Chất lượng hàng hóa là những đặc tính, thông số thể hiện phẩm chất, giá trị của hàng hóa đó; các bên được khuyến khích thỏa thuận càng chi tiết càng tốt. Thỏa thuận về chất lượng hàng hóa trong hợp đồng sẽ được xem là căn cứ, tiêu chuẩn để xác định bên bán đã hoàn thành nghĩa vụ giao đúng hàng hóa của mình hay chưa, là tiền đề để xác định trách nhiệm của các bên nếu có tranh chấp.
văn phòng luật sư
Cả Luật Thương mại năm 2005 (LTM 2005) và Công ước Viên năm 1980 của Liên Hợp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) đều xem chất lượng hàng hóa được thỏa thuận trong hợp đồng là một căn cứ quan trọng nhằm xác định nghĩa vụ giao hàng của bên bán. Việc giao hàng không đúng chất lượng đã thỏa thuận được xem là hành vi giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng. Trong trường hợp các bên đã thỏa thuận cụ thể các thông số về chất lượng của hàng hóa, LTM 2005 và CISG đều ghi nhận sự ưu tiên áp dụng và tôn trọng thỏa thuận của các bên, đồng thời không quy định bất kỳ một sự chênh lệch hay ngưỡng sai số nào dựa trên “chất lượng” mà các bên đã thống nhất. Tranh chấp giữa Công ty Sunrise ... và Ryan .. là một ví dụ về vấn đề này. Trong đó, Bên bán đã đồng ý cung cấp 6.000 tấn ngô (bắp) hữu cơ cho Bên mua. Hợp đồng quy định mức độ độc tố nôn (một loại nấm mốc có trong hầu hết các sản phẩm ngũ cốc) trong ngô không được vượt quá hai phần triệu. Sau đó, một cuộc kiểm tra cho thấy một phần ngô tại địa điểm nhận hàng của người bán có chứa một lượng độc tố nôn cao hơn, Bên mua đã từ chối nhận toàn bộ số lượng hàng hóa và chuyển sang một nguồn khác để mua. Bên bán sau đó đã bán lại ngô cho những khách hàng khác và đệ đơn khiếu nại người mua để tìm cách bồi thường thiệt hại. Căn cứ vào thỏa thuận giữa các bên về độ độc tố nôn của hàng hóa, Tòa án nhận định hàng hóa mà người bán giao cho người mua là không phù hợp với hợp đồng; Nhưng Tòa án cũng cho rằng Bên mua đã từ chối một cách không hợp lý nỗ lực cứu chữa hợp lý của Bên bán (Điều 47 CISG). Sau khi phần ngô đó được phát hiện có chứa độc tố nôn ở mức độ cao hơn, Bên bán thực sự đã đề xuất sửa chữa các khiếm khuyết theo ba cách khác nhau: (1) cung cấp ngô từ một khu vực khác của cơ sở lưu trữ; (2) trộn nó với ngô có hàm lượng độc tố nôn thấp hơn theo quy định của ngành; hoặc (3) cung cấp hoàn toàn ngô từ một cơ sở lưu trữ khác. Tuy nhiên, người mua đã không cho phép người bán khắc phục tình trạng không phù hợp của hàng hóa. Hơn nữa, người mua đã không cung cấp bằng chứng cho thấy phần còn lại của hàng hóa bị lỗi. Do đó, dù hàng hóa không phù hợp nhưng người mua đã có hành vi gây thiệt hại cho người bán, nên Tòa án phán quyết rằng người bán có quyền thu hồi phần chênh lệch giữa giá trong giao dịch thay thế và giá đã thỏa thuận trong hợp đồng.
luật sư giỏi
Một ví dụ khác là vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán linh kiện của rèm cửa. Sau khi nhận hàng, người mua (nhà sản xuất rèm) cho rằng một số rèm không che được ánh sáng mặt trời một cách hiệu quả nên chỉ thanh toán một phần tiền và yêu cầu người bán bồi thường thiệt hại vì sự không phù hợp của hàng hóa với Hợp đồng. Người bán đã khởi kiện yêu cầu người mua thanh toán toàn bộ. Xem xét các thông số về chất lượng của hàng hóa được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, Tòa án đã nhận định rằng loại nhựa được giao có một tỷ lệ phần trăm của một chất nhất định thấp hơn tỷ lệ đã thỏa thuận, và do đó, Tòa án cho rằng người bán đã vi phạm nghĩa vụ giao hàng hóa phù hợp với hợp đồng giữa các bên.
luật sư tphcm
Bên cạnh yếu tố chất lượng, các vấn đề liên quan đến việc xác định chất lượng hàng hóa cũng cần thiết được thỏa thuận trong hợp đồng; thực tế tồn tại nhiều cách thức, cơ chế khác nhau khi xác định chất lượng hàng hóa, và theo đó, kết quả được đưa ra cũng có thể khác nhau. Vì vậy, các bên được khuyến khích thỏa thuận về cả cách thức, cơ chế xác định chất lượng hàng hóa để đặc tính của hàng hóa được thể hiện rõ ràng hơn trong hợp đồng, góp phần hạn chế phát sinh tranh chấp. Một ví dụ về tầm quan trọng của cách thức kiểm tra chất lượng hàng hóa được thể hiện thông qua tranh chấp giữa người bán Thụy Sỹ và người mua Hà Lan. Các bên đã ký kết 03 hợp đồng mua bán cùng một loại hàng hóa với quy cách phẩm chất được quy định chi tiết. Tuy nhiên, chỉ có 02 hợp đồng được thực hiện, hợp đồng thứ 3 người mua đã hủy hợp đồng trước khi hàng được gửi đi từ Canada với lý do hàng hóa được giao ở hai hợp đồng đầu không đúng quy cách phẩm chất quy định trong hợp đồng. Nhà máy ở Canada đã cử kỹ sư kiểm tra mẫu hàng, kết quả kiểm tra cho thấy: nếu phân tích theo phương pháp Bắc Mỹ thì hàng hóa phù hợp với hợp đồng, nhưng nếu phân tích theo phương pháp Châu Âu thì hàng hóa lại không phù hợp. Người bán đã khởi kiện người mua ra trọng tài, yêu cầu bồi thường đối với hành vi hủy hợp đồng, còn người mua yêu cầu bồi thường đối với thiệt hại liên quan đến hai hợp đồng đầu. Trọng tài nhận định, các bên thỏa thuận cụ thể vể quy cách phẩm chất hàng hóa nhưng lại không đề cập đến phương pháp sử dụng để phân tích chất lượng hàng hóa cho đến khi người mua có khiếu nại về phẩm chất hàng hóa. Thực tế giữa người mua và người bán chưa hề có một thỏa thuận về phương pháp phân tích. Người bán lẽ ra phải nêu rõ những miêu tả về hàng hóa trong hợp đồng phải được hiểu theo phương pháp phân tích Bắc Mỹ, thay vì mặc định cho rằng phương pháp Bắc Mỹ là phương pháp được sử dụng rộng rãi nên không thông tin đến cho người mua. Đồng thời, người mua cũng có trách nhiệm trong việc thông báo cho người bán về phương pháp Châu Âu mà mình yêu cầu. Trọng tài cho rằng, người bán và người mua có trách nhiệm chia sẻ hậu quả do lỗi cẩu thả gây nên. Tuy nhiên, vì phương pháp Bắc Mỹ được sử dụng rộng rãi hơn so với các phương pháp khác nên lỗi cẩu thả trong việc cung cấp thông tin của người bán nhẹ hơn so với người mua. Do đó, trọng tài quyết định số tiền bồi thường sẽ được chia làm 5 phần, người mua chịu 3/5, người bán chịu 2/5. Đối với hai hợp đồng đầu, hàng hóa được xác nhận và việc thanh toán đã được thực hiện sau khi lỗi được phát hiện, hơn nữa không có bằng chứng cho thấy các bên đã thương lượng về phương pháp phân tích, do đó, trọng tài không chấp nhận đơn kiện lại của người mua về việc bồi thường hàng hóa không phù hợp với hợp đồng.
Như vậy, chất lượng hàng hóa trong quan hệ mua bán giữa các bên đóng một vai trò quan trọng, cấu thành nên sự phù hợp của hàng hóa trong hợp đồng. Không chỉ là các thông số kỹ thuật và kiểu dáng, các bên trong hợp đồng được khuyến khích đề cập và thỏa thuận tất cả nội dung liên quan đến yếu tố chất lượng, bao gồm cả những khái niệm về chất lượng mang tính cá nhân, chủ quan hay phương pháp xác định chất lượng của hàng hóa... Việc thể hiện rõ thông tin về hàng hóa trong hợp đồng, đặc biệt là các yêu cầu của bên mua, sẽ là một nội dung hữu ích, hỗ trợ cho bên bán trong quá trình tìm hiểu tính khả thi của hợp đồng và giao hàng phù hợp. Sự thỏa thuận chi tiết này cũng sẽ góp phần làm tăng hiệu quả của giao dịch và hướng đến việc đạt được mục đích khi giao kết hợp đồng của các bên.