Nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Trước đây, khi quy định điều kiện về nội dung của hợp đồng, BLDS 1995 sử dụng thuật ngữ “nội dung trái pháp luật ”. Nay BLDS sửa đổi thành “vi phạm điều cấm của pháp luật ”. Bàn về vấn đề này, chúng tôi sẽ phân tích các nội dung sau đây:
- Thế nào là điều cấm của pháp luật?
Về nguyên tắc, một giao dịch trái pháp luật được hiểu là giao dịch vi phạm một quy phạm pháp luật bắt buộc, được soạn thảo thông thường dưới d ạng khắt khe nhất là cấm làm một việc gì đó, hoặc dưới dạng nhẹ hơn là không được làm hoặc phải làm một việc nào đó. Điều 128 BLDS định nghĩa điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện hành vi nhất định. Như vậy, liệu có thể nói, các quy phạm mệnh lệnh soạn dưới dạng phải làm một việc không bị xem là điều cấm của pháp luật và vì vậy vi phạm các điều khoản này không dẫn tới hợp đồng vô hiệu? Trên thực tế, trong nhiều văn bản luật, các giao dịch vi phạm các quy phạm bắt buộc phải làm một việc vẫn bị coi là vô hiệu. Hơn nữa, còn có một cách hiểu khác, điều luật quy định phải làm một việc, vậy vế ngầm của điều luật này là không được phép làm trái với quy định của điều luật đó, nếu như vậy, điều luật này vẫn có thể bị xem là điều cấm.
- Mọi giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật đều bị xem là vô hiệu tuyệt đối.
Tham khảo luật pháp một số nước thì thấy, để xác định tính vô hiệu tương đối hay tuyệt đối khi nội dung hợp đồng vi phạm một quy phạm bắt buộc của pháp luật, việc phân định quy phạm “ cấm ”, quy phạm “ phải làm một việc ” hoặc “ không được làm một việc ” không có mấy ý nghĩa, mà phải căn cứ vào việc quy phạm bắt buộc này có mục đích bảo vệ lợi ích công cộng hay lợi ích cá nhân. Nếu quy phạm đó nhằm bảo vệ lợi ích công cộng thì hợp đồng sẽ vô hiệu tuyệt đối, ngược lại, nếu nhằm bảo vệ lợi ích cá nhân thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu tương đối. Ở Việt Nam, mọi trường hợp vi phạm điều cấm đều dẫn đến vô hiệu tuyệt đối. Chẳng hạn, Điều 476 BLDS quy định về mức lãi suất cho vay tối đa nhằm tránh việc bên cho vay có thể lợi dụng hoàn cảnh của bên vay để áp đặt mức lãi suất quá cao. Các Tòa án đề coi điều khoản lãi suất của một hợp đồng vay tài sản vi phạm Điều 476 BLDS là vô hiệu tuyệt đối.
giai quyet tranh chap
- Những trường hợp nào vi phạm điều cấm của pháp luật nên xử lý bằng chế tài hợp đồng vô hiệu?
Nếu điều cấm của pháp luật được định nghĩa như Điều 128 BLDS và được diễn giải như trên, một câu hỏi cần đặt ra, liệu có phải mọi sự vi phạm pháp luật của các chủ thể hợp đồng đều dẫn tới sư vô hiệu của hợp đồng không? Nếu câu trả lời là khẳng định thì hẳn là pháp luật sẽ trở thành vật cản quá lớn cho sự lưu thông của các giao dịch trong xã hội. Vì vậy, khi phát hiện có một vi phạm pháp luật nào đó trong một tranh chấp hợp đồng, thẩm phán cần tìm hiểu kỹ lưỡng mục đích và ý nghĩa xã hội của quy phạm pháp luật bắt buộc đó. Nếu quy phạm này chỉ nhằm những hoàn cảnh nằm ngoài việc giao kết, thực hiện hợp đồng, thì việc vi phạm quy phạm đó phải được xử lý bằng chế tài khác như chế tài phạt hành chính hoặc hình sự chứ không thể bị xử lý bằng một chế tài dân sự, nghĩa là hợp đồng vẫn “ sống ”. Trái lại, nếu quy phạm đó trực tiếp liên quan đến nội dung hợp đồng (chẳng hạn, liên quan tới năng lực pháp luật của người ký kết hợp đồng hay đối tượng là vật trong hợp đồng mua bán…) hợp đồng sẽ vô hiệu.
giải quyết tranh chấp
Thực ra, vấn đề này không chỉ liên quan đến vai trò của thẩm phán mà còn liên quan trước tiên đến quan niệm của nhà làm luật mỗi khi soạn thảo một điều luật hay cả một đạo luật. Trong pháp luật hợp đồng, một trong các nguyên tắc cơ bản là tôn trọng tối đa quyền tự do ý chí của các bên và hạn chế tối đa sự can thiệp của Nhà nước, có như vậy mới thúc đẩy được các giao lưu dân sự, thương mại phát triển. Pháp luật các nước phát triển đều có xu hướng tuân theo phương châm hợp đồng sinh ra là để thực hiện chứ không phải bị hủy . Chính vì vậy, khi giải quyết các tranh chấp hợp đồng vô hiệu, các thẩm phán các nước theo hệ thống Common law đã sử dụng phương pháp “ blue pencil ” để xác định việc vi phạm một quy phạm pháp luật bắt buộc nào đó có ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung của hợp đồng hay chỉ có chủ thể của hành vi vi phạm mới phải chịu một chế tài khác về hành chính hay hình sự, còn hợp đồng vẫn tồn tại. Nhìn chung, xuất phát từ triết lý hợp đồng sinh ra là để thực hiện chứ không phải bị hủy và mục tiêu của pháp luật là bảo đảm sự công bằng, các Thẩm phán phương Tây thường tìm cách quy chế tài vi phạm một quy phạm pháp luật bắt buộc nào đó thành một chế tài hành chính (phạt) hoặc hình sự, để vẫn giữ nguyên quan hệ hợp đồng giữa chủ thể vi phạm quy phạm bắt buộc đó với phía bên kia.
- Mối quan hệ giữa nội dung hợp đồng và nghĩa vụ hợp đồng
Điều 282 BLDS quy định về đối tượng của nghĩa vụ. Có mối quan hệ gì giữa Điều này với Điều 122 khoản 1 điểm b BLDS? Điều 122 khoản 1 điểm b BLDS chỉ quy định về nội dung của hợp đồng song hợp đồng là một trong các căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự. Vì vậy, xem xét đến tính hợp pháp của nội dung trong hợp đồng, các điều khoản trong hợp đồng thì cũng chính là việc xét đến đối tượng của nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng (được hiểu tài sản, công việc phải làm hoặc không được làm). Theo Điều 282 BLDS, đối tượng của nghĩa vụ phải đáp ứng được ba điều kiện: (i) tính xác định; (ii) tính có thể đem giao dịch được (đối với tài sản) hay tính có thể thực hiện được (đối với công việc phải làm); và (iii) tính hợp pháp.
luat su
Tính có thể xác định được của đối tượng của nghĩa vụ yêu cầu đối tượng phải được chỉ định đích xác đối với vật đặc định, (thí dụ, việc mua một bức tranh của họa sỹ X, mua một ngôi nhà tọa lạc tại Z…) hoặc có thể xác định được về số lượng đối với vật cùng loại (chẳng hạn, A ký hợp đồng mua tôm với B, trong hợp đồng xác định số lượng mua là 100 kg tôm loại 1 trong ao của B). Nếu vật không được xác định rõ ràng thì nghĩa vụ không tồn tại vì không có đối tượng, vì vậy, hợp đồng không tồn tại.
Tính có thể đem giao dịch được của tài sản được hiểu là tài sản phải tồn tại vào thời điểm giao kết, hoặc nếu chưa tồn tại thì phải chắc chắn sẽ có (chẳng hạn, A có thể ký hợp đồng với B mua một mặt hàng mà B đang sản xuất). Nếu vật không tồn tại vào thời điểm giao kết hoặc không thể có được trong tương lai, nghĩa vụ coi như không có đối tượng nên hợp đồng vô hiệu. Đối với nghĩa vụ có đối tượng là công việc, tính có thể thực hiện trong hợp đồng được hiểu là công việc đó con người có khả năng làm được. Vì vậy, nếu A hứa sẽ bán cho B thuốc trường sinh bất tử, nghĩa vụ này được coi như không thể thực hiện được và hợp đồng vô hiệu. Về điểm này, ngạn ngữ Pháp có câu: “Với một điều không thể thực hiện được thì không ai phải có trách nhiệm cả!” .
van phong luat su
Tính hợp pháp của đối tượng nghĩa vụ được hiểu là công việc mà pháp luật không cấm hoặc được vật được phép lưu thông. Như vậy, một hợp đồng có nghĩa vụ liên quan đến đối tượng không hợp pháp sẽ vô hiệu và căn cứ để hợp đồng vô hiệu là Điều 122 khoản 1 điểm b BLDS.
Mục đích hợp đồng trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội
Điều 123 BLDS đưa ra định nghĩa khá mơ hồ về mục đích của hợp đồng. Có nên xem mục đích của hợp đồng chính là động cơ cá nhân thúc đẩy các bên giao kết hợp đồng? Chẳng hạn, mục đích của bên thuê nhà là để ở hoặc kinh doanh, mục đích của bên cho thuê là để khai thác hóa lợi tài sản của mình? Hơn nữa, mục đích hợp đồng không phải là một điều khoản bắt buộc của hợp đồng trừ phi luật pháp quy định hoặc các bên thỏa thuận. Điều đó có nghĩa là các bên không có nghĩa vụ phải tiết lộ mục đích ký kết hợp đồng nếu pháp luật không buộc phải tiết lộ.
Một vấn đề khác đặt ra, hợp đồng vô hiệu do có mục đích trái pháp luật khi cả hai bên đều theo đuổi hoặc biết mục đích trái pháp luật hay chỉ cần một bên theo đuổi mục đích đó? Tham khảo án lệ của các nước thì thấy trước đây vấn đề này cũng gợi lên rất nhiều quan điểm khác nhau. Một số luật gia cho rằng, động cơ trái pháp luật đều phải được hai bên biết. Một số khác lại cho rằng, điều kiện này chỉ nên đòi hỏi trong các hợp đồng có đền bù. Một số người lại đưa ra giải pháp tùy thuộc vào sự ngay tình hay không ngay tình của bên yêu cầu tuyên hợp đồng vô hiệu: bên không biết về tính chất trái pháp luật của hợp đồng không thể bị tước đi quyền lợi phát sinh từ giao dịch đó. Tuy nhiên, kể từ khi Tòa án Pháp đưa ra một phán quyết mới, hợp đồng bị coi là vô hiệu tuyệt đối khi một bên có mục đích trái pháp luật.