Theo Luật Doanh nghiệp 2020, các chủ thể có quyền định đoạt phần vốn góp, có thể chuyển nhượng phần vốn góp thuộc sở hữu của mình. Tuy nhiên, để chuyển nhượng phần vốn góp, mỗi chủ thể phải tuân thủ theo những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Những điều kiện này có sự khác nhau giữa các loại hình Công ty. Đối với loại hình công ty TNHH hai thành viên trở lên, quyền chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty được quy định tại Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020; khi chuyển nhượng phần vốn góp thành viên phải tuân thủ một số điều kiện:
luật sư doanh nghiệp
Thứ nhất, thành viên chuyển nhượng phần vốn góp phải ưu tiên chào bán cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty. Pháp luật quy định nguyên tắc ưu tiên chào bán cho thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên nhằm đảm bảo cho tính đối nhân trong công ty không bị mất đi, không những vậy, có thể giữa các thành viên trong công ty có tồn tại các bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ vì vậy cần hạn chế sự tham gia của người ngoài công ty. Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng phần vốn góp có thể dẫn đến việc thay đổi tỷ lệ phần vốn góp từ đó làm thay đổi tương quan quyền lực giữa các thành viên và khiến cho cơ cấu tổ chức, quản lý của công ty bị ảnh hưởng. Chính vì vậy Điều 52 Luật Doanh nghiệp quy định, thành viên công ty TNHH có quyền chuyển nhượng một phần hay toàn bộ phần vốn góp của mình, nhưng phải chào bán cho thành viên trong công ty trước và có thể chuyển nhượng cho người ngoài trong trường hợp thành viên công ty không mua hoặc mua không hết. Tuy nhiên trên thực tế có trường hợp người thực hiện việc chuyển nhượng không đảm bảo nguyên tắc ưu tiên này. Người chuyển nhượng không chào bán phần vốn góp cho thành viên khác mà trực tiếp chuyển nhượng cho người ngoài; việc chuyển nhượng mà không chào bán, thông qua các thành viên khác thường xảy ra khi người chuyển nhượng là người giữ chức danh quản lý trong công ty hoặc là người có nhiều vốn nhất nên đã tự ý chuyển nhượng, còn người nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ thành viên trên thì quyền lợi bị ảnh hưởng. Bởi hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên có thể bị vô hiệu, người nhận chuyển nhượng ngay từ lúc đầu đã không có tư cách thành viên, không được hưởng lợi nhuận từ phần vốn góp khiến cho mục đích nhận chuyển nhượng phần vốn góp không đạt được. Nhưng họ lại không có cơ chế nào để biết rằng bên chuyển nhượng có đủ điều kiện để chuyển nhượng phần vốn góp hay không.
văn phòng luật sư
Thứ hai, phải đảm bảo việc chào bán phần vốn góp cho người là thành viên công ty và người không phải là thành viên công ty với điều kiện giống nhau. Quy định trên của Luật Doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi cho các thành viên còn lại trong công ty;
luật sư
Trước đây, Luật Doanh nghiệp 1999 quy định khi chào bán phần vốn góp cho các thành viên thì điều kiện để mua phần vốn góp giữa các thành viên phải giống nhau. Quy định như vậy đảm bảo các thành viên được bình đẳng trong việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp. Tuy nhiên, quy định trên lại chỉ bảo vệ được quyền lợi giữa các thành viên với nhau mà chưa bảo vệ được quyền lợi của thành viên đối với người ngoài công ty. Vì theo Luật Doanh nghiệp 1999 người chào bán phần vốn góp chỉ phải chào bán cho các thành viên những điều kiện giống nhau nên nếu muốn bán cho người ngoài, họ có thể chào bán cho thành viên với những điều kiện rất khắt khe, và đặt ra cho người ngoài những điều kiện dễ dàng hơn. Điều này khiến cho thành viên trong công ty khó khăn trong việc mua phần vốn góp và nếu không mua thì phải chấp nhận sự xuất hiện của một người lạ trong công ty. Từ đây quyền ưu tiên mua của thành viên không phát huy được tác dụng. Luật Doanh nghiệp 2005 các nhà làm luật vẫn chưa có quy định để khắc phục sự thiếu sót này.
luật sư giỏi
Đến Luật Doanh nghiệp 2014 các nhà làm luật đã nhận ra được tính bất cập và bổ sung quy định khi chuyển nhượng cho người không phải thành viên công ty thì phải chuyển nhượng cùng điều kiện chào bán với các thành viên còn lại. Quy định này vẫn được Luật Doanh nghiệp 2020 duy trì. Tuy nhiên, quy định mới chưa bảo vệ được quyền lợi của thành viên chuyển nhượng phần vốn góp; cụ thể, trong trường hợp các thành viên không mua, người chuyển nhượng cũng không thể chuyển nhượng cho người ngoài với điều kiện tốt hơn điều kiện đã chào bán nội bộ. Vì vậy, khi muốn chuyển nhượng phần vốn góp, thành viên chuyển nhượng phải tìm hiểu và đặt ra các điều kiện chuyển nhượng có lợi nhất, để khi chuyển nhượng cho người ngoài thì mục đích lợi nhuận có thể đạt được.
Để đảm bảo cả quyền lợi của thành viên chuyển nhượng và các thành viên khác thì luật nên thay quy định “chào bán cùng điều kiện” thành “chào bán với điều kiện không thấp hơn so với điều kiện chào bán cho các thành viên trong công ty”. Quy định như vậy sẽ trung hòa được quyền và lợi ích của cả hai bên. Bên cạnh đó cần có quy định giải thích yếu tố “cùng điều kiện chào bán” để tạo ra một cách hiểu thống nhất giữa bên mua, bên bán. Cùng điều kiện ở đây có thể hiểu là giá bán, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán và các yêu cầu khác có liên quan đến việc chuyển nhượng hoặc pháp luật có thể quy định mở bằng cách để Điều lệ công ty quy định về vấn đề này. Điều lệ công ty được xây dựng trên cơ sở thoả thuận giữa các thành viên, vì vậy khi để Điều lệ công ty quy định về điều kiện chuyển nhượng thì chính là sự thoả thuận của các thành viên trong công ty về các điều kiện này, các bên phải tuân thủ và thực hiện. Từ đó sẽ bảo vệ hài hoà được quyền lợi của thành viên công ty và người chuyển nhượng phần vốn góp.
luật sư tphcm
Thứ ba, điều kiện về thời hạn chào bán phần vốn góp cho các thành viên trong công ty. Luật quy định về thời hạn chào bán đối với các thành viên là 30 ngày, sau thời hạn này nếu thành viên không mua hoặc mua không hết thì có thể chuyển nhượng cho người ngoài công ty. Nếu hiểu theo quy định này thì sau thời hạn 30 ngày người chuyển nhượng mới được chuyển nhượng cho người không phải thành viên công ty. Nhưng cũng có cách hiểu khác nhau dẫn đến tranh chấp trong thực tế.
Quan điểm cho rằng thành viên chào bán phải đợi đủ 30 ngày, kể cả khi các thành viên khác đã trả lời không mua; điều này sẽ bảo vệ thành viên công ty khi họ có sự thay đổi ý định trong thời hạn 30 ngày. Nếu cho phép thành viên chuyển nhượng khi vẫn còn trong thời hạn thì khi thành viên khác đổi ý lại không thể m ua được, gây ảnh hưởng đến quyền ưu tiên mua của thành viên đồng thời làm giảm tính đối nhân của loại hình công ty TNHH.
Quan điểm khác lại cho rằng khi thành viên đã trả lời rõ không mua hoặc mua không hết thì thành viên chào bán có quyền bán cho người khác ngoài công ty, mà không cần đợi đủ 30 ngày. Điều lệ của một số công ty cũng có sự khác nhau đáng kể khi có công ty quy định trong Điều lệ bắt buộc thành viên phải chờ 30 ngày, cũng có một số công ty cho phép thành viên chào bán luôn nếu nhận được sự từ chối cụ thể dù vẫn trong thời hạn 30 ngày. Điều này có thể bị coi là trái pháp luật bởi Luật không có quy định mang tính chất mở cho phép điều lệ công ty được quy định khác đối với vấn đề này.
Thực tế trên cho thấy Luật cần quy định rõ chủ sở hữu có thể bán phần vốn góp cho người khác không phải thành viên công ty khi các thành viên trong công ty thể hiện ý chí không mua mặc dù còn thời hạn 30 ngày. Luật cũng nên quy định rõ về hình thức chào bán phần vốn góp và việc chấp nhận hoặc từ chối mua phần vốn góp của các thành viên còn lại; theo đó, thành viên chào bán phần vốn góp bằng văn bản đến cho các thành viên khác, trong thời hạn 30 ngày hoặc một thời hạn khác theo Điều lệ công ty, nếu các thành viên trả lời không mua hoặc mua không hết bằng hình thức văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương thì thành viên chuyển nhượng có thể chuyển nhượng cho người khác, hết thời hạn này mà thành viên khác im lặng thì xem như không mua.
Thứ tư, Luật Doanh nghiệp đặt ra điều kiện để chủ sở hữu phần vốn góp chỉ có thể bán phần vốn góp cho người ngoài khi thành viên không mua hoặc mua không hết. Tuy nhiên, cụm từ “mua không hết” trong Luật có hai cách hiểu khác nhau. Cách hiểu thứ nhất, mua không hết nghĩa là nếu thành viên công ty mua không hết phần vốn góp chào bán (có người mua, có người không mua hoặc chỉ mua một phần trong quyền phần ưu tiên mua của mình) thì thành viên này có quyền không bán cho các thành viên và có thể chào bán toàn bộ cho người ngoài. Cách hiểu thứ hai, mua không hết thì thành viên chào bán chỉ được bán cho người ngoài công ty phần vốn còn lại. Nếu hiểu theo cách này thì có thể dẫn đến trường hợp phần vốn góp còn lại quá ít không thể chuyển nhượng được. Chẳng hạn như công ty X có 3 thành viên là A,B,C, trong đó C sở hữu 30% vốn điều lệ. C có nhu cầu bán toàn bộ phần vốn góp này. A và B. A và B mua nhưng đều mua không hết, cuối cùng C còn lại 3% vốn điều lệ. Từ đó, C chỉ được chuyển nhượng cho người ngoài 3% còn lại. Tuy nhiên, A và B đã sở hữu tỉ lệ là 97% vốn điều lệ trong công ty, có thể chi phối điều hành mọi công việc hằng ngày của công ty vì vậy 3% còn lại không có sức hút đối với người ngoài công ty. Như vậy, sẽ gây bất lợi cho thành viên muốn chuyển nhượng phần vốn góp khi các thành viên còn lại của công ty không có thiện chí. Vì vậy, cần quy định rõ về cụm từ “mua không hết” để thành viên công ty có thể chuyển nhượng phần vốn góp một cách thuận lợi.
Khoản 1 Điều 52 Luật Doanh nghiệp 2020 còn đặt ra một quy định là các thành viên được quyền mua lại phần vốn góp với tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ. Vấn đề đặt ra nếu A chào bán cho B và C trong công ty, trong đó B không mua nhưng C mua và đề nghị mua luôn cả phần của B thì A có buộc phải bán cho C không. Có hai quan điểm liên quan đến vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng xuất phát từ tính đóng và quyền ưu tiên mua vốn góp của thành viên công ty nên nếu B không mua thì A buộc phải bán cho C. Quan điểm thứ hai lại cho rằng, để đảm bảo tính ổn định của tỷ lệ phần vốn góp trong công ty thì mỗi thành viên chỉ được quyền mua phần vốn góp tương ứng với phần của mình. Do đó phần vốn góp mà B từ chối thì C chỉ có quyền mua nếu được A đồng ý.
Có rất nhiều vấn đề khi cụm từ mua không hết không được rõ ràng. Sự không rõ ràng này khiến cho quyền lợi của cả người muốn chuyển nhượng và thành viên công ty bị ảnh hưởng. Vì vậy, cần có một thỏa thuận giữa các thành viên về việc mua không hết này trong Điều lệ công ty hoặc luật cần có một quy định về giới hạn của việc mua, khi thành viên mua không hết thì cần để lại phần vốn đủ lớn để không làm giảm sức hút với người khác, đảm bảo cho việc chuyển nhượng của thành viên; hoặc nếu còn quá ít thì buộc các thành viên phải mua toàn bộ để khiến các thành viên phải có sự thiện chí trong việc thực hiện quyền ưu tiên mua của mình. Hiện nay Luật Doanh nghiệp không quy định nhưng Điều lệ các Công ty cũng hiếm khi quy định vấn đề này, gây ảnh hưởng đến lợi ích của chủ sở hữu phần vốn góp khi tỷ lệ còn lại quá nhỏ, dẫn đến việc phần vốn góp không bán được hoặc bị giảm giá trị khi bán. Ngoài ra, để đảm bảo tính đối nhân của công ty TNHH, pháp luật nên quy định theo hướng cho phép thành viên công ty mua thêm phần vốn góp của thành viên không mua hoặc mua không hết nếu họ có nhu cầu.