Văn hóa có khái niệm rất rộng và có nhiều khái niệm, tùy góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên xã hội, nếu xây dựng thành công thì chính văn hóa sẽ nâng cao ý thức chấp hành; những chuẩn mực, giá trị được tập thể, cộng đồng thừa nhận sẽ là những “chế tài” hiệu quả, không kém chế tài pháp luật.
Năm 2019 nhận tư vấn pháp luật , xây dựng các văn bản quản lý nội bộ cho một doanh nghiệp dịch vụ có quy mô 150 nhân viên. Đặc trưng nổi bật của doanh nghiệp này là tính gia đình; Chủ doanh nghiệp (giám đốc) là một người có tính cách xuề xòa nên trật tự Công ty không có, vô cùng lộn xộn. Công ty có quy định đồng phục nhưng mạnh ai lấy mặc, các cuộc họp khi đến giờ thường chỉ có 50% thành viên có mặt, còn lại đi trễ hoặc vắng mặt với đủ thứ lý do, đặc biệt những cán bộ là hoặc có sự ‘chống lưng” của một số thành viên gia đình. Ông chủ doanh nghiệp tâm sự, Doanh nghiệp lúc đầu chỉ có khoảng 10 người, hoạt động rất hiệu quả, nhưng khi lên đến hàng trăm như hiện nay thì rối, không quản lý được.
Thỏa thuận ban đầu luật sư chỉ giúp xây dựng hệ thống văn bản, nội quy, quy chế, bảng mô tả công việc, các biểu mẫu, quy trình tạm ứng, thanh toán v.v…, nhưng sau khi trao đổi, tôi đồng ý tiếp tục hỗ trợ Công ty triển khai thực hiện các văn bản này, với điều kiện phải phân công một Phó giám đốc phụ trách việc xây dựng, triển khai thực hiện và Chủ doanh nghiệp không được can thiệp vô lối.
Dĩ nhiên để hoạt động vào nề nếp thì đi cùng với các quy định phải có chế tài xử lý nghiêm khắc. Thời gian đầu vô cùng khó khăn bởi sự phản ứng cả công khai lẫn ngấm ngầm, rất quyết liệt. Hoạt động của Công ty bị ảnh hưởng tiêu cực khá lớn bởi sự phản ứng này. Ông Phó GĐ gọi điện than thở bàn lui. Tìm hiểu thì được biết lực cản lớn nhất là bà phụ trách tài chính, em gái Chủ doanh nghiệp. Bà ta không quan tâm đến nội quy, quy chế, quy trình làm việc. Nhân viên bà này được bảo kê nên hùa theo công khai bất tuân… Tôi gặp Chủ doanh nghiệp, đề nghị “trảm” ngay bà này. Sau một hồi im lặng, ông nói “để tuần sau anh đi nước ngoài rồi chú làm”; ông Phó giám đốc phụ trách sợ giơ đầu chịu báng nên cắt lời Giám đốc “Anh ký rồi hãy đi”. Cuối cùng phương án được lựa chọn là ủy quyền cho luật sư.
Xử lý được bà này cũng không đơn giản, vốn dĩ coi Công ty như nhà của mình nên công việc đầu tiên là phải thay Tổ bảo vệ bằng Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp, những người có thể ngăn không cho bà ta vào Công ty khi có quyết định…. Sau “sự kiện” trên và xử lý thêm một vài trường hợp khác trên thì khí thế chống đối giảm hẳn. Luật sư cũng chấm dứt nhiệm vụ sau 3 tháng triển khai, khi mọi việc dần đi vào nề nếp.
Hôm qua, khi cà phê với vị Chủ doanh nghiệp, ông khoe giờ hiếm khi phải sử dụng đến quy định của luật sư, hiếm khi phải kỷ luật. Họp hành giờ rất tự giác, nghiêm túc, trật tự; ai lỡ đi trễ khi bước vào Phòng họp họ rất ngại ngùng với cả phòng họp và tự cúi đầu ra dấu xin lỗi; có nhân viên đi công tác về buổi sáng, Giám đốc kêu đến thẳng Công ty giải quyết công việc nhưng vẫn xin phép tranh thủ về nhà thay đồng phục, các quy định khác đều được chấp hành tốt, tự giác … Họ không vi phạm không hẳn do sợ bị phạt, mà do hành vi đó trở thành lập dị so với tập thể…. Tôi chúc mừng ông vì các quy định trở thành chuẩn mực chung được thừa nhận, đã trở thành văn hóa doanh nghiệp, ông đã thành công trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Ở cấp độ quốc gia về Văn hóa pháp luật, để dễ hình dung Chúng ta có thể nhìn nhận qua việc thực hiện quy định đội nón bảo hiểm. Thời gian đầu thi nhau trốn, tìm những cung đường không có công an để không đội nón; đội nón chỉ mang tính chất đối phó, để không bị phạt. Nhưng nay đã khác, giữa dòng xe cộ đông đúc, chúng ta cảm thấy mắc cỡ khi lỡ quên đội nón, người xung quanh nhìn nghía như vật thể lạ. Có lúc ra đường rồi phát hiện quên nón vẫn quay về lấy, không hẳn do sợ bị phạt, mà đơn giản vì đội nón bảo hiểm đã trở thành một nét văn hóa giao thông, cả cộng đồng xã hội thừa nhận như một giá trị, chuẩn mực chung. Không ai muốn hành xử khác với giá trị, chuẩn mực, bị lạc lõng với cộng đồng...
Dùng Nội quy Công ty để xây dựng Văn hóa doanh nghiệp , dùng pháp luật để xây dựng Văn hóa pháp luật. Đến lượt nó, văn hóa sẽ tác động tích cực đến việc chấp hành các quy định một cách tự giác. Chỉ có một xã hội pháp luật khi việc tôn trọng, thực thi, chấp hành pháp luật trở thành văn hóa, Văn hóa pháp luật .