương quy định có lợi cho người dân thì áp dụng ngay. Hướng như vừa nêu là thuyết phục. Bởi lẽ, thời hiệu được sinh ra không chỉ để ổn định các quan hệ pháp luật trong đời sống mà còn có ý nghĩa hỗ trợ cho các chủ thể được thực hiện các quyền của mình do luật định. Nên việc áp dụng hồi tố thời hiệu chia di sản của BLDS 2015 mang lại lợi ích tốt nhất cho các chủ thể có liên quan trong các tranh chấp về chia di sản, tạo cơ hội cho Tòa án giải quyết tranh chấp cũng như có thể xử lý di sản một cách triệt để, không làm cho di sản trong tình trạng hết thời hiệu gây lãng phí cho xã hội.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 688 BLDS 2015 còn quy định “không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực” . Quy định này chỉ cấm áp dụng các quy định mới về thời hiệu trong BLDS 2015 để giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc đã được Tòa án giải quyết. Điều đó có nghĩa là vẫn có thể phúc thẩm bản án sơ thẩm đối với vụ việc đã được Tòa án giải quyết trên cơ sở các quy định mới của BLDS 2015. Với quy định này, trong ví dụ thứ hai ở trên, khi người thừa kế yêu cầu chia di sản của ông A sau ngày 1/1/2017 ở cấp sơ thẩm cũng như ở cấp phúc thẩm thì thời hiệu yêu cầu chia di sản vẫn áp dụng các quy định về thời hiệu trong BLDS 2015 (30 năm đối với di sản là bất động sản).
2) Viện dẫn quy định về thời hiệu yêu cầu chia di sản
Quy định mới: Trong thực tiễn xét xử, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp đương sự không đề cập đến việc hết thời hiệu nhưng cơ quan tố tụng tự viện dẫn quy định về thời hiệu để từ chối giải quyết hay để hủy kết quả xét xử trước đó. Chẳng hạn, tranh chấp đã được Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết và các bên liên quan không đề cập tới việc hết thời hiệu nhưng đến cấp phúc thẩm hay giám đốc thẩm thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hay Chánh án tòa án nhân dân cấp trên kháng nghị hủy án sơ thẩm với lý do hết thời hiệu. Thực trạng vừa nêu là không thuyết phục, làm cho người dân mất đi cơ hội được đảm bảo công lý và thể hiện sự can thiệp quá sâu của cơ quan tố tụng vào các vấn đề dân sự.
Thực trạng trên làm cho pháp luật dân sự Việt Nam quá khác lạ so với thế giới. Theo BLDS Pháp, thẩm phán không thể tự viện dẫn việc hết thời hiệu khởi kiện. Pháp luật của các nước Bỉ, Lúc-xăm-bua, Ý, Tây Ban Nha cũng quy định tương tự. Trong thực tiễn của nước Pháp, Tòa án tối cao Pháp thường xuyên hủy bản án sơ thẩm hay phúc thẩm trong đó thẩm phán tự mình viện dẫn việc mất quyền khởi kiện của một bên trong hợp đồng do hết thời hiệu trong khi không được bên kia của hợp đồng yêu cầu. Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng chỉ cho phép bên có nghĩa vụ của hợp đồng được viện dẫn việc hết thời hiệu. Và Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế khẳng định "việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực nếu ên có nghĩa vụ viện dẫn việc hết thời hiệu như là một biện pháp tự vệ". Như vậy, trong các hệ thống luật nêu trên, việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực khi một bên viện dẫn điều đó như một biện pháp tự vệ và cơ quan tố tụng không được tự viện dẫn việc hết thời hiệu để từ chối quyền yêu cầu của một bên nếu không được bên kia yêu cầu.
Trước sự không thuyết phục của hệ thống pháp luật Việt Nam, từ năm 2006 đã có ý kiến cho rằng “không nên cho phép cơ quan tiến hành tố tụng tự viện dẫn việc mất quyền khởi kiện của một bên khi không được bên kia yêu cầu”. Tuy nhiên, ý kiến này không được phía Chính phủ đưa vào Dự thảo trình ra Quốc hội thông qua khi tiến hành sửa đổi Bộ luật dân sự. Mãi đến thời kỳ chỉnh lý Dự thảo tại Quốc hội, quy định về hạn chế sự can thiệp của cơ quan tố tụng mới được đưa vào Dự thảo. Ngày nay, theo khoản 2 Điều 149 BLDS 2015, “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc”. Đây là quy định rất tiến bộ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho những chủ thể có liên quan. Bởi lẽ, khi kết thúc thời hiệu thì hậu quả pháp lý sẽ phát sinh với một chủ thể nhất định chứ không phải với Tòa án, nên phải để chính chủ thể đó yêu cầu áp dụng hay không áp dụng thời hiệu thì mới công bằng và hợp lý.
Áp dụng cho thừa kế : Quy định trên không cho phép cơ quan tố tụng tự viện dẫn các quy định về thời hiệu. Quy định này đồng thời cũng chỉ cho phép đương sự viện dẫn quy định về hết thời hiệu ở giai đoạn sơ thẩm nên nếu đương sự không yêu cầu áp dụng các quy định về thời hiệu ở cấp sơ thẩm thì không được viện dẫn việc hết thời hiệu ở cấp phúc thẩm hay giám đốc thẩm (quy định này nhằm tránh tình trạng biết hết thời hiệu nhưng một bên không nói ra ở cấp sơ thẩm nhưng khi thua kiện thì lại viện dẫn hết thời hiệu để yêu cầu hủy kết quả xét xử bằng cách yêu cầu phúc thẩm, giám đốc thẩm về hết thời hiệu).
Quy định tại khoản 2 Điều 149 là quy định chung về thời hiệu nên đương nhiên được áp dụng cho thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế. Vận dụng quy định này vào tình huống trong ví dụ thứ hai, chúng ta có các hướng giải quyết sau: Nếu một người thừa kế yêu cầu chia di sản và không ai viện dẫn quy định về hết thời hiệu để cho rằng đã hết thời hiệu mà Tòa án cấp sơ thẩm tự viện dẫn quy định về hết thời hiệu để đình chỉ vụ án thì Tòa án đã vi phạm quy định trên. Tương tự, nếu Tòa sơ thẩm đã giải quyết việc yêu cầu chia di sản và không ai viện dẫn quy định về hết thời hiệu để cho rằng đã hết thời hiệu nhưng Tòa phúc thẩm hay giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm với lý do hết thời hiệu thì Tòa phúc thẩm hay Tòa giám đốc thẩm vi phạm quy định trên. Điều này có nghĩa là Viện trưởng Viện kiểm sát hay Chánh án tòa án nhân cấp cao hơn cũng không thể tự viện dẫn việc hết thời hiệu để kháng nghị đối với bản án sơ thẩm.
Với quy định trên, người thừa kế muốn viện dẫn quy định về thời hiệu thì họ phải viện dẫn ở cấp sơ thẩm. Ở đây, luật cho phép một bên hay các bên được tự do ý chí trong việc yêu cầu áp dụng thời hiệu, nhưng để đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên, ổn định các quan hệ và tạo thuận lợi cho Tòa án giải quyết, thì luật cũng đặt ra điều kiện là yêu cầu áp dụng thời hiệu phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Nói cách khác, yêu cầu áp dụng thời hiệu của các bên chỉ có thể đưa ra trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, sau khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết mới yêu cầu áp dụng thời hiệu là không được chấp nhận. Chẳng hạn, nếu một người yêu cầu chia di sản và những người thừa kế không viện dẫn việc hết thời hiệu ở cấp sơ thẩm thì, ở cấp cao hơn, họ không còn quyền yêu cầu áp dụng quy định về hết thời hiệu yêu cầu chia di sản.
Kết luận: BLDS 2015 được ban hành đã quy định một số điểm mới về thời hiệu yêu cầu chia di sản và cách thức áp dụng thời hiệu, chúng tôi có thể tóm gọn những điểm mới này bao gồm: (i) gia tăng thời hạn yêu cầu chia di sản đối với bất động sản; (iii) giải quyết hệ quả khi di sản hết thời hiệu; (iv) cho phép áp dụng hồi tố quy định thời hiệu chia di sản của BLDS 2015; và (v) các điều kiện để Tòa án áp dụng thời hiệu khi giải quyết tranh chấp phân chia di sản. Tuy nhiên, quy định mới của BLDS 2015 vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng, chưa hợp lý như chúng tôi đã phân tích ở trên. Do vậy, theo chúng tôi khi áp dụng quy định thời hiệu chia di sản, thì các chủ thể có liên quan cũng như Tòa án nên hiểu và vận dụng các điều luật về thời hiệu theo hướng kết hợp với các điều luật khác trong BLDS 2015 để thống nhất, không mâu thuẫn và đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các chủ thể trong xã hội.