Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (Dự thảo 1.32), từ Điều 69 đến Điều 73 quy định về giải quyết tranh chấp bảo hiểm. Đáng lưu ý là Luật sửa đổi đưa ra khái niệm "Trọng tài bảo hiểm", Trung tâm Trọng tài bảo hiểm".
Biết rằng việc ban hành quy định trên là nhằm khắc phục tình trạng những phán quyết tùy tiện, "trên trời" của các trọng tài viên thuộc các Trung tâm Trọng tài thương mại trong thời gian qua. Nhưng rất tiếc phần về Trọng tài bảo hiểm, Dự thảo Luật giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết, và trong Dự thảo tờ trình cũng không thuyết trình về mô hình Trung tâm Trọng tài bảo hiểm nên chúng ta không biết Chính phủ sẽ tổ chức, thực hiện thế nào. Tuy nhiên, từ những quy định cơ bản nêu trên, Tôi nhận thấy Ban soạn thảo và Quốc Hôi cần xem xét, làm rõ:
Thứ nhất, hiện chúng ta đã có Luật Trọng tài thương mại, đã tồn tại các Trung tâm trọng tài thương mại. Nếu thành lập thêm mô hình Trung tâm Trọng tài bảo hiểm, nó có nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Trọng tài thương mại, và thẩm quyền của Trung tâm trọng tài thương mại sẽ được điều chỉnh như thế nào? Giải quyết thế nào trong mối quan hệ với Luật Trọng tài thương mại? Sẽ sửa đổi Luật Trọng tài thương mại hay ban hành Luật trọng tài bảo hiểm riêng? Nên chăng, theo Tôi, chúng ta vẫn hoạt động theo mô hình Trung tâm Trọng tài thương mại hiện hành, chỉ cần quy định, khi phân công trọng tài viên giải quyết các tranh chấp bảo hiểm, các Trung tâm Trọng tài thương mại phải phân công trọng tài viên đáp ứng các điều kiện về kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm như trong Dự thảo, mà không cần thiết lập mô hình riêng về Trung tâm Trọng tài bảo hiểm?
Thứ hai, các tranh chấp bảo hiểm không nhiều và chủ yếu các đương sự lựa chọn tòa án; nếu thành lập riêng những Trung tâm trọng tài chỉ để giải quyết tranh chấp bảo hiểm, liệu nguồn thu từ phí trọng tài có đủ chi phí hoạt động? Nếu không có ai đầu tư, liệu mô hình Trung tâm trọng tài Bảo hiểm khả thi? Nếu lĩnh vực bảo hiểm có Trung tâm trọng tài riêng, có xuất hiện các Trung tâm trọng tài của các lĩnh vực khác, và có “loạn trọng tài”?
Thứ ba, việc xuất hiện những phán quyết trọng tài tùy tiện, trái pháp luật không hẳn là do trọng tài viên thiếu kiến thức, kinh nghiệm, mà theo Tôi, phần nhiều do nguyên nhân chủ quan của Trọng tài viên. So sánh với tố tụng tòa án chúng ta nhận thấy: Thẩm phán khi giải quyết vụ án, xử án án, nếu có sai phạm hay cố tình ban hành bản án trái pháp luật, tùy theo mức độ có thể bị xử lý hành chính, hình sự. Nhưng lĩnh vực trọng tài thì pháp luật chưa có chế tài xử lý trọng tài viên nếu cố tình ban hành phán quyết trái pháp luật. Trọng tài viên gần như tự do phán quyết theo ý chủ quan. Đây có lẽ là một nguyên nhân chính dẫn đến những phán quyết trọng tài sai lệch, tùy tiện, chứ không hẳn do trọng tài viên thiếu trình độ, kinh nghiệm. Không đánh giá đúng nguyên nhân của các bất cập, giải pháp thành lập Trung tâm trọng tài bảo hiểm sẽ không mang lại kết quả mong muốn.
Thứ tư, Điều 71 của Dự thảo về tiêu chuẩn của Trọng tài Bảo hiểm quy định, Trọng tài viên phải ".... có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm từ 15 năm trở lên tại các doanh nghiệp bảo hiểm hoặc có kinh nghiệm công tác tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm từ 10 năm trở lên" . Quy định này đã bó hẹp các trọng tài viên chỉ có thể là những người làm trong doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm, đây là một sự phi lý. Không cẩn thận lại thành một tổ chức của những "người trong nhà" xử nhau, xử người khác. Cần mở rộng thêm các đối tượng là các chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy, các luật sư có kinh nghiệm tố tụng trong lĩnh vực bảo hiểm;
Thứ năm, Điều 73 Dự thảo về quy định “ Phán quyết trọng tài bảo hiểm là quyết định của Hội đồng trọng tài bảo hiểm trong việc giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp về kinh doanh bảo hiểm và chấm dứt tố tụng trọng tài” . Quy định này còn khá mơ hồ, không rõ Phán quyết trọng tài bảo hiểm có phảỉ là chung thẩm hay không, chấm dứt tố tụng trọng tài là chấm dứt thế nào, sau khi “chấm dứt tố tụng trọng tài” thì còn có thể có tố tụng gì, có được tiếp tục khởi kiện ra tòa án? ....
Trên đây là một số vấn đề mà Ban soạn thảo, Chính phủ cần làm rõ, trước khi trình Dự thảo ra Quốc hội. Đặc biệt cần thuyết trình được sự cần thiết phải thành lập riêng Trung tâm trọng tài bảo hiểm, cũng như tính khả thi, hiệu quả của mô hình này.
Ls. Phạm Tuấn Anh
luật sư uy tín luật sư đất đai
luật sư thừa kế