Khi thực hiện khởi kiện vụ án hành chính, cá nhân, cơ quan, tổ chức phải đáp ứng các yêu cầu về hình thức và trình tự của việc khởi kiện mà khởi đầu là phải có đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện là thủ tục bắt buộc đối với mọi trường hợp khởi kiện.
Hình thức và nội dung đơn khởi kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án hành chính vì nó vừa là căn cứ làm phát sinh vụ án hành chính, vừa là cơ sở đầu tiên để Tòa án xác định nội dung yêu cầu của đương sự trong việc giải quyết vụ án hành chính. Các thông tin nêu trong đơn khởi kiện chính là cơ sở pháp lý để Tòa án thu thập chứng cứ, đánh giá sự kiện và kết luận vụ án.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 Luật Tố tụng hành chính 2010, đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn.
- Toà án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính (Tòa án nhân dân huyện X hoặc Tòa án nhân dân tỉnh Y ...) và địa chỉ của Toà án đó.
- Tên, địa chỉ của người khởi kiện, người bị kiện: Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi họ và tên, địa chỉ nơi cư trú; nếu người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức, địa chỉ trụ sở chính và ghi họ, tên của người đại điện hợp pháp của cơ quan, tổ chức khởi kiện đó.
- Nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính; nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có).
- Các yêu cầu đề nghị Toà án giải quyết.
- Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
Do tính chất đa dạng của người khởi kiện vụ án hành chính có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức nên hình thức đơn khởi kiện cũng đa dạng. Nếu người khởi kiện là cá nhân thì người đó tự thực hiện việc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thẩm quyền và chính họ phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện trừ trường hợp người khởi kiện là cá nhân chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì đơn khởi kiện do cha, mẹ, người giám hộ của những người này ký tên hoặc điểm chỉ (khoản 2 điều 105 Luật tố tụng hành chính). Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.
Còn người khởi kiện là cơ quan, tổ chức thì việc khởi kiện được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp và người đó phải ký tên và đóng dấu.
Như vậy, Điều 48, Khoản 2 Điều 105 Luật Tố tụng hành chính chỉ quy định với người thành niên, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự mà bỏ sót một số đối tượng có nhược điểm về thể chất, tâm thần nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự như người bị câm, mù, điếc hoặc bị khiếm khuyết về thể chất, tâm thần nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự. Đối với đối tượng này, đơn khởi kiện của họ có bắt buộc phải do người đại diện theo pháp luật của những người này ký tên hoặc điểm chỉ hay không? Pháp luật tố tụng hiện hành chưa quy định cụ thể.
Về vấn đề này, trong Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 đã có sự ghi nhận tại Khoản 3 Điều 164: “Trường hợp người khởi kiện không biết chữ, không nhìn được, không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì phải có người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận trước mặt người khởi kiện và người làm chứng”.
Có thể thấy, đối với đối tượng trên, họ khó có thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện của họ được. Do đó, pháp luật tố tụng hành chính nên cho phép họ được ủy quyền cho người đại diện theo pháp luật của họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn khởi kiện hoặc chấp nhận sự có mặt của người làm chứng như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011 như trên. Có như thế mới đảm bảo sự hợp lý về hình thức đơn khởi kiện, vừa đảm bảo quyền khởi kiện cho các đối tượng đặc biệt trên