Khi các cá nhân, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu Tòa án giải quyết, phán quyết của Tòa án bằng bản án hoặc quyết định là hết sức quan trọng, nhưng chỉ là kết quả về mặt pháp lý. Để bảo vệ quyền lợi của mình, bên thắng kiện còn phải đòi hỏi bản án, quyết định đó được thi hành trên thực tế.
Trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án, người khởi kiện có quyền và nghĩa vụ sau đây:
1. Quyền của người khởi kiện
- Người khởi kiện có quyền yêu cầu bằng văn bản với Toà án đã ra bản án, quyết định quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 241 của Luật tố tụng hành chính giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được văn bản yêu cầu, người khởi kiện được quyền nhận văn bản giải thích của Tòa án. Trong trường hợp người yêu cầu Tòa án giải thích bản án, quyết định không phải là người khởi kiện thì người khởi kiện vẫn được nhận văn bản giải thích của Tòa án trong thời hạn luật định.
- Người khởi kiện có quyền yêu cầu người phải thi hành án (cơ quan, tổ chức bị kiện) thi hành ngay bản án, quyết định của Toà án trong hai trường hợp sau:
+ Thứ nhất, bản án, quyết định của Toà án buộc cơ quan lập danh sách cử tri sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri thì người phải thi hành án phải thực hiện ngay việc sửa đổi, bổ sung đó khi nhận được bản án, quyết định của Toà án.
+ Thứ hai, Toà án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thi hành ngay khi nhận được quyết định.
- Người khởi kiện có quyền yêu cầu bằng văn bản đối với người phải thi hành án thi hành bản án, quyết định của Toà án khi hết 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc hết thời hạn thi hành án theo bản án, quyết định của Toà án mà người phải thi hành án không thi hành án trong các trường hợp sau:
+ Trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực.
+ Trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì quyết định kỷ luật buộc thôi việc bị hủy không còn hiệu lực. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc phải thực hiện bản án, quyết định của Toà án.
+ Trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã tuyên bố hành vi hành chính đã thực hiện là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải đình chỉ thực hiện hành vi hành chính đó, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án.
+ Trường hợp bản án, quyết định của Toà án tuyên bố hành vi không thực hiện nhiệm vụ, công vụ là trái pháp luật thì người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Toà án.
Nếu người phải thi hành án không thi hành bản án, quyết định của Toà án theo yêu cầu của người được thi hành án trong 4 trường hợp trên thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản, người khởi kiện có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan thi hành án dân sự nơi Toà án đã xét xử sơ thẩm đôn đốc việc thi hành bản án, quyết định của Toà án.
Đơn đề nghị đôn đốc thi hành án hành chính phải có các nội dung chính sau đây: họ, tên, địa chỉ của người đề nghị đôn đốc thi hành án; tên cơ quan thi hành án dân sự nơi đề nghị đôn đốc; họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án, người phải thi hành án; nội dung đề nghị đôn đốc thi hành án; số, ngày, tháng năm của bản án, quyết định hành chính của Tòa án; tóm tắt nội dung bản án, quyết định đề nghị đôn đốc thi hành án.
Người làm đơn đề nghị đôn đốc thi hành án hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ tên, chữ ký hoặc điểm chỉ của người đề nghị; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân. Trường hợp người đề nghị đôn đốc thi hành án hành chính trực tiếp trình bày tại cơ quan Thi hành án dân sự thì cơ quan này phải lập biên bản ghi rõ họ tên, địa chỉ của người đề nghị đôn đốc thi hành án; nội dung đề nghị đôn đốc thi hành án. Biên bản có họ tên, chữ ký hoặc điểm chỉ của người đề nghị đôn đốc, họ tên, chức vụ, chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn đề nghị đôn đốc thi hành án.
Kèm theo đơn đề nghị đôn đốc thi hành án hành chính hoặc biên bản đề nghị đôn đốc, người đề nghị đôn đốc phải nộp bản sao bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu khác có liên quan để chứng minh đã có đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ nhưng người phải thi hành án cố tình không thi hành án.
Người khởi kiện có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan Thi hành án dân sự hoặc gửi qua đường bưu điện. Trường hợp ủy quyền phải có giấy ủy quyền và chứng minh nhân dân của người được ủy quyền. Ngày gửi đơn đề nghị đôn đốc thi hành án được tính là ngày người đề nghị đôn đốc thi hành án nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan Thi hành án dân sự hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
Khi nhận đơn đề nghị đôn đốc thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự phải kiểm tra nội dung đơn, các tài liệu kèm theo, vào sổ thụ lý để theo dõi, quản lý và đôn đốc thi hành án hành chính và cấp giấy biên nhận cho người nộp đơn. Việc cấp giấy biên nhận cho người nộp đơn phải thực hiện ngay sau khi nhận đơn.
Trường hợp đơn đề nghị đôn đốc thi hành án không đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc không có các tài liệu khác có liên quan để chứng minh đã có đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ nhưng người phải thi hành án cố tình không thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự thông báo bằng văn bản để người nộp đơn bổ sung.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu có căn cứ từ chối nhận đơn đề nghị đôn đốc thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự phải gửi văn bản thông báo cho người nộp đơn biết về việc từ chối nhận đơn và nêu rõ lý do.
2. Nghĩa vụ của người khởi kiện.
Người khởi kiện có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Toà án về vụ án hành chính như sau:
- Trường hợp bản án, quyết định của Toà án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri thì người khởi kiện phải tiếp tục thi hành các quyết định đó theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp bản án, quyết định của Toà án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Người khởi kiện căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Toà án để thi hành.
Người khởi kiện phải thông báo bằng văn bản về kết quả thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó