Thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức không phải là thẩm quyền mới lần đầu tiên được quy định. Theo quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thì “Khi xét xử vụ án dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết ”. Theo quy định này thì trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự Tòa án nhận thấy có quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự thì Tòa án có quyền hủy quyết định rõ ràng trái pháp luật đó. Nhưng nội dung này đã không còn được quy định trong BLTTDS năm 2004. Tòa án chỉ có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tự xem xét lại các quyết định đó, trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không thực hiện kiến nghị của Tòa án thì đương sự lại phải khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án tuyên hủy quyết định rõ ràng trái pháp luật đó theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính. Như vậy, để thực hiện việc hủy quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức phải trải qua nhiều thủ tục, làm mất nhiều thời gian, công sức của người dân, gây tốn kém kinh phí của cơ quan nhà nước. Thực tế, nhiều trường hợp Tòa án kiến nghị nhưng các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyết định của Tòa án dẫn đến việc tuân thủ bản án quyết định của Tòa án không nghiêm. Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2012 quy định thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức như sau:
“ Điều 32a. Thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức
1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng.
2. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy quy định tại khoản 1 Điều này, thì quyết định cá biệt đó được Tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật tố tụng hành chính.
3. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Điều này. ”
Nội dung thẩm quyền này của Tòa án quy định như trên có nhiều điểm mới và nhiều điểm cần có hướng cụ thể hơn:
Thứ nhất , điểm mới quan trọng là việc làm rõ Tòa án chỉ có quyền hủy “quyết định cá biệt” chứ không quy định chung chung là “quyết định” như quy định tại Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Như vậy, quy định này (i) loại trừ văn bản quyết định quy phạm quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật như: quyết định của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ, của Tổng kiểm toán Nhà nước; (ii) giới hạn chỉ loại văn bản áp dụng pháp luật được ban hành áp dụng đối với cá nhân, tổ chức cụ thể, ví dụ như quyết định khen thưởng, quyết định kỷ luật, quyết định bổ nhiệm một người giữ chức vụ cụ thể… có tính bắt buộc, tính đơn phương; (iii) chứa đựng quy tắc xử sự riêng; áp dụng một hoặc số đối tượng nhất định; (iv) áp dụng một lần; (v) hiệu lực trong thời gian ngắn; (vi) tác động phạm vi hẹp; (vii) áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để làm căn cứ pháp lý.
cong ty luat
Thứ hai, Bộ luật tố tụng hình sự có quy định về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự (Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự), Luật tố tụng hành chính có quy định về giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính (Điều 6 Luật tố tụng hành chính). Các quy định này đều điều chỉnh vấn đề dân sự trong tố tụng hình sự và tố tụng hành chính. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong tố tụng dân sự quy định việc áp dụng tố tụng hành chính mà cụ thể là: “Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật tố tụng hành chính.”. Quy định này xuất phát từ thực trạng các quyết định rõ ràng trái pháp luật bị hủy thường là quyết định hành chính (quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà cho một bên không đúng pháp luật…), quyết định kỷ luật buộc thôi việc… là các quyết định thuộc phạm vi khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo Luật tố tụng hành chính. Vì vậy, vấn đề thẩm quyền phải bảo đảm sự thống nhất với quy định của Luật tố tụng hành chính thì quy định trong tố tụng dân sự mới bảo đảm tính khả thi. Do vậy, về vấn đề này khi hướng dẫn cụ thể chi tiết hơn chúng ta cần nhấn mạnh và có sự thống nhất với các hướng dẫn về Điều 29 và Điều 30 của Luật tố tụng hành chính. Như vậy, khoản 2 Điều 32a cần được hiểu là khi giải quyết yêu cầu hủy quyết định hành chính trong cùng vụ việc dân sự thì vẫn do do Tòa án dân sự (nếu thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh) giải quyết và bản án, quyết định vẫn có số, ký hiệu dân sự… chỉ riêng thẩm quyền là theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Điều này đặt ra vấn đề trong trường hợp Tòa án cấp huyện đang giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc… rõ ràng trái pháp luật bị yêu cầu hủy thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu kiện của Tòa án cấp tỉnh theo quy định của Luật tố tụng hành chính thì Tòa án cấp huyện phải chuyển vụ việc dân sự đang giải quyết lên Tòa án cấp tỉnh để giải quyết đồng thời với vụ việc dân sự và yêu cầu hủy quyết định cá biết trái pháp luật theo đúng quy định về thẩm quyền của Luật tố tụng hành chính. Trong trường hợp quyết định cá biệt đó được Tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự mà đương sự chỉ kháng cáo phần quyết định của bản án về yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật hoặc phần quyết định của bản án về yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật bị tòa án Tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm hủy để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại thì phần quyết định về yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật bị kháng cáo hoặc bị hủy để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại là một phần của vụ án dân sự và việc giải quyết vẫn theo quy định về thủ tục tố tụng của Bộ luật tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung.
công ty luật
Thứ ba , quyết định cá biệt phải “rõ ràng trái pháp luật”. Trong quá trình soạn thảo quy định này có ý kiến cho rằng nên bỏ từ “rõ ràng” vì không có ý nghĩa trong việc xác định quyết định cá biệt, việc xác định quyết định cá biệt như thế nào là rõ ràng trái pháp luật là không có tiêu chí. Có ý kiến cho rằng, rõ ràng là trái pháp luật được thể hiện hiển nhiên mà được nhiều người thừa nhận, kể cả cơ quan, tổ chức có quyết định bị yêu cầu hủy phải đồng ý. Đây là một tiêu chí quan trọng cần xem xét nhưng cần từng bước làm rõ để áp dụng vì sẽ có trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật nhưng cơ quan, tổ chức có quyết định bị yêu cầu hủy vẫn không đồng ý.
Thứ tư , theo quy định tại khoản 2 Điều 32a thì quyết định cá biệt phải có yêu cầu hủy thì Tòa án mới xem xét việc hủy. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 32a lại không có quy định về việc quyết định cá biệt phải có yêu cầu hủy. Từ quy định như vậy nếu có hai cách quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất : quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức mà Tòa án phát hiện trong quá trình giải quyết vụ việc nhưng Tòa án cũng không thể hủy nếu đương sự không yêu cầu. Quy định này xuất phát từ bản chất của tố tụng dân sự bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự.
tim luat su gioi
Quan điểm thứ hai : quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức mà Tòa án phát hiện trong quá trình giải quyết vụ việc thì Tòa án có quyền tự mình hủy mà không phụ thuộc vào việc đương sự có yêu cầu hay không.
Khi chưa có hướng dẫn khác thì phải theo quan điểm thứ nhất, vì khoản 2 Điều 32a đã quy định mang tính cụ thể.
tìm luật sư giỏi