Kể từ khi ra đời đến nay Luật doanh nghiệp năm 2005 đã có sự đóng góp đáng kể vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh, từng bước xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trải qua gần 10 năm đi vào thực tế, hiện nay, Luật doanh nghiệp đang dần bộc lộ những hạn chế, chưa thực sự phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, phần nào gây khó khăn đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vậy việc sửa đổi Luật doanh nghiệp cho phù hợp với xu hướng hiện hành là cần thiết, cấp bách để đáp ứng được môi trường kinh doanh thông thoáng , thuận lợi cho doanh nghiệp.
Với mong muốn xây dựng môi trường kinh doanh đơn giản, thông thoáng, đồng bộ, rõ ràng, nên vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với VCCI chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc thảo luận bàn tròn về vấn đề sửa đổi hoàn thiện Luật doanh nghiệp. Đây thực sự là một vấn đề nóng hổi nên thu hút được sự quan tâm đông đảo của các luật sư, doanh nghiệp, diễn giả trong và ngoài nước. Rất nhiều ý kiến được đưa ra thảo luận. Thạc sĩ Nguyễn Việt Khoa – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Bồi dưỡng Luật Kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế Thành phố HCM nêu: hiện nay, chúng ta có quá nhiều Luật chuyên ngành và các Luật này thường chồng chéo lên nhau. Để đồng bộ thì bản thân Luật Doanh nghiệp không thể sửa đổi một mình được mà các Luật chuyên ngành khác cũng phải sửa đổi cho phù hợp với những tiêu chí cơ bản của Luật doanh nghiệp, có như vậy khi Luật doanh nghiệp sửa đổi đi vào thực tế mới phát huy được hiệu quả. Ngoài ra cũng theo ông Khoa để tạo quyền bình đẳng giữa các nhà đầu tư và thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì Luật doanh nghiệp cần thống nhất thủ tục đăng ký doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn nước ngoài… Còn theo Tiến sĩ Hồ Xuân Thắng – Trưởng Khoa Luật (Trường Đại học Sài Gòn) thì cho rằng một số quy định trong pháp luật doanh nghiệp hiện hành đối với việc chuyển đổi hình thức công ty vẫn còn nhiều bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động và hội nhập của chính doanh nghiệp và các nhà đầu tư cũng như đến quyền lợi của bên thứ ba. Ví dụ việc công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên đã được quy định tại Luật doanh nghiệp, tuy nhiên, khi ban hành Nghị định (NĐ 139/2007/NĐ – CP; NĐ 102/2010/NĐ – CP) thì nội dung hướng dẫn của các NĐ này chưa thống nhất với các quy định của Luật. Do đó ông Thắng kiến nghị một số quy định trong Luật doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có nhu cầu chuyển đổi từ công ty CP sang công ty TNHH một thành viên, vừa đảm bảo được sự kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả vấn đề vốn góp trong quá trình chuyển đổi (như xác lập quyền sở hữu cổ phần đối với loại hình công ty cổ phần trong điều 154; bổ sung các hình thức xử lý trong trường hợp các cổ đông không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết góp vào công ty cổ phần tại điều 84).
Từ hai ý kiến trên cho thấy cho thấy doanh nghiệp không biết áp dụng văn bản pháp luật nào vì giữa các luật có sự chồng chéo khi cùng điều chỉnh một vấn đề liên quan: Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp và Bộ Luật dân sự; Luật doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn. Luật chuyên ngành và cam kết quốc tế còn chưa thống nhất nên không biết áp dụng theo văn bản nào mới đúng, văn bản nào có giá trị pháp lý cao hơn? Áp dụng tỷ lệ biểu quyết theo Nghị định 71 hay Luật Doanh nghiệp còn là vấn đề gây tranh cãi.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng nhận định Luật Doanh nghiệp 2005 đã xác lập, đảm bảo quyền kinh doanh hợp pháp với chủ thể doanh nghiệp. Tuy nhiên tính hợp lý, thống nhất, minh bạch, đồng bộ phát triển của bộ luật còn bộc lộ một số nhược điểm. Vị đại diện này dẫn chứng hiện nay một số địa phương đưa vào quy định khi đăng ký kinh doanh, các doanh nghiệp phải chờ cơ quan kế hoạch đầu tư địa phương trình UBND tỉnh cho chủ trương mới thực hiện được quyền đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp 2005. Quy định “ngầm” này đã “ngâm” hồ sơ doanh nghiệp vì phải chờ đợi không rõ thời hạn bao lâu, gây cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cho rằng quy định này nằm ngoài luật điều chỉnh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa kiến nghị cần hủy bỏ (theo khoản 5 điều 7) hoặc đưa vào điều luật để điều chỉnh hành vi quản lý các cấp địa phương cho minh bạch, thống nhất.
Trong khi đó, Luật sư Võ Thành Vị đại diện văn phòng Luật sư Võ Thành Vị nêu quan điểm: ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải được lựa chọn từ hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng trên thực tế có những ngành nghề kinh doanh dự định kinh doanh không có mã ngành nghề đăng ký kinh doanh được quy định trong hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam. Như vậy việc áp mã số ngành nghề trên thực tế rất khó do sự không phù hợp giữa ngành nghề đăng ký kinh doanh với ngành kinh tế ViệtNam, ngành nghề đăng ký kinh doanh của người dân. Cho nên theo ông Vị, không nên quy định bắt buộc phải đăng ký ngành nghề kinh doanh theo ngành kinh tế Việt Nam như hiện nay mà hãy để cho người dân đăng ký ngành nghề kinh doanh theo sự lựa chọn ngành nghề để kinh doanh, trừ những ngành nghề mà pháp luật cấm. Đây cũng chính là điểm vướng mắc trong thi hành Luật doanh nghiệp và chưa phù hợp nguyên tắc doanh nghiệp được quyền chủ động lựa chọn ngành nghề kinh doanh. Bên cạnh đó còn có sự không thống nhất giữa các văn bản về điều kiện kinh doanh của từng ngành nghề, luật này cho phép, luật kia lại không cho phép gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề vướng mắc được đưa ra thảo luận và được đề nghị sửa đổi để hoàn thiện Luật doanh nghiệp. Qua đó cho thấy rằng việc sửa đổi để hoàn thiện Luật doanh nghiệp là cần thiết, cấp bách để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đồng bộ, rõ ràng.
Thùy Nhi
IPCS luat su tu van | tu van doanh nghiep |