Tranh chấp dân sự là một loại tranh chấp phổ biến và phức tạp trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại các cấp tòa án . Khi cá nhân, tổ chức có quyền dân sự bị xâm phạm, pháp luật trao cho họ quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết. Như vậy, khi có tranh chấp, đương sự thực hiện quyền tự định đoạt của mình thông qua việc nộp đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, làm cơ sở cho tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thông thường, việc soạn thảo đơn kiện và chuẩn bị hồ sơ khởi kiện sẽ do luật sư tư vấn/thực hiện giúp khách hàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện thuê luật sư . Trong trường hợp bạn tự mình khởi kiện, để được tòa án thụ lý và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, bạn cần chuẩn bị bộ hồ sơ khởi kiện, bao gồm:
1. Đơn khởi kiện
Đơn khởi kiện là hình thức biểu đạt yêu cầu của bạn đến Tòa án. Với tính chất là cơ sở pháp lý quan trọng để tòa án xem xét quyết định thụ lý vụ án dân sự, vì vậy, đơn khởi kiện phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung theo quy định tại Điều 189 Bộ Luật TTDS năm 2015. Đơn khởi kiện có thể viết tay hoặc đánh máy nhưng phải có các nội dung chính sau:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
+ Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của bạn (người khởi kiện). Trong phần này cần lưu ý, nếu địa chỉ thường trú (ghi trên CMND và sổ hộ khẩu) khác với địa chỉ đang cư trú thì cần ghi rõ cả hai địa chỉ (Địa chỉ đăng ký thường trú và địa chỉ liên lạc), tránh trường hợp thông báo, triệu tập của Tòa án bị thất lạc, không liên hệ được.
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (nên ghi cả số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử, nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của họ (“nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” là địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh) .
+ Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
+ Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Để soạn thảo đơn khởi kiện, các bạn có thể tham khảo các biểu mẫu có sẵn trên mạng internet hoặc được dán công khai ở các trụ sở tòa án. Tuy nhiên, khi soạn thảo các bạn cần lưu ý phần nội dung đơn khởi kiện, phần này cần phải nêu được nội dung, diễn biến tranh chấp; tránh kể lể dài dòng mà chỉ cần nêu các sự kiện có tính chất mốc thời gian, nhưng không được sơ sài khiến người đọc không nắm bắt được diễn biến của tranh chấp. Phần yêu cầu khởi kiện là nội dung bắt buộc, phải được trình bày rõ ràng, ngắn gọn, đồng thời mang tính đề xuất để tòa án xem xét giải quyết, tránh tình trạng đưa ra các yêu cầu phi thực tế, các yêu cầu không có căn cứ, không thể thực hiện được hoặc trái với quy định của pháp luật.
2 . Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Điều 91 Bộ Luật TTDS năm 2015 quy định “ Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp…”. Như vậy, người khởi kiện có nghĩa vụ thu thập, cung cấp cho tòa án các chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Việc thu thập, giao nộp chứng cứ không nhất thiết phải nộp đủ ngay khi khởi kiện; có những chứng chứ nên nộp ngay nhưng cũng có những chứng cứ chỉ nên giao nộp sau khi đã có lời khai của phía đối phương hoặc một thời điểm thích hợp khác tùy vào tính chất, diễn biến tranh chấp. Tuy nhiên, ngoài những giấy tờ cơ bản như bản sao CMND, Giấy đăng ký kinh doanh, Giấy ủy quyền (nếu có)… thì bộ hồ sơ khởi kiện thông thường cần có những tài liệu, chứng cứ sau:
2.1. Đối với vụ án hôn nhân , hồ sơ khởi kiện cần các giấy tờ sau:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
+ Giấy khai sinh của con (nếu có con);
+ Các giấy tờ liên quan đến tài sản chung (nếu có yêu cầu chia tài sản);
+ Các giấy tờ về nợ chung (nếu có);
+ Các giấy tờ tài liệu khác có liên quan như: chứng cứ xác định tình trạng hôn nhân qua sự phản ánh của cơ quan quản lý của vợ, chồng; tổ chức dân cư, đoàn thể, chính quyền địa phương; các chứng cứ về chỗ ở, thu nhập, nghề nghiệp, điều kiện nuôi dưỡng con v.v…
2.2. Đối với vụ án thừa kế , hồ sơ khởi kiện cần các giấy tờ sau:
+ Các giấy tờ về quan hệ giữa người khởi kiện và người để lại tài sản: Giấy khai sinh, CMND, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi (nếu có) để xác định diện và hàng thừa kế;
+ Di chúc (nếu có);
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
+ Bản kê khai các di sản;
+ Các giấy tờ, tài liệu chứng minh sở hữu của người để lại di sản và nguồn gốc di sản của người để lại di sản;
+ Các giấy tờ khác: Biên bản giải quyết trong họ tộc, biên bản giải quyết tại UBND xã, phường (nếu có), tờ khai khước từ nhận di sản (nếu có);
Ngoài các tài liệu, chứng cứ trên, tùy trường hợp cụ thể còn cần các chứng cứ xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, chứng cứ xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện các nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi về di sản, chứng cứ xác định đồng chủ sở hữu của người để lại di sản v.v…
2.3. Đối với tranh chấp quyền sử dụng đất , hồ sơ khởi kiện cần các giấy tờ sau:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì có thể giao nộp một trong các giấy tờ sau:
- Giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
- Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
- Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
- Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.
- Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền;
+ Các giấy tờ liên quan đến tranh chấp như hợp đồng, văn bản cho thuê, cho mượn, mua bán v.v…;
+ Biên bản hòa giải ở xã, phường (nếu có).
2.4. Đối với tranh chấp nhà ở , hồ sơ khởi kiện cần các giấy tờ sau:
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Trong trường hợp chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu thì cần có các giấy tờ xác nhận chủ quyền nhà;
+ Các giấy tờ liên quan đến giao dịch nhà ở có tranh chấp như: Giấy cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ, mua bán hoặc những giấy tờ khác thể hiện có quan hệ này;
+ Các giấy tờ, tài liệu của cơ quan có thẩm quyền về việc giải quyết nhà đang có tranh chấp (nếu có).
2.5 Đối với tranh chấp Hợp đồng , hồ sơ khởi kiện cần các giấy tờ sau:
+ Hợp đồng và/hoặc các giấy tờ, biên bản liên quan đến việc giao kết hợp đồng v.v..;
+ Các tài liệu chứng cứ liên quan đến quan hệ hợp đồng; quá trình thực hiện hợp đồng và việc thực hiện/không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng của các bên;
+ Các tài liệu chứng cứ chứng minh thiệt hại do hành vi vi phạm hợp đồng
2.6. Đối với tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng , hồ sơ khởi kiện cần các giấy tờ sau:
+ Biên bản làm việc, giải quyết của cơ quan chức năng;
+ Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh thiệt hại. Trong loại tranh chấp này, người khởi kiện cần chứng minh từng khoản thiệt hại thực tế đã xảy ra bằng các chứng từ hoặc giấy biên nhận hợp lệ về các khoản chi phí hợp lý – những chi phí thực tế, cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình ở từng địa phuong tại thời điểm chi phí….
3. Sắp xếp hồ sơ khởi kiện
Sau khi soạn thảo xong đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo, bộ hồ sơ khởi kiện nên được sắp xếp theo một trật tự nhất định, có thể sắp xếp theo thứ tự ngày tháng, nội dung hoặc theo hình thức của chứng cứ. Đối với chứng cứ là bản gốc duy nhất thì chỉ nộp cho Tòa án bản sao (trừ Giấy chứng nhận kết hôn trong vụ án ly hôn, nộp bản chính). Đối với những chứng cứ không sao y, chứng thực được thì chỉ nộp bản photo và xuất trình bản chính cho tòa đối chiếu khi có yêu cầu. Không nên nộp cho tòa bản chính duy nhất, đề phòng trường hợp Tòa làm thất lạc có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, thậm chí làm mất căn cứ khởi kiện và đảo ngược kết quả vụ án. Đối với các tài liệu bằng tiếng nước ngoài, cần dịch ra tiếng việt, tốt nhất nên nhờ dịch vụ công chứng chứng nhận bản dịch để tăng thêm giá trị của tài liệu, chứng cứ.
Trên đây là một số thông tin cơ bản trong việc chuẩn bị một bộ hồ sơ khởi kiện và chỉ có tính chất chung, khái quát. Thực tế tranh chấp diễn ra vô cùng đa dạng, không phải và không nhất thiết vụ án nào cũng cần và có thể thu thập được đầy đủ các hồ sơ như trên; trong nhiều trường hợp, cần có sự linh hoạt trong việc thu thập chứng cứ và thậm chí cần phải chủ động, sáng tạo để tạo ra những chứng cứ phù hợp pháp luật, bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
van phong luat su văn phòng luật sư
luat su gioi luật sư giỏi