Phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính được tiến hành sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm của Tòa án có thẩm quyền. Khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, người khởi kiện có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Quyền của người khởi kiện
- Quyền đề nghị xét xử vắng mặt: Khi người khởi kiện có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc có người đại diện của họ tham gia phiên tòa thì người khởi kiện có thể vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm. Trong trường hợp này, Toà án vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại Điều 132 Luật Tố tụng hành chính.
- Quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch:Khi có căn cứ cho rằng người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch thuộc trường hợp quy định tại Điều 41, khoản 4 Điều 57, khoản 4 Điều 58 Luật Tố tụng hành chính (được hướng dẫn cụ thể tại Điều 8 Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011) thì người khởi kiện có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định và người phiên dịch nhằm đảm bảo tính khách quan của những người này khi tham gia phiên tòa.
- Quyền thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện (Điều 145, 146)
Tại phiên tòa sơ thẩm, người khởi kiện có quyền thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện; Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của người khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện.
Riêng trường hợp người khởi kiện rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu mà đương sự đã rút. Tuy nhiên về nguyên tắc, nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện trong giai đoạn này thì Tòa đình chỉ giải quyết vụ án, nghĩa là quyết định hành chính bị kiện đương nhiên có hiệu lực. Vì vậy, người khởi kiện nên cân nhắc về quyền lợi của mình trước khi rút đơn khởi kiện.
- Quyền yêu cầu Hội đồng xét xử công bố các tài liệu của vụ án, nghe băng ghi âm, xem băng đĩa hình, đĩa ghi hình (Điều 153 trừ khoản 2, Điều 154)
Tại phiên tòa, người khởi kiện có quyền yêu cầu Hội đồng xét xử công bố các tài liệu của vụ án, cho nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng đĩa hình, đĩa ghi hình, trừ trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu của đương sự thì Hội đồng xét xử không công bố các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
- Quyền được cấp trích lục bản án, bản án, quyết định của Toà án (Điều 166)
Sau khi tuyên án Tòa án có trách nhiệm cấp, gửi trích lục bản án, bản án cho những cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan để những người này biết và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Điều 166 Luật Tố tụng hành chính quy định về việc cấp, gửi trích lục bản án, bản án của tòa án như sau:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên toà, các đương sự được Toà án cấp trích lục bản án.
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày tuyên án, Toà án phải cấp, gửi bản án cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị, Toà án cấp, gửi bản án đã có hiệu lực pháp luật cho các đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan cấp trên trực tiếp của người bị kiện.
- Quyền kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án
Theo quy định tại Điều 176 Luật tố tụng hành chính thì: “Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày Toà án tuyên án; trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên toà thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở, trong trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức.
- Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
- Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì”.
Như vậy, các cá nhân, cơ quan, tổ chức phải nộp đơn kháng cáo trong thời hạn quy định tại Điều 176 Luật Tố tụng hành chính. Nếu quá thời hạn này thì Tòa án sẽ không giải quyết kháng cáo nữa, quyết định, bản án của tòa án sơ thẩm sẽ có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 177 Luật Tố tụng hành chính về kiểm tra đơn kháng cáo quy định: “Trường hợp đơn kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 176 của Luật này (sau đây gọi là kháng cáo quá hạn) vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Toà án cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày rõ lý do và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng”. Như vậy, việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác (như: do thiên tai, lũ lụt, do ốm đau, tai nạn phải điều trị tại bệnh viện…) làm cho người kháng cáo không thể thực hiện việc kháng cáo trong thời hạn luật định.
Bên cạnh việc được hưởng các quyền tố tụng như trên, người khởi kiện khi tham gia phiên tòa sơ thẩm phải thực hiện một số nghĩa vụ sau đây:
- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án
Khi được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, người khởi kiện phải có mặt; trường hợp vắng mặt thì Hội đồng xét xử sẽ hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người khởi kiện có đơn đề nghị xét xử vắng mặt như đã nêu ở trên.
Khi được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, người khởi kiện hoặc người đại diện của họ phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt mà không có lý do chính đáng thì được coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Vấn đề cần lưu ý là trong trường hợp này người khởi kiện vẫn có quyền khởi kiện lại từ đầu, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.
- Trả lời khi được xét hỏi
Người khởi kiện phải trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử theo quy định tại Điều 149 Luật Tố tụng hành chính.
So với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Luật Tố tụng hành chính đã quy định cụ thể hơn về phương pháp hỏi và phạm vi các vấn đề cần hỏi cho từng đối tượng. Đối với người khởi kiện Hội đồng xét xử chỉ hỏi về những vấn đề mà người khởi kiện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trình bày chưa rõ, có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với những lời khai của họ trước đó, mâu thuẫn với lời trình bày của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này. Người khởi kiện có thể tự mình trả lời hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trả lời thay cho người khởi kiện và sau đó người khởi kiện trả lời bổ sung.
Ngoài ra, người khởi kiện còn có một số nghĩa vụ khác, như: Tôn trọng Toà án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên toà; nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật (Khoản 21, Điều 49, Luật TTHC và Pháp lệnh về án phí, lệ phí); chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, trước khi tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của mình, người khởi kiện cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình thì mới có thể thành công