(PL-NS)- Ông T. kiện bà P. ra tòa để đòi quyền sử dụng hơn 1.000 m2 đất. Ông T. cho biết vợ chồng ông mua phần đất này từ một người khác, chưa kịp làm thủ tục sang tên nên giấy đỏ vẫn đứng tên chủ cũ. Mấy năm trước, vợ ông giao giấy đỏ đứng tên chủ cũ cho bà P. để vay 20 triệu đồng. Thế mà bà P. lại tự ý làm thủ tục sang tên trên giấy đỏ cho chính bà, sau đó rào khu đất, đập nhà và san lấp giếng nước của gia đình ông.
Ngược lại, bà P. khẳng định mình đã mua phần đất này với giá 70 triệu đồng. Sau khi nhận đủ tiền, vợ ông T. giao cho bà giấy đỏ đứng tên chủ cũ. Thậm chí sau khi chuyển nhượng, con gái của bên bán cũng dọn ra khỏi nhà để giao đất cho bà. Việc chuyển nhượng xong xuôi nên bà mới dỡ nhà, rào đất, đồng thời lập thủ tục hợp thức hóa giấy tờ từ tên chủ cũ sang cho bà.
Trong quá trình giải quyết vụ án, từ đầu chí cuối vợ chồng ông T. đều khẳng định việc chuyển nhượng như bà P. nói là không có thật. Ngoài việc đòi đất, vợ chồng ông T. còn yêu cầu bà P. bồi thường hơn 72 triệu đồng cho phần căn nhà bà P. đã dỡ bỏ, giếng nước đã san lấp cùng hoa lợi trên đất đã bị thiệt hại. Tuy nhiên, TAND thành phố P đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông T.
Tháng 3-2011, TAND tỉnh N đưa vụ án trên ra xét xử phúc thẩm. Cấp phúc thẩm đánh giá thực tế có việc chuyển nhượng hơn 1.000 m2 đất giữa các bên, bởi có khá nhiều nhân chứng đã chứng kiến việc mua bán này. Một nhân chứng còn khẳng định đã trực tiếp viết giùm giấy chuyển nhượng cho bà P. và vợ ông T. với giá chuyển nhượng đúng là 70 triệu đồng. Nguyên đơn khai không chuyển nhượng mà chỉ thế chấp giấy đỏ để vay 20 triệu đồng và đã trả xong tiền cho bị đơn. Tuy nhiên, lời khai này không có cơ sở bởi nếu đã trả hết tiền, tại sao vợ chồng ông T. không đòi lại giấy đỏ đã thế chấp mà lại để cho bà P. đến dỡ nhà, rào đất. Thậm chí, con gái nguyên đơn còn ra khỏi nhà để giao đất cho bị đơn.
Đến đây, thế cờ tưởng chừng có lợi cho bà P. nhưng không phải. Cấp phúc thẩm nhận định hơn 1.000 m2 đất các bên đang tranh chấp vốn là tài sản chung của vợ chồng ông T. Trong khi đó, chỉ có một mình vợ ông T. đứng ra ký hợp đồng chuyển nhượng với bà P. nên hợp đồng vô hiệu. Nhận định của cấp phúc thẩm phù hợp với khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, vốn quy định “vợ, chồng có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung”. Nội dung này cũng được quy định tại Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Vì mắc những thiếu sót nghiêm trọng nên TAND thành phố P phải xét xử sơ thẩm lại vụ án trên. Muốn thắng kiện, bà P. chỉ có cách chứng minh 1.000 m2 đất nêu trên là tài sản riêng của vợ ông T. Điều này không dễ vì ông T. có căn cứ khẳng định đây là tài sản chung của cả vợ chồng ông. Giá như khi ký kết hợp đồng, bà P. đừng “nhớ vợ quên chồng”, không bỏ qua vai trò quan trọng của ông T. thì đâu đến nỗi.
Theo Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 172
Để được tư vấn pháp luật, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Luật sư Phạm Tuấn Anh - Văn phòng luật - Tư vấn luật
Luật sư Phạm Tuấn Anh (Mr.)
Mobile: 0989.745.745
VP HCM: 0922 822 466
Email: luatsuphamtuananh@info.com