Lĩnh vực quản lý đất đai là một lĩnh vực rất rộng nhưng chỉ những nội dung nào khi cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ban hành các quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính đối với người sử dụng đất đai mà người sử dụng đất không đồng ý, và đã khiếu nại, khởi kiện đúng thủ tục pháp luật quy định thì Tòa án mới có thẩm quyền thụ lý, giải quyết.
Quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai là quyết định bằng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai.
Hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của Luật Đất đai.
Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai bao gồm nhiều loại khác nhau được các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền ban hành, thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính có các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai sau đây, nếu việc khiếu kiện được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đều thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND theo thủ tục tố tụng hành chính:
Quyết định hành chính trong quản lý đất đai, bao gồm:
- Quyết định hành chính về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
- Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;
- Cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất.
Hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu kiện là hành vi của cán bộ, công chức nhà nước khi giải quyết công việc thuộc phạm vi quy định tại những trường hợp trên.
Khi khiếu kiện hành chính liên quan đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý nhà nước về đất đai cần tiến hành xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính đó. Để giải quyết vấn đề này, cần chú ý vào những vấn đề trọng tâm sau đây:
1. Đối với quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất:
Theo quy định tại Điều 31 Luật Đất đai năm 2003 thì căn cứ để giao đất, cho thuê đất bao gồm:
- Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất.
- Về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: Luật Đất đai 2003 đã có những sửa đổi, bổ sung nhằm cải cách thủ tục hành chính và phân cấp nhiều hơn nữa cho Ủy ban nhân dân địa phương trong việc giao đất mà ở đó Chính phủ không thực hiện việc giao đất, cho thuê đất như quy định của Luật Đất đai năm 1993 mà phân cấp thẩm quyền này cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện để các địa phương chủ động trong việc giao đất, cho thuê đất; bổ sung quy định để Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, đối với đối tượng được giao đất thì không chỉ có tổ chức, hộ gia đình, cá nhân như trước đây mà còn bao gồm cả cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tùy thuộc vào từng đối tượng giao đất Luật Đất đai 2003 quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho đối tượng đó (Điều 37 Luật Đất đai 2003). Cụ thể là:
+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo, giao đất, cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
+ Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; giao đất đối với cộng đồng dân cư.
+ Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 thì khi xác định cơ quan nào (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay Ủy ban nhân dân cấp huyện…) có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chỉ cần căn cứ vào đối tượng được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để xác định. Trong khi đó, theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 thì khi xác định cơ quan nào (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hay Ủy ban nhân dân cấp huyện…) có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, phải căn cứ vào đối tượng được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và căn cứ vào loại đất để xác định.
2. Quyết định thu hồi đất:
* Về căn cứ thu hồi: Theo quy định tại Luật Đất đai 2003, Nhà nước thu hồi đất trong những trường hợp sau đây:
- Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế;
- Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
- Sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả;
- Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất;
- Đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
- Đất bị lấn, chiếm trong các trường hợp: đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm; đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, chiếm;
- Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
- Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;
- Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước;
- Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết hạn;
- Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong mười hai tháng liền, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong mười tám tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong hai mươi bốn tháng liền.
- Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.
* Về thẩm quyền thu hồi:
Tại Điều 44 Luật Đất đai năm 2003 quy định thẩm quyền thu hồi đất của Ủy ban nhân dân như sau:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh khi thực hiện việc thu hồi đất theo thẩm quyền của mình thì không được ủy quyền.
3. Về yêu cầu bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất:
Khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến thu hồi đất thường gắn liền với yêu cầu bồi thường thiệt hại, đền bù khi bị thu hồi đất. Để đảm bảo khả năng thành công khi khiếu kiện cần căn cứ vào Luật Đất đai 2003 để tìm lời giải đáp cho yêu cầu này; Luật đã quy định một cách rõ ràng và cụ thể về những trường hợp nào thì thu hồi đất được bồi thường thiệt hại để phân biệt với những trường hợp không được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Cụ thể:
- Người bị thu hồi loại đất nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm thu hồi.
- Trường hợp không có khu tái định cư thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền và được ưu tiên mua hoặc thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đối với khu vực đô thị; bồi thường bằng đất ở đối với khu vực nông thôn, trường hợp giá trị quyền sử dụng đất ở bị thu hồi lớn hơn đất ở được bồi thường thì người bị thu hồi đất được bồi thường đối với phần chênh lệch đó.
- Trường hợp thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất mà không có đất để bồi thường cho việc tiếp tục sản xuất thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền, người bị thu hồi đất còn được Nhà nước hỗ trợ để ổn định đời sống, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, bố trí việc làm mới.
- Trường hợp người sử dụng đất được nhà nước bồi thường khi thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật thì phải trừ đi giá trị nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện trong giá trị bồi thường, hỗ trợ.
Khi khiếu kiện cần khai thác tốt những quy định này của pháp luật làm cơ sở để xem xét, đánh giá tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính liên quan đến thu hồi đất khi cho rằng việc thu hồi đất nhưng không được đền bù hoặc không đúng với quy định của pháp luật.
4. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải do cơ quan có thẩm quyền phát hành. Luật Đất đai 2003 quy định: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành được cấp cho người sử dụng đất theo một mẫu thống nhất trong cả nước đối với mọi loại đất. Trường hợp có tài sản gắn liền với đất thì tài sản đó được ghi nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; điều này khắc phục được tình trạng cùng tồn tại nhiều loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác nhau qua mỗi kỳ thực hiện chính sách quản lý đất đai của Nhà nước, gây khó khăn cho việc quản lý đất đai, cấp trùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều người, nhiều đối tượng khác nhau, gây khiếu nại kéo dài, giải quyết khiếu nại phức tạp. Trường hợp người sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị thì không phải đổi giấy chứng nhận đó sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của luật mới.
- Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Luật Đất đai năm 2003 quy định UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài; Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được ủy quyền cho cơ quan quản lý cấp dưới mà chỉ được ủy quyền cho cơ quan quản lý đất đai cùng cấp. Trong trường hợp ủy quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phải tuân thủ những điều kiện được ủy quyền theo quy định của Chính phủ.
- Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Tại khoản 1 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993 mới chỉ quy định: “Người sử dụng đất ổn định, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Do quy định không rõ ràng, cụ thể lại không có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng quy định này trong thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục bất cập này, tại khoản 2 Điều 3 của Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ và tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 79/2001/NĐ-CP ngày 01/11/2001 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 17/1999/NĐ-CP về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đã quy định một số điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Luật Đất đai 2003 ngoài các điều kiện quy định trên còn quy định bổ sung nhiều điều kiện khác và các điều kiện đó được quy định cụ thể, chi tiết hơn tại Điều 50 và Điều 51. Cụ thể là:
Đối với hộ gia đình, cá nhân:
- Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
+ Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất đai trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
+ Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
+ Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
+ Giấy tờ về thanh lý, hòa giải nhà ở gắn liền với đất theo quy định của pháp luật;
+ Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định như trên mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác, kèm theo giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nay được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn ở miền núi, hải đảo, nay được Ủy ban nhân dân xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định trên nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
- Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định như trên nhưng đất đã được sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày Luật Đất đai này có hiệu lực thi hành, nay được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ.
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đối với cộng đồng dân cư:
- Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có các công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
+ Có đơn đề nghị xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận là đất sử dụng cho cộng đồng và không có tranh chấp.
Đối với các tổ chức:
- Tổ chức đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
- Phần diện tích đất mà tổ chức đang sử dụng nhưng không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được giải quyết như sau:
+ Nhà nước thu hồi phần diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả;
+ Tổ chức phải bàn giao phần diện tích đã sử dụng làm đất ở cho Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để quản lý; trường hợp doanh nghiệp nhà nước sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối đã được Nhà nước giao đất mà doanh nghiệp đó cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng một phần quỹ đất làm đất ở thì phải bố trí lại diện tích đất ở thành khu dân cứ trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất xét duyệt trước khi bàn giao cho địa phương quản lý.
- Đối với tổ chức kinh tế lựa chọn hình thức thuê đất thì cơ quan quản lý đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm thủ tục ký hợp đồng thuê đất trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với các cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
- Cơ sở tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động;
- Có đề nghị bằng văn bản của tổ chức tôn giáo có cơ sở tôn giáo đó;
- Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất về nhu cầu sử dụng đất của cơ sở tôn giáo đó.
Tóm lại, khi khiếu kiện hành chính có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc giao đất, thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cần phải nắm vững các quy định của pháp luật đất đai như quy định về thẩm quyền, căn cứ, điều kiện giao đất, thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tư vấn cho khách hàng có hiệu quả.
5. Đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
- Thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Khi phát hiện nội dung ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sai sót thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đính chính đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp; Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đính chính đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp.
- Về căn cứ thu hồi đất: Việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau:
+ Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sạt lở tự nhiên đối với cả thửa đất; có thay đổi ranh giới thửa đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 38 của Luật Đất đai;
+ Trường hợp không thu hồi được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thông báo cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất;
+ Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền cấp giấy của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền cấp giấy của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đối với trường hợp quy định tại khoản a và điểm b khoản này.
Cần lưu ý, ngoài những trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định ở trên, việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho người đang sử dụng đất ổn định được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành.