Ở nước ta hiên nay, trong phần lớn công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, các Giám đốc (đặc biệt các Giám đốc là người làm thuê, không có phần vốn góp trong doanh nghiệp) chưa có một vị trí độc lập. Do vậy, nhiệm vụ của luật sư trong quá trình tư vấn xây dựng cơ chế quản lý nội bộ doanh nghiệp là phải đảm bảo vai trò độc lập và trung tâm của giám đốc điều hành (GĐĐH):
- Hoạt động độc lập, thực hiện đúng các mục tiêu của các chủ sở hữu, tuân theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
- Giữ vai trò trung tâm trong việc điều hành tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động hàng ngày của công ty, tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đông quản trị, Hội đồng thành viên, kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của doanh nghiệp.
Thực tế các doanh nghiệp cho thấy, Giám đốc (Tổng giám đốc) thường phụ thuộc vào các cổ đông lớn trong doanh nghiệp và vì vậy họ thường điều hành công ty phục vụ lợi ích của các chủ sở hữu lớn này. Lợi ích của các chủ sở hữu lớn và lợi ích doanh nghiệp (trong đó có cả lợi ích của các chủ sở hữu nhỏ) đôi khi không đồng nhất. Điều này làm lệch lạc quá trình thực hiện các nghị quyết của các chủ sở hữu nói chung và gây thiệt hại cho các chủ sở hữu nhỏ. Trong những trường hợp này luật sư phải giúp cho doanh nghiệp xây dựng các quy định làm sao để Giám đốc phải là người độc lập và phục vụ lợi ích công ty, khi có mâu thuẫn giữa lợi ích một số cổ đông và lợi ích của công ty thì Giám đốc phải quyết định sao cho có lợi cho công ty và đưa vấn đề ra Đại hội cổ đông gần nhất.
Giám đốc (Tổng giám đốc) đóng một vai trò quan trọng, trung tâm trong quá trình thực hiện việc quản lý, điều hành công ty. Chủ sở hữu và Hội đồng quản trị ra các quyết định trong quá trình quản lý, các quyết định này muốn đi vào thực tế cần phải được Giám đốc (Tổng giám đốc) tổ chức thực hiện. Các quy chế nội bộ phải tạo được cơ chế điều hành trung tâm của Giám đốc. Hội đồng quản trị và các cổ đông, thành viên góp vốn tuy là chủ sở hữu và ban hành các quyết định quan trọng nhất của doanh nghiệp nhưng không vì thế mà chỉ đạo công việc hàng ngày trong doanh nghiệp, toàn bộ các quyết định điều hành phải thông qua Giám đốc.
Luật doanh nghiệp 2005 nhìn chung đã tạo được một cơ chế tổ chức quản trị điều hành trong mỗi loại hình doanh nghiệp. Nhưng luật chỉ quy định ràng buộc những vấn đề mang tính nguyên tắc, xác lập “khung pháp lý” cho việc tổ chức quản lý công ty. Vì vậy, chế định tổ chức quản lý nội bộ doanh nghiệp thường chứa đựng phần lớn các quy phạm mang tính tùy nghi, doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng. Bên cạnh đó cũng có một số quy định mang tính bắt buộc. Những quy phạm bắt buộc này có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích của thành viên thiểu số, bảo vệ lợi ích của các chủ thể khác có quan hệ với công ty, đồng thời ngăn chặn tính tư lợi, cơ hội của thành viên đa số và người quản lý công ty. Về mặt lý luận, mức độ ràng buộc của pháp luật đối với việc tổ chức quản lý công ty có sự khác nhau giữa các loại hình công ty. Vai trò của luật sư tư vấn quản lý nội bộ trong doanh nghiệp là áp dụng các quy định chung trong luật vào hoàn cảnh cụ thể của doanh nghiệp tùy theo quy mô hoạt động, cơ cấu thành viên, mục đích hoạt động, lịch sử phát triển của doanh nghiệp để tạo ra các quy chế riêng cho doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí trên.
luật sư giỏi luật sư uy tín luat su uy tin luật sư luat su tìm luật sư tim luat su