(PL-NS)- Năm 2006, bà L. ký hợp đồng mua bán hàng với một công ty nước giải khát trong thời hạn hai năm. Tuy nhiên, hợp đồng chỉ mới thực hiện được hơn ba tháng thì công ty tự ý ngưng giao hàng mà không cho bà L. biết rõ lý do.
Nhiều lần khiếu nại, yêu cầu công ty giải quyết bồi thường không thành, bà L. khởi kiện công ty ra tòa. Bà L. yêu cầu tòa hủy hợp đồng các bên đã ký và buộc công ty bồi thường cho bà hơn 335 triệu đồng, gồm gần 291 triệu đồng thu nhập bị mất do công ty đơn phương cắt hợp đồng trong hơn 20 tháng, hơn 44 triệu đồng tiền thuê kho để giữ vỏ chai trong thời gian từ khi hết hạn hợp đồng đến ngày xét xử sơ thẩm.
Phản tố, công ty cho biết sở dĩ ngưng cung cấp hàng cho bà L. là vì bà L. chê công ty cung cấp hàng không đúng thỏa thuận. Mặt khác, bà L. bán hàng không đạt số lượng trong ba tháng liên tiếp theo hợp đồng đã ký. Theo công ty, bà L. còn giữ của công ty hơn 3.200 két vỏ chai, trị giá thành tiền là hơn 200 triệu đồng. Công ty yêu cầu bà L. trả đủ số vỏ chai trên hoặc thanh toán thành tiền.
Cuối năm 2010, TAND quận Thủ Đức xử sơ thẩm vụ án và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà L. bởi toàn bộ lỗi xuất phát từ phía công ty. Ngoài ra, cấp sơ thẩm buộc bà L. phải hoàn trả cho công ty toàn bộ số vỏ chai đang giữ.
Phúc thẩm vụ án hồi tháng 5-2011, TAND TP.HCM sửa một phần bản án sơ thẩm. Cụ thể, cấp phúc thẩm bác yêu cầu đòi bồi thường chi phí thuê kho chứa vỏ chai. Theo cấp phúc thẩm, bà L. có trách nhiệm thu hồi, bảo quản số vỏ két chai sau khi hết hạn hợp đồng để trả cho công ty. Chỉ khi bà L. đã thông báo yêu cầu công ty thu hồi vỏ chai mà công ty không chịu thu hồi thì công ty mới phải có trách nhiệm thanh toán chi phí phát sinh.
Trong vụ án này, bà L. không có chứng cứ chứng minh đã thông báo cho công ty về việc thu hồi vỏ chai. Hơn nữa, bà L. cũng không cung cấp được biên lai đóng tiền thuê kho. Vì vậy, yêu cầu bồi thường chi phí thuê kho chứa vỏ chai của nguyên đơn không có cơ sở chấp nhận.
Khoản 2 Điều 302 và Điều 304 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. “Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”.
Bà L. không chứng minh được chi phí thuê kho chứa vỏ chai nên bị bác yêu cầu. Kinh nghiệm rút ra từ vụ án này là trong mọi việc, cần cẩn thận thu thập và lưu giữ chứng cứ để bảo vệ mình khi có tranh chấp về sau.
Theo Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM