Sau 3 năm thực hiện Nghị định số 48/2010/NĐ-CP (áp dụng bắt buộc đối với các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên) bước đầu các nội dung đổi mới của Nghị định này đã đi vào cuộc sống, góp phần làm minh bạch quá trình quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, sau thời gian áp dụng Nghị định số 48 đã bộc lộ một số yếu điểm, tạo ra kẽ hở trong quá trình thực hiện hợp đồng hoạt động đầu tư xây dựng. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã ban hành Nghị định số 207/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 48 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Nghị định 207/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2014. Các hợp đồng xây dựng đã ký kết và đang thực hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì không phải thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Hợp đồng xây dựng quyết định đến kết quả quản lý dự án đầu tư xây dựng.
1. Hợp đồng xây dựng chỉ được ký kết khi đã có kế hoạch vốn thanh toán:
Nghị định 207/2013/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung thêm quy định về nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng. Theo đó,Hợp đồng xây dựng chỉ được ký kết khi bên giao thầu đã có kế hoạch vốn để thanh toán cho bên nhận thầu theo tiến độ thanh toán của hợp đồng, trừ các công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp
2. Giá hợp đồng phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro có liên quan:
Để tránh việc điều chỉnh giá hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng xây dựng, Nghị định này quy định bổ sung:
- Đối với hợp đồng trọn gói: Giá gói thầu, giá hợp đồng phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro có liên quan như trượt giá trong thời gian thực hiện hợp đồng và các bên phải tự chịu trách nhiệm đối với các rủi ro của mình liên quan đến giá hợp đồng.
Giá hợp đồng trọn gói chỉ áp dụng cho các gói thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu và đàm phán ký kết hợp đồng đã đủ điều kiện để xác định rõ về khối lượng, chất lượng, tiến độ thực hiện và đơn giá để thực hiện các công việc hoặc trong một số trường hợp không thể xác định được rõ khối lượng, đơn giá (như: hợp đồng EC, EP, EPC và hợp đồng tổng thầu chìa khóa trao tay) nhưng bên nhận thầu có đủ năng lực kinh nghiệm để tính toán, xác định giá hợp đồng trọn gói.
- Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định: Đơn giá cho các công việc theo hợp đồng phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro có liên quan như trượt giá trong thời gian thực hiện hợp đồng và các bên phải tự chịu trách nhiệm đối với các rủi ro của mình liên quan đến đơn giá để thực hiện công việc.
Giá hợp đồng theo đơn giá cố định chỉ áp dụng cho các gói thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu và đàm phán ký kết hợp đồng đã đủ điều kiện để xác định rõ về chất lượng, tiến độ thực hiện và đơn giá để thực hiện các công việc, nhưng chưa xác định được chính xác khối lượng công việc.
- Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh: Chỉ áp dụng cho các gói thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu và đàm phán ký kết hợp đồng chưa đủ điều kiện để xác định rõ về khối lượng và yếu tố trượt giá trong đơn giá để thực hiện các công việc của hợp đồng;
Giá hợp đồng theo thời gian và tỷ lệ (%) áp đụng đối với các hợp đồng có công việc tư vấn đầu tư xây dựng (trừ công việc khảo sát xây dựng) và hoạt động bảo hiểm trong xây dựng
3. Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tiền tạm ứng hợp đồng xây dựng
Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ chưa quy định cụ thể thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng. Tuy nhiên, thời gian qua nội dung này thực hiện theo Mẫu bảo lãnh tiền tạm ứng ban hành kèm Thông tư số 01/2010/TT-BKH ngày 06/01/2010 (Mẫu số 17) và Thông tư số 06/2010/TT-BKH ngày 09/3/2010 (Mẫu số 18) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp và lập hồ sơ mời thầu dịch vụ tư vấn. Tại các Mẫu bảo lãnh tiền tạm ứng nói trên, quy định “Bảo lãnh tiền tạm ứng có hiệu lực kể từ ngày nhà thầu nhận được khoản tiền tạm ứng theo hợp đồng cho tới ngày… tháng … năm …hoặc khi chủ đầu tư thu hồi hết tạm ứng, tùy theo ngày nào đến sớm hơn”. Chính vì quy định “tùy theo ngày nào đến sớm hơn” như trên, nên thực tế đã xảy ra một số trường hợp chủ đầu tư chưa thu hồi hết tiền tạm ứng thì bảo lãnh tiền tạm ứng đã hết hiệu lực do ngày hết hiệu lực được ghi cụ thể ngày…tháng…năm…đến sớm hơn ngày chủ đầu tư thu hồi hết tạm ứng.
Khắc phục tình trạng này, Nghị định 207/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 của Chính phủ đã bổ sung và quy định cụ thể “Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi bên giao thầu đã thu hồi hết số tiền tạm ứng”.
Trên đây là những điểm sửa đổi, bổ sung mới quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng được quy định tại Nghị định 207/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 của Chính phủ.
Theo B-contract.
Để được tư vấn pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Luật sư Phạm Tuấn Anh - Văn phòng luật - Tư vấn luật
Luật sư Phạm Tuấn Anh (Mr.)
Mobile: 0989.745.745
VP HCM: 0922 822 466
Email: luatsuphamtuananh@info.com